Thị trường việc làm phục hồi không đồng đều trên thế giới
05/06/2013 07:05 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Báo cáo Việc làm thế giới 2013 được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố mới đây cho thấy những tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn rất mong manh về những tiến triển ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Trong khi đó, những quốc gia phát triển tiếp tục đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và bất bình đẳng gia tăng.
Trong khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục chậm sau cuộc khủng hoảng tài chính, ở phần lớn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, số lượng việc làm đang tăng lên và bất bình đẳng về thu nhập đang được thu hẹp so với các nước phát triển. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo ở phần lớn các quốc gia thu nhập thấp và trung bình vẫn ở mức cao. Nhiều hộ gia đình vốn đã thoát nghèo nay lại đối mặt với nguy cơ bị rơi trở lại xuống dưới chuẩn nghèo. Ngược lại, bất bình đẳng về thu nhập gia tăng ở các nền kinh tế phát triển trong hai năm vừa qua trong bối cảnh thất nghiệp toàn cầu tiếp tục gia tăng. Số người thất nghiệp được dự báo sẽ tăng từ 200 triệu hiện nay lên gần 208 triệu năm 2015, từ năm 2010 đến 2011 ở 14 trong số 26 nền kinh tế phát triển, bao gồm Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.
Bất bình đẳng về kinh tế đồng thời cũng gia tăng. Các doanh nghiệp nhỏ bị tụt lại phía sau so với các công ty lớn về lợi nhuận và hiệu quả đầu tư. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp lớn đã trở lại khả năng tiếp cận các thị trường vốn thì các công ty nhỏ và mới thành lập lại bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tín dụng của ngân hàng. Đây là một vấn đề khó khăn đối với sự hồi phục việc làm hiện tại và ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế lâu dài. Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhận định: “Những con số này cho thấy diễn biến tích cực ở nhiều quốc gia đang phát triển nhưng lại là một bức tranh không mấy khả quan ở các nước thu nhập cao trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Đặc biệt, sự bất bình đẳng ở một số quốc gia châu Âu bắt đầu gây áp lực đến tình hình kinh tế xã hội của chính họ. Chúng ta cần một sự hồi phục toàn cầu đặt trọng tâm vào việc làm và đầu tư hiệu quả, kết hợp với những chế độ xã hội, bảo hiểm tốt hơn cho nhóm người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta cần chú trọng tới việc thu hẹp khoảng cách thu nhập đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới".
Tầng lớp trung lưu đang thu hẹp dần
Nhóm thu nhập trung bình ở nhiều nền kinh tế phát triển đang dần thu hẹp, do thất nghiệp kéo dài, chất lượng công việc suy giảm và nhiều người lao động bị đào thải khỏi thị trường lao động. Ngược lại, mức lương cho các giám đốc điều hành (CEO) ở nhiều quốc gia lại tăng cao trở lại sau giai đoạn bị đóng băng do ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Raymond Torres, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lao động Quốc tế (Cơ quan nghiên cứu của ILO), cho biết: “Nhóm thu nhập trung bình bị thu hẹp lại ở các nền kinh tế phát triển là một vấn đề đáng lo ngại, không chỉ cho nhóm đối tượng đó mà còn vì những lý do kinh tế. Những quyết định đầu tư lâu dài của doanh nghiệp phụ thuộc vào quy mô nhóm thu nhập trung bình có lớn và ổn định hay không bởi họ chính là những người tiêu thụ trong xã hội. Cần có thêm nhiều việc làm và việc làm tốt hơn để đạt được sự phân bổ thu nhập cân bằng hơn ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển”. Tại Tây Ban Nha, quy mô nhóm thu nhập trung bình giảm từ 50% năm 2007 xuống 46% cuối năm 2010. Ở Hoa Kỳ, 7% người giàu nhất trong dân số có tài sản ròng gia tăng trong hai năm đầu hậu khủng hoảng (56% năm 2009 lên 63% năm 2011). Trong khi đó, 93% người Mỹ còn lại có tài sản ròng suy giảm.
Nhóm cận nghèo dễ bị tổn thương
Quy mô nhóm thu nhập trung bình ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi tăng từ 263 triệu năm 1999 đến 694 triệu năm 2010. Đây là một thành tựu lớn của nhiều quốc gia Mỹ La tinh và châu Á, và gần đây là một số nước châu Phi và Ả Rập. Tuy nhiên, nhóm “cận nghèo” dễ bị tổn thương – những người chỉ vừa vượt chuẩn nghèo – tăng từ 1,1 tỷ năm 1999 đến 1,9 tỷ năm 2010, chủ yếu ở các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình thấp. Nhóm dễ bị tổn thương này có quy mô gần gấp ba lần nhóm thu nhập trung bình. Ở các nước đang phát triển, vấn đề lớn nhất là làm sao có thể củng cố, duy trì những tiến bộ đã đạt được trong giảm nghèo và bất bình đẳng. Đầu tư hiệu quả, lương tối thiểu và BHXH đã có tác động tích cực ở những quốc gia như Việt Nam, Brazil, Costa Rica, Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhỹ Kỳ.
Theo Chinhphu.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...