Lao động giúp việc gia đình: Phụ nữ và trẻ em cần được bảo vệ

08/02/2014 04:15 AM


Hiện nay, người lao động giúp việc gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đang phải đối mặt với sự nguy hiểm từ những hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, đánh đập mà việc bảo vệ họ chưa được pháp luật quy định cụ thể.


Câu chuyện từ những con số

Mặc dù tại Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức về trẻ em làm công việc giúp việc gia đình (GVGĐ), song Cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở đầu năm 2013 cho thấy 7,1% lao động GVGĐ ở Việt Nam dưới 18 tuổi.

Còn theo một nghiên cứu về GVGĐ do Bộ LĐTBXH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tiến hành năm 2011 tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM thì 17,3% lao động GVGĐ được điều tra bắt đầu làm công việc này khi họ dưới 18 tuổi.

Về vấn đề này, năm 2010, nhiều người đã rơi nước mắt và phẫn nộ khi chứng kiến hình ảnh bé Nguyễn Hào Anh, 14 tuổi, ốm yếu, hoảng loạn, đau đớn với vô số vết thương do vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức hành hạ.

“Thực tế cho thấy số lượng trẻ em làm GVGĐ có xu hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân liên quan đến nhận thức chưa đầy đủ của gia đình và xã hội, tình trạng nghèo đói, trẻ em nghèo không thể tiếp tục học tập hoặc học nghề. Điều này khiến các em rất khó có cơ hội tiếp cận công việc", Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp trong buổi lễ mitting nhân Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em (12/6/2013) cho biết.

Cùng với đó, do đặc trưng của công việc GVGĐ có đến 90% là nữ giới, xuất thân từ nông thôn, lối sống có nhiều khác biệt với gia chủ ở thành phố. Bên cạnh đó, GVGĐ  vốn là loại hình lao động diễn ra trong phạm vi nhỏ (nhà riêng), vì thế nguy cơ bị bạo lực, ngược đãi, quấy rối tình dục với người lao động cũng dễ xảy ra.

Gần đây nhất, năm 2012, dư luận không khỏi bàng hoàng trước những hành vi dã man của Trần Thị Tuyết Minh (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) với người giúp việc của mình, bà Phạm Thị Phương. Với thương tích đầy mình, bà Phương bị đuổi ra khỏi nhà, bị quỵt 4 tháng tiền lương với lời đe dọa nếu bà nói ra cả nhà bà sẽ chịu hậu quả.

Ngoài những vụ việc mang tính chất  đặc biệt nghiêm trọng, bị đưa ra pháp luật xét xử và dư luận lên án thì theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD), có đến 20,2% người giúp việc (NGV) bị mắng chửi; 16% NGV gặp nguy cơ bị lạm dụng tình dục; 2,4% NGV bị đánh đập; 4% NGV bị cấm tiếp xúc… Đây là tỉ lệ ngược đãi rất cao đối với một công việc ngày càng phổ biến trong xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Cần quy định riêng cho lao động là phụ nữ và trẻ em

Điều 183, Bộ luật Lao động 2012 đã quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động là “ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người GVGĐ”. Tuy nhiên, bà Ngô Ngọc Anh, Giám đốc GFCD, cho rằng cần phải định nghĩa rõ ràng, cụ thể về những hành vi này trong Nghị định hướng dẫn về việc thi hành một số điều trong Bộ luật Lao động về lao động GVGĐ sẽ được Bộ LĐTBXH xây dựng trong thời gian tới.

Hiện nay, lao động GVGĐ chưa được coi là một nghề chính thức, vì thế để hạn chế tình trạng ngược đãi cần phải tiến hành đăng ký cho tất cả lao động GVGĐ, chỉ định cơ quan công an cấp xã, phường nhận và trả lời các khiếu nại của lao động GVGĐ.

Mặt khác, “cần phải tác động vào chính ý thức của người lao động về các biện pháp tự bảo vệ bản thân khỏi quấy rối tình dục và lạm dụng bằng cách được đưa vào chương trình tập huấn”, bà Ngọc Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo khuyến nghị của GFCD, Bộ luật Lao động 2012 còn thiếu các quy định liên quan đến sử dụng lao động GVGĐ trong thời gian mang thai như nghỉ thai sản hay đảm bảo việc làm cho nữ GVGĐ sau khi nghỉ thai sản.

Vấn đề lao động GVGĐ là trẻ em cũng cần được xem xét bởi vấn đề này liên quan chặt chẽ tới quyền trẻ em, được Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và luật pháp quốc gia bảo vệ. Mặc dù công việc này mang tính chất đơn giản, không đòi hỏi tố chất đặc thù hoặc tiêu chuẩn nghề nghiệp chuyên môn nhưng do môi trường làm việc khép kín, thời gian làm việc khó xác định nên trong tương lai cũng cần phải có quy định cụ thể.

Theo Công ước 189 của ILO, độ tuổi tối thiểu của người lao động từ 18 tuổi và các công việc nhẹ có thể sử dụng lao động 15-17 tuổi. Lao động trẻ em cần phải bảo vệ khỏi các công việc nặng nhọc được Công ước định nghĩa ,đó là “các công việc mà bản chất hoặc điều kiện lao động có khả năng gây hại đến sức khỏe, sự an toàn hay đạo đức của trẻ em”.

Trong buổi lễ mitting ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em (12/6/2013), Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, cho rằng: “Đã đến lúc cần xác định những yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong trong công việc làm thuê giúp việc gia đình và cấm trẻ em dưới 18 tuổi làm những công việc đó”. Đặc biệt, cần phải có biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia GVGĐ và giảm thiểu tình trạng trẻ em GVGĐ bị ngược đãi, lạm dụng, tránh tình trạng đến khi các cấp, ban ngành được biết thì các vụ lạm dụng, ngược đãi đều ở mức độ nghiêm trọng.

Theo Chinhphu.vn