Bác sĩ cũng chê thuốc nội?

30/12/2013 02:18 AM


Đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình truyền thông "Con đường thuốc Việt” khuyến khích sử dụng thuốc nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý Cục Quản lý Dược và doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước cần có các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách, thương mại và kỹ thuật; nâng cao chất lượng sản phẩm chứng minh hiệu quả điều trị tương đương với thuốc biệt dược gốc...


Rõ ràng đây là giải pháp căn cơ, song nhìn vào tỷ lệ thuốc nội được kê đơn, sử dụng ở các BV tuyến T.Ư chỉ chiếm 11,9%, cho thấy thuốc nội lép vế trên sân nhà không chỉ do các doanh nghiệp nội chưa chú trọng đầu tư các loại thuốc mới, hay người dân chưa tin thuốc nội, mà chính các thầy thuốc cũng chẳng mặn mà với thuốc nội.

Thống kê của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng 50% nhu cầu, song càng ở BV tuyến trên, tỷ lệ sử dụng thuốc nội điều trị càng thấp. Cụ thể, số thuốc nội trúng thầu và được kê đơn, sử dụng ở các BV tuyến huyện chiếm tới 62%, song lên đến BV tuyến tỉnh giảm gần một nửa chỉ còn 34%, và đến BV tuyến T.Ư tỷ lệ này chỉ còn 11,9%. Một số BV chuyên khoa còn có mức tiêu thụ thuốc nội thấp hơn, như tại BV Nhi T.Ư, theo Giám đốc BV PGS.TS Lê Thanh Hải, tỷ lệ thuốc nội trúng thầu và được kê đơn, sử dụng mới chiếm khoảng 1/10.

Trong khi các cơ quan chức năng quảng bá, tuyên truyền cho người dân hãy sử dụng thuốc nội thì lực lượng "ngành dọc” lại ngao ngán thuốc nội như thế. Vậy đối tượng cần truyền thông về thuốc nội trước hết phải là đội ngũ bác sĩ (BS) tại các tuyến. Đặc biệt, trách nhiệm của khoa dược các BV cùng với việc thẩm định được chất lượng các loại thuốc, phải thường xuyên cung cấp thông tin cho BS về tác dụng của từng dược phẩm cả mới và cũ, nhất là theo dõi lâm sàng và giám sát việc kê đơn của BS.

Hiện cách mà BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí giám sát kê đơn của thầy thuốc giúp việc dùng thuốc nội tăng lên rất đáng để nhiều BV tham khảo. Giám đốc BV này, TS. Trần Viết Tiệp cho biết: Thuốc nội được BV sử dụng chiếm 40 - 50% chủ yếu là nhóm kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, chống viêm... , nhưng chi phí chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí thuốc của BV. Việc kê đơn điện tử và thường xuyên giám sát kê đơn là một trong những biện pháp giúp việc dùng thuốc nội tại BV này tăng lên.

Đánh giá và tư vấn về tác dụng của thuốc nội cho BV, cho BS quả là đòi hỏi cấp thiết. Hiện nhiều BS khi kê đơn thường sử dụng thuốc ngoại đắt tiền không chỉ vì lý do hoa hồng mà còn do không chắc chắn thuốc nội có chữa được bệnh không. BS chỉ có thông tin về thuốc, nhưng không ai giải thích cho họ thuốc nội có còn tác dụng đến đâu, thuốc ngoại có thực sự hiệu quả hơn thuốc nội không. Thậm chí các BS thường tham gia các phòng mạch tư ngoài giờ để kiếm thêm, nên nếu kê thuốc rẻ tiền mà bệnh không khỏi, người ta sẽ cho rằng tay nghề của họ kém, nên thói quen kê thuốc ngoại đã ngấm vào… máu BS (?).

Hiện bình quân mỗi năm một người Việt Nam chi cho việc mua thuốc là 600.000 đồng, nhưng hơn một nửa trong số đó chi cho thuốc ngoại. Phải hiểu cặn kẽ mọi lý do khiến thuốc nội "bại” ngay trong các BV, mới bắt trúng bệnh vì sao thuốc nội lép vế trên sân nhà, sao con đường thuốc Việt còn lắm cam go. Thay vì chỉ truyền thông hoặc "chĩa mũi dùi” phê phán doanh nghiệp và người dân, hãy nhận diện và giám sát cách thầy thuốc kê đơn mà kịp thời tư vấn để họ trọng thuốc nội hơn. Bắt trúng bệnh mới "cấp cứu cho thuốc nội” đạt hiệu quả.

Theo Báo Đại đoàn kết