Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi)

10/02/2014 07:18 AM


Ngày 13-1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khai mạc phiên họp thứ 24, dưới dự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.


Tại phiên họp, Chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý báo cáo của Ủy ban TVQH về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Theo báo cáo, tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII đã có 124 ý kiến của đại biểu QH góp ý toàn diện đối với dự án luật này. Ðây là dự án luật được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm theo dõi, liên quan nhiều vấn đề chăm sóc sức khỏe, những cơ chế, chính sách, quy định về khám bệnh, chữa bệnh đối với người dân.

Báo cáo của Bộ Y tế và Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH cho rằng, cần quy định bắt buộc tham gia BHYT đối với tất cả các đối tượng với sự hỗ trợ ngân sách trực tiếp của Nhà nước áp dụng với một bộ phận người dân. Các thành viên Ủy ban TVQH đã tham gia đóng góp ý kiến chung quanh một số nội dung của dự án Luật. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, cần quy định rõ trong luật là thực hiện BHYT bắt buộc để tiến tới toàn dân tham gia BHYT, đây là một chính sách có ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa nhân đạo. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đề nghị dự thảo Luật cần tạo bước đột phá trong công tác BHYT, bảo đảm thu đúng, thu đủ, tạo điều kiện cho ngành y tế giải quyết khó khăn, góp phần giảm nhẹ gánh nặng ngân sách. Một số đại biểu đề nghị nên mạnh dạn thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, trong đó có sự hỗ trợ đối với người có công, quân nhân, hộ nghèo, cận nghèo. Ðối với những trường hợp khó khăn thì có thể áp dụng hình thức miễn, giảm. Tán thành quan điểm thực hiện BHYT, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, ai cũng có trách nhiệm phải đóng BHYT, và Nhà nước sẽ hỗ trợ miễn, giảm đối với các đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Luật cần được chi tiết hóa hơn nữa, không để quá nhiều điều khoản cần được hướng dẫn thi hành bằng các văn bản dưới luật.

Nhiều ý kiến của Ủy viên Ủy ban TVQH tán thành tinh thần kiên quyết không để lại kết dư BHYT cho các địa phương, cần tập trung nguồn BHYT ở T.Ư để chủ động phân phối, hỗ trợ cho các địa phương có khó khăn. Hơn nữa, cần phải có chính sách rõ ràng để đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số các vùng sâu, vùng xa bằng ngân sách nhà nước để nhân dân được hưởng và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất. Dự án Luật có 26 điều sửa đổi, bổ sung, 19 nội dung quy định Chính phủ, Bộ Y tế, BHYT phải thực hiện. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý đề nghị, cần rà soát lại dự án Luật, theo đó không để quá nhiều quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.

Tiếp đó, các đại biểu đã cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) vừa được QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp vừa qua. Về áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình, Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH cho rằng, việc tiếp tục áp dụng tập quán tốt đẹp về hôn nhân và gia đình trong dự thảo Luật là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của một bộ phận người dân, góp phần bảo tồn và phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Tuy nhiên, để tăng tính khả thi của quy định này, dự thảo Luật phải quy định rõ các điều kiện được áp dụng, đó là tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, không trái với các nguyên tắc luật định, không vi phạm các điều cấm của Luật. Một số ý kiến của đại biểu không đồng tình với việc đề xuất bổ sung chế định ly thân, thỏa thuận ly thân được công chứng như trong dự thảo Luật với lý do nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của các bên, đặc biệt là trẻ em. Một số ý kiến đề nghị trên cơ sở thực tế, độ tuổi kết hôn ngày càng cao, dự thảo Luật không nên quy định giảm độ tuổi kết hôn...

Dưới sự điều hành của các Phó Chủ tịch QH, Ủy ban TVQH cũng đã cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Phiên họp thứ 24 của Ủy ban TVQH dự kiến diễn ra trong ba ngày. Các đại biểu sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau đối với một số dự án Luật, pháp lệnh; cho ý kiến về phương án phân bổ cụ thể vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016 và thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2014 của các cơ quan của QH.

Nguồn TC BHXH