Lộn xộn dịch vụ cho thuê lại lao động
29/03/2013 08:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Xuất hiện gần 10 năm nay, loại hình cho thuê lại lao động gần đây có chiều hướng tăng mạnh. Tuy nhiên, do kẽ hở pháp luật cũng như năng lực kiểm soát của cơ quan hữu quan còn hạn chế, không ít doanh nghiệp hoạt động chui, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Các doanh nghiệp cung ứng lao động chui đang kiếm tiền trên công sức của người lao động (ảnh minh họa)
Điều đáng nói là trong khi người sử dụng lao động và doanh nghiệp (DN) làm dịch vụ cho thuê lao động luôn nắm đằng chuôi thì quyền lợi của người lao động lại bị xem nhẹ. Không chỉ có vậy, do nhu cầu lớn, thị trường xuất hiện ngày càng nhiều DN hoạt động không phép, hoạt động chui, cung ứng lao động bất hợp pháp. Chiêu bài chung mà các DN này thường áp dụng là ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn việc làm, tư vấn nhân sự, hỗ trợ quản lý nguồn nhân lực, hỗ trợ quản lý kinh doanh... Thực chất, các DN đang “lách luật” để làm dịch vụ này khi giao kết cho thuê lại lao động bằng “hợp đồng kinh tế”. Điều này dẫn đến việc khi xảy ra tranh chấp, các bên thường đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và đẩy thiệt thòi về phía người lao động.
Bà Nguyễn Thu Bình (Phòng Lao động - Ban Quản lý các KCN - KCX Hà Nội) cho biết, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều DN đã ký hợp đồng thuê lại lao động của một số đơn vị không có chức năng làm dịch vụ cung ứng lao động: “Chúng tôi đã khuyến cáo là các đơn vị này không được cấp phép dịch vụ cung cấp lao động và đã yêu cầu các DN dừng hoạt động thuê lại lao động. Thực chất, các đơn vị này đang kiếm tiền trên sức lao động của người lao động”. Bà cảnh báo, khi ký kết với các đơn vị hoạt động chui này. phần thiệt thòi, rủi ro luôn thuộc về người lao động. Dù có ký cả đống giấy tờ, nhưng khi đơn vị sử dụng lao động cắt giảm nhân viên, người lao động sẽ “ra đường” mà chẳng được hưởng chút quyền lợi nào. Nhiều người lúng túng không biết khiếu nại thế nào bởi chính họ ban đầu đã chấp thuận việc ký hợp đồng ở một nơi (công ty cho thuê lao động) trong khi lại thực sự làm việc cho một DN khác.
Một ví dụ điển hình mới bị phát hiện là Công ty Nippon Manufacturing Service Quốc tế Việt Nam. Không có ngành nghề cho thuê lại lao động nhưng DN này vẫn thản nhiên cung ứng dịch vụ cho thuê lại lao động cho nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng Đầu tư (Ban Quản lý các KCN - KCX Hà Nội) cho biết, vào đầu tháng 3/2013, đoàn công tác của BQL (trong đó có Phòng Đầu tư) đã kiểm tra hoạt động của Văn phòng đại diện Công ty Nippon tại TP Hà Nội (tại tòa nhà Techno-center, KCN Thăng Long, Hà Nội). Đăng ký kinh doanh của Công ty Nippon không có dự án sản xuất linh kiện điện tử; không có dự án sản xuất, chi nhánh, dự án tại khu vực phía Bắc. Song, đoàn kiểm tra phát giác DN này tổ chức dịch vụ cho thuê lại lao động. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản về việc này, đồng thời yêu cầu Văn phòng đại diện giải trình toàn bộ những vấn đề liên quan đến vụ việc sai phép này. Ngoài ra, DN này phải gỡ bỏ những quảng cáo về việc cho thuê lại lao động cũng như không được phép quảng bá trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Quốc Việt xác nhận, việc mở dịch vụ cho thuê lại lao động của Công ty Nippon là trái pháp luật vì thế cơ quan hữu quan đã yêu cầu DN phải dừng hoạt động trái phép này.
Không chỉ có Công ty Nippon Manufacturing Service Quốc tế Việt Nam, tại Hà Nội, hiện có hàng chục DN khác cũng làm dịch vụ cho thuê lao động nhưng không hề được cấp phép trong lĩnh vực này. Để chấn chỉnh lại hoạt động cho thuê lao động, các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, xác minh, xử lý sai phạm nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Ông Nguyễn Vũ Điệp, Trưởng phòng Lao động cũng khẳng định, hoạt động cho thuê lại lao động của nhiều DN không phép là trái pháp luật. Sắp tới, khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2012, pháp luật mới cho phép một số DN có chức năng này. Ông Nguyễn Vũ Điệp nói: “Loại hình dịch vụ này cũng chỉ giới hạn ở một số ngành nghề nhất định chứ không phải cứ tuyển lao động và vô tư cho thuê lại. Các DN cho thuê lại lao động phải có trách nhiệm với người lao động khi đơn vị sử dụng lao động không còn hoạt động hoặc thua lỗ”.
Theo ANTĐ
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...