Thuốc giả tràn ngập châu Phi
21/06/2013 09:38 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ở châu Phi, cứ 6 viên thuốc thì có 1 viên là thuốc “rởm”. Một số kẻ làm giả tinh vi đến mức cho thêm các thành phần hoạt tính chỉ để vượt qua các đợt kiểm tra chất lượng chứ không có ích lợi gì đối với sức khỏe người sử dụng.
Thuốc được bán tràn lan trên thị trường châu Phi, rất khó phân biệt thật giả
Thường xuyên mua phải thuốc giả
Muwangula Misambwa là một thầy mo ở Uganda, chuyên chữa bệnh bằng các thảo dược và phép thuật. Ông rất “đắt khách” tại khu nhà ổ chuột ồn ào ở Thủ đô Kampala, với những túp lều tồi tàn được xây dựng dọc theo các cống nước thải lộ thiên. Do thuốc giả tràn ngập Uganda cũng như các quốc gia châu Phi khác như Tanzania, Nigeria và Congo, nhiều bệnh nhân phải tìm đến các thầy mo như Misambwa. “Mọi người uống phải thuốc rởm, như thuốc điều trị sốt rét tất cả đều là giả. Bởi vậy, họ đã tìm tới tôi”, Misambwa tự hào nói khi khoe giấy chứng nhận hành nghề của mình.
Thuốc giả là một vấn đề nghiêm trọng tại châu Phi. Do thời gian chờ đợi đến lượt khám bệnh lâu cộng thêm chi phí chữa bệnh đắt đỏ, nên khi bệnh sốt rét bùng phát, nhiều người tự tìm tới các hiệu thuốc để mua. Nhưng thật không may, họ thường xuyên mua phải thuốc giả. Như trường hợp của anh Jobbill Adonijh, 25 tuổi, làm bồi bàn tại một nhà hàng của Ấn Độ ở Kampala. Jobbill cho biết, cách đây 2 năm, anh bị bệnh sốt rét và mua phải loại thuốc giả rẻ tiền, uống xong không thấy có tác dụng gì, trong khi bệnh ngày càng trầm trọng thêm. “Sau khoảng 2 ngày, tôi có cảm giác đau khắp người, nên đã tới nhờ thầy thuốc khám và điều trị”, Adonijh nói.
Trong khi đó, tại khu vực biên giới ở Tanzania, hàng nghìn liều thuốc được phát miễn phí cho người nhiễm HIV và AIDS vào mùa thu năm ngoái cũng bị phát hiện là giả. Chính phủ Tanzania ước tính, 1,4 triệu công dân nước này bị nhiễm HIV hoặc AIDS và đã thực hiện chương trình cấp phát thuốc miễn phí cho người bệnh. Nhưng do thuốc giả tràn lan khiến người dân mất niềm tin vào chương trình. “Đây là một thách thức lớn trong cộng đồng chúng tôi. Mọi người ngừng sử dụng thuốc vì họ không biết tin tưởng vào ai và tìm tới nơi nào để chữa bệnh”, ông Rodgers Stephan, nhà hoạt động phòng chống AIDS nói. Do lo ngại uống phải thuốc giả, nhiều người đã quay lại các phương pháp điều trị truyền thống. Nhờ vậy, việc kinh doanh của những thầy thuốc, thầy mo như Misambwa không ngừng ăn nên làm ra.
Giống thật đến phát sợ
Một nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm đăng trên tạp chí y học Lancet chỉ ra rằng 1/3 thuốc sốt rét trên thế giới là giả hoặc không đạt tiêu chuẩn. Việc đóng gói và dán nhãn thuốc thường bị bắt chước đến mức hoàn hảo khiến cho người dùng gần như không thể phân biệt được bằng mắt thường. Một số kẻ làm giả thậm chí còn cho thêm các thành phần hoạt tính chỉ để vượt qua các công tác kiểm tra chất lượng chứ không có ích lợi gì đối với sức khỏe người sử dụng. Nếu ai chọn nhầm thuốc, tính mạng của họ có thể bị đe dọa. Trong khi đó, giá thuốc của các hãng dược được cấp phép quá cao khiến cho nhiều dân nghèo châu Phi không đủ khả năng chi trả. Trong đó, chi phí thuế và phân phối... thường cao, chiếm khoảng 30-40%, thậm chí có lúc lên tới 80% giá thuốc bán lẻ.
Hình phạt không đủ răn đe
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, khoảng 100.000 người chết mỗi năm ở châu Phi do thuốc giả. Trong khi đó, theo Mạng chính sách quốc tế của Anh, trên toàn cầu có khoảng 700.000 ca tử vong mỗi năm do thuốc điều trị bệnh lao và sốt rét giả gây ra. Đáng chú ý, trong đợt truy quét quy mô lớn tại 16 cảng biển ở phía đông và phía tây bờ biển của châu Phi vào tháng 7 năm ngoái, hơn 82 triệu liều thuốc bất hợp pháp ước tính trị giá hơn 40 triệu USD bị thu giữ. Số thuốc giả bị phát hiện gồm xi-rô ho, thuốc chống ký sinh trùng, chống sốt rét, thuốc kháng sinh và thậm chí cả thuốc tránh thai.
Nhân lực thiếu, ít được đào tạo cùng với việc lực lượng thanh tra thường xuyên nhận hối lộ và tiền lại quả khiến cho thuốc giả tràn qua biên giới nhiều nước châu Phi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng, thậm chí cướp đi cả sinh mạng con người. Tuy nhiên hình phạt đối với hành vi làm thuốc giả lại tương đối nhẹ, không đủ sức răn đe. Ví dụ, năm 2009, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã phối hợp cùng Nhóm chống làm giả các sản phẩm y tế của Tổ chức Y tế thế giới đã phát hiện 5 tấn thuốc giả ở Uganda. Ông Fred Kiyaga, lúc đó là người đứng đầu lực lượng cảnh sát Interpol Uganda cho biết, có 5 đối tượng trong đường dây làm giả trên bị kết tội và mỗi người chỉ bị phạt 520USD.
Theo ANTĐ
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...