Kiệt quệ sống "tầm gửi" ở bệnh viện
04/06/2013 09:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bệnh tật, viện phí đã trở thành gánh nặng đối với biết bao gia đình. Để giành giật sự sống cho người thân, không ít người phải đánh đổi cả tài sản, công việc, thậm chí sa vào con đường tù tội.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết gom hoa sứ rụng trong BV Điều dưỡng -Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp Quận 8 - TPHCM bán lấy tiền nuôi cha bệnh
Quên mình vì cha mẹ bệnh
Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Truyền máu và Huyết học TPHCM vẫn thường kể về trường hợp của anh Đinh Khắc Thuật (27 tuổi, quê tỉnh Phú Yên, làm việc cho một công ty địa ốc tại TPHCM). Giữa năm 2012, mẹ anh Thuật được chuyển vào TPHCM cấp cứu do mắc bệnh suy tủy, ung thư máu. Anh Thuật đành bỏ việc, bắt đầu xem BV là nhà để tiện bề chăm sóc mẹ. Chạy chữa khắp nơi, chi phí gần 300 triệu đồng nhưng mẹ anh cũng không qua khỏi. Mẹ mất, gia đình rơi vào cảnh khốn khó, anh cũng thất nghiệp: "Giờ tìm việc ở TPHCM cũng không dễ dàng gì, đành trông chờ một chỗ làm ngoài quê".
Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp quận 8 - TPHCM trong cơn mưa chiều cuối tuần trở nên vắng vẻ, quạnh hiu. Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (60 tuổi, ngụ tỉnh An Giang, còn gọi là bà Sáu) lúi húi nhặt từng hoa sứ rụng trong khuôn viên bệnh viện. Bà vốn là giáo viên dạy tiếng Anh ở tỉnh An Giang. Năm 1997, bà buộc phải bỏ việc, lên TPHCM chăm cha bị suy thận mãn. Nhà có 8 anh chị em đều nghèo khó nên sau khi cha được chuyển về quê điều trị, bà vẫn bám trụ lại TPHCM, kiếm tiền gửi về quê. Hơn 6 năm nay, bà Sáu hầu như "định cư" trong bệnh viện, nhận chăm 1 bà cụ 94 tuổi bị đột quỵ. Mỗi ngày, cứ tầm 3 giờ, bà thức dậy chăm sóc, cho ăn, thay tã, ẵm bà cụ.
Thời gian rảnh, bà đi nhặt hoa sứ, mỗi kg bán được 20.000 đồng. Dồn cả tuần mới đủ số lượng, bà kêu xe ôm mang đến khu vực Chợ Lớn (quận 5) bán. Thế mà có hôm bà còn bị một kẻ bất lương lừa lấy cả bao hoa sứ khô đã tích cóp nhiều ngày. Cha bà Sáu nay đã 84 tuổi, suy thận mãn giai đoạn cuối nhưng nhiều năm rồi, bà chưa về thăm bởi chi phí về quê chừng 400.000 đồng, đủ cho cha chạy thận được 1 cữ. "Tủi lắm chứ, cha bệnh mà mình không ở bên cạnh chăm sóc. Thôi thì ráng hy sinh bản thân để kiếm chút tiền kéo dài sự sống cho cha" - bà Sáu nói.
