Thực hiện BHYT toàn dân trên địa bàn Thủ đô: Cần có những bước đi vững chắc
15/03/2013 08:40 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội chiều ngày 06/3/2013, trước khi kết thúc đợt giám sát trực tiếp của Đoàn Giám sát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giai đoạn 2009 – 2012 của Quốc hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, các đồng chí thành viên Đoàn giám sát; đồng chí Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận buổi làm việc (Ảnh: Quang Tân)
Trong chương trình, Đoàn đã tập trung giám sát tại một số địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT thấp, không đồng đều ở các nhóm đối tượng, một số cơ sở khám, chữa bệnh có lượng thẻ đăng ký khám, chữa bệnh lớn; làm việc với Sở Giáo dục-Đào tạo, cơ quan quản lý đối tượng học sinh, sinh viên – nhóm đối tượng tham gia BHYT chủ yếu trên địa bàn và cơ quan BHXH thành phố Hà Nội – đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội báo cáo những kết quả Thành phố Hà Nội đã được trong việc thực hiện chính sách BHYT giai đoạn 2009-2012. Ảnh: Quang Tân)
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội báo cáo Đoàn giám sát những kết quả Thành phố Hà Nội đã được trong việc thực hiện chính sách BHYT. Cụ thể, năm 2012 tỷ lệ bao phủ BHYT tại thành phố Hà Nội đạt 68,9% (4,7 triệu người), tăng 44,34% so với năm 2009; tỷ lệ học sinh sinh viên tham gia BHYT đạt 81,3%. Toàn thành phố có 2.293 đại lý thu BHYT. Công tác giám định, kiểm tra chi phí khám, chữa bệnh BHYT được đảm bảo thực hiện với 155 giám định viên, trong đó có 55 bác sỹ, dược sỹ, chiếm 35,4%.
Báo cáo cũng nêu rõ một số hạn chế trong công tác thực hiện chính sách BHYT tại thành phố Hà Nội. Tỷ lệ tham gia BHYT ở các nhóm đối tượng không đồng đều, một số nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia thấp: nhóm đối tượng thuộc gia đình hộ cận nghèo (4,7%); đối tượng tự nguyện còn thấp (16,95%); người lao động thuộc khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (54,6%); 10/29 quận huyện có tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 50%...
Sau khi lắng nghe báo cáo tình hình thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội, các thành viên trong Đoàn giám sát đặt nhiều câu hỏi liên quan đến một số nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và cung ứng các dịch vụ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh; vấn đề tăng chi phí khám, chữa bệnh; hướng khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện…
Về giải pháp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, đồng chí Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đối với nhóm đối tượng cận nghèo, hiện nay Chính phủ đã hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ, hiện nay trên toàn quốc đã có 08 địa phương hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách địa phương 30%, HĐND và UBND thành phố Hà Nội có thể xem xét kinh nghiệm này, cân đối nguồn ngân sách để người cận nghèo trên địa bàn thủ đô được hỗ trợ 100% mức phí BHYT; đối với nhóm đối tượng trẻ em dưới 06 tuổi, đồng nhất với kiến nghị cần có quy định thời gian tới đa trẻ được sử dụng giấy chứng sinh, giấy khai sinh đi khám, chữa bệnh để tăng trách nhiệm của gia đình và chính quyền cấp cơ sở trong việc đề nghị cấp thẻ cho các cháu.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Quang Tân)
Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chỉ rõ: những khó khăn hạn chế trong công tác thực hiện chính sách BHYT tại Hà Nội có nguyên nhân khách quan xuất phát từ cơ chế chính sách, ví dụ như tỷ lệ người tham gia BHYT tự nguyện thấp là do Luật BHYT không có quy định điều kiện tham gia dẫn tới tình trạng người dân chỉ tham gia BHYT khi có bệnh; người lao động trong các doanh nghiệp không được tham gia đầy đủ do chủ doanh nghiệp “lách” luật, chỉ ký hợp đồng vụ việc, hợp đồng lao động dưới 03 tháng… Việc sửa đổi Luật BHYT trong thời gian tới sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc của Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố trong toàn quốc nói chung. Đồng chí Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng kiến nghị lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, giao chỉ tiêu phát triển BHYT cho các quận, huyện, thực hiện nghiêm công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt là khối doanh nghiệp… qua đó tạo bước chuyển biến trong việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân triên địa bàn thủ đô.
Trước những băn khoăn của các thành viên trong đoàn giám sát và đại diện các bộ, ngành, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, thời gian qua, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cùng các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc đẩy mạnh thực hiện chính sách BHYT. Tuy nhiên, với những đặc thù riêng, địa bàn rộng, dân số đông, tỷ lệ dân nhập cư lớn, Hà Nội cũng còn có những hạn chế trong tổ chức thực hiện chính sách… Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, đồng chí Nguyễn Thế Thảo nêu rõ: trong thời gian tới lãnh đạo UBND thành phố sẽ chỉ đạo quyết liệt các cấp chính quyền, các đoàn thể quan tâm và tham gia thực hiện để chính sách BHYT được thực hiện hiệu quả hơn trên địa bàn thủ đô.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát cho rằng chính sách BHYT đã được thực hiện với sự nỗ lực cố gắng của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua thực tế công tác của Đoàn giám sát tại Hà Nội chỉ trong 03 ngày, các thành viên trong Đoàn giám sát cũng đã thấy rõ những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện chính sách BHYT. Những ghi nhận này cũng với những kết quả, những kiến nghị trong báo cáo của UBND thành phố Hà Nội sẽ là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát báo cáo Quốc hội, sớm thực hiện việc sửa đổi Luật BHYT phù hợp với tình hình thực tiễn.
Kết luận buổi làm việc, Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả trong công tác thực hiện chính sách BHYT tại Hà Nội. Với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với các chính sách vì con người, Hà Nội đã đạt được những bước đi vững chắc và bài bản trên lộ trình BHYT toàn dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Phát huy những kết quả ấy, thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật BHYT, xứng đáng là trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội của cả nước, trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể… trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT, động viên người dân mua thẻ BHYT cho bản thân và người thân của họ, đặc biệt quan tâm tới nhóm đối tượng cận nghèo, người nông dân. Quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng y tế; phát triển nguồn nhân lực làm công tác y tế và BHYT gắn tiêu chí trình độ chuyên môn với yêu cầu về y đức. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các bộ, ngành cần bám sát những tồn tại, vướng mắc của địa phương để kịp thời giải quyết, tháo gỡ, giúp địa phương tổ chức thực hiện tốt Luật BHYT, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần đảm bảo An sinh xã hội trên địa bàn./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...