Tán gia bại sản
Nhìn chị Thạch Thị Sa Mon (33 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh) ngồi co ro trên giường bệnh, ai cũng chạnh lòng. Nhà nghèo, vợ chồng chị Sa Mon đi làm mướn, ai kêu gì cũng làm để nuôi 3 đứa con. Sau nhiều ngày rong ruổi trên các cánh đồng, chị mót được 20 kg lúa mang ra nhà máy xay. Trong lúc xay, một ít rớt ra ngoài. Tiếc lúa, chị cúi xuống hốt, do đứng trước quạt nên tóc chị bị cuốn vào máy xay. Mặc dù người làm ở nhà máy kịp rút điện nhưng chị vẫn bị lột hết lớp da đầu, thương tích nặng... Đứa con trong bụng chị cũng mất. Sau 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số tiền vợ chồng chị mang theo cạn dần, người chồng phải ra ngoài kiếm việc. Anh đi từ sáng đến tối, làm đủ thứ việc người ta thuê. Có hôm anh về BV với nhiều vết bầm tím trên người: "Tôi hỏi hoài nhưng ảnh không nói, sau mới biết có xích mích với mấy người bên ngoài do họ không cho ảnh làm chung". Nợ nần lên đến 30 triệu đồng, vợ chồng chị Sa Mon quyết định khăn gói về quê kiếm tiền trả nợ. Chồng chị ngậm ngùi nói: "Có làm quanh năm suốt tháng vợ chồng tôi cũng không kiếm đủ số tiền ấy nên phải về thôi. Nằm ở đây hoài không làm ra tiền mà phải chi phí nhiều thứ quá!".
Còn chị Nguyễn Thị Mai (47 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) điều trị ung thư vú tại Bệnh viện K (Hà Nội) từ tháng 8-2012, phải đoạn nhũ một bên. Cho dù cơ quan BHXH đã chi trả 80% viện phí nhưng tính tổng cộng gần 1 năm điều trị, gia đình chị đã tốn hơn 200 triệu đồng. "Kiệt quệ hết cả rồi! Trước còn vay tiền anh em, họ hàng. Giờ thì chẳng vay được nữa. Căn nhà cũng đem cầm cố ngân hàng nhưng không biết có khỏe được để kiếm tiền trả không. Nếu không thì cả nhà phải ra đường" - chị Mai rơm rớm nước mắt. Quê chị Mai ở vùng núi, vợ chồng đều làm ruộng, chỉ đủ tiền nuôi 2 con ăn học. Nay mẹ bị bệnh, 2 con đang học THPT thấy gia cảnh nghèo khó, đang muốn bỏ học để kiếm tiền cho mẹ chữa bệnh.
Gần 2 tháng chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi di căn lên não, mọi tài sản trong nhà bà Lê Thị Xoan (68 tuổi, quê Hưng Yên) lần lượt đội nón ra đi. Mới đây, chồng mất, bà cũng chẳng thể về chịu tang. "Đến giờ, nhà chị ấy chẳng còn gì, các con cũng vay mượn khắp nơi với hy vọng còn nước còn tát nhưng chắc chẳng cầm cự được mấy tháng nữa đâu" - em gái bà Xoan than thở.
Đi quét rác kiếm tiền chăm con ốm
Đa số người chăm bệnh phải sống vạ vật lâu ngày trong BV thường không có nghề nghiệp ổn định. Để có tiền điều trị bệnh cho con, họ phải tìm đủ mọi cách kiếm sống. Chị Nguyễn Trà Tua (quê tỉnh Tiền Giang) đưa con là Phan Thị Mỹ Tiên (14 tuổi) bị suy thận mãn vào điều trị ở BV Nhi Đồng 2 (TPHCM) gần 3 năm nay. Công ty dọn dẹp vệ sinh tại BV thấy hoàn cảnh 2 mẹ con tội nghiệp đã nhận chị vào làm, trả lương 2 triệu đồng/tháng. Ban ngày, chị Tua đi lau phòng, quét rác từ 5 giờ 30 phút đến 14 giờ rồi quay về chăm con. Tối đến, chị tìm một góc trống ngoài hành lang, trải chiếu nằm. Không phải ai cũng may mắn kiếm được việc ổn định như chị. Nhiều bà mẹ cứ lang thang khắp BV, bằng lòng làm tất cả mọi việc từ giặt đồ, mua cơm... cho các bệnh nhân khác, chỉ để kiếm dăm ba ngàn. Bé Tiên đang rất yếu, có lẽ chỉ vài ngày nữa sẽ bị trả về nhà. "Nếu vất vả mà con tôi đỡ bệnh cũng thấy vui. Chỉ sợ BV "chê" trả cháu về thôi. Ở quê tôi chỉ làm ruộng, tiền đâu lo cho cháu" - chị Tua buồn bã.
Theo VTC News
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...