Những người nợ với… chính mình Bài 1: Đâu cũng thấy nợ

25/02/2014 08:35 AM


Theo định nghĩa về BHXH, BHXH là sự đảm bảo thay thế hay bù đắp một phần thu nhập đối với NLĐ khi họ gặp phải những biến cố làm giảm hoặc mất khả năng lao động, mất việc làm trên cơ sở hình thành và sử dụng một quỹ tiền tệ tập trung nhằm đảm bảo đời sống cho NLĐ và gia đình họ nhằm bảo đảm an toàn xã hội. Khái quát như vậy mới thấy vai trò của BHXH cũng như những tính nhân văn và văn minh của nó với xã hội loài người. Thế nhưng với con số nợ BHXH trên toàn quốc đã lên con số 7.193 tỷ (tính đến tháng 11 năm 2013) được đưa ra cho thấy một báo động đã đến lúc phải cứu vãn. BHXH có lợi cho mỗi con người đến tuổi lao động, nợ BHXH cũng được ví như con người ta đang nợ với quyền lợi của chính mình.


Lao động nặng nhọc, sinh hoạt khó khăn nên NLĐ càng rất cần có bảo hiểm cho mình

Nợ BHXH, nợ và nợ là những câu dường như đã trở thành một "mặc định” hết sức hiển nhiên của những người làm công tác bảo hiểm nếu như có người hỏi đến. Nợ BHXH được đánh giá là chưa bao giờ căng thẳng và có biểu hiện trơ lì như những năm gần đây. Theo thống kê, 63 tỉnh thành toàn quốc đều có nợ BHXH và thứ nợ này đã xâm nhập vào các "hang cùng, ngõ hẻm” ở bất cứ nơi đâu khi có sự lao động của con người!

Lớn nợ lớn

Đâu cũng thấy kêu nợ, đâu cũng thấy khó khăn nên việc đóng và truy thu bảo hiểm đó là thực trạng của BHXH nước ta trong thời gian gần đây. Theo một số người, có lẽ tình trạng nợ BHXH chỉ chừa các cơ quan hành chính - sự nghiệp, những cơ quan đang được nguồn ngân sách Nhà nước hiện nay mà thôi. Còn đâu cũng thế, thậm chí họ còn tìm cách "né” và trốn để thực hiện cái nghĩa vụ hết sức thiêng liêng, tự nguyện và được coi là văn minh này.

Anh bạn tôi, trước làm nhà giáo, sau do anh có khả năng nên đã được một cơ quan ngoài Trung ương "gọi” ra. Cơ quan anh tuy là đơn vị hành chính - sự nghiệp có thu nhưng oách lắm! Ngoài ngồi "chiếu trên” thì đây còn là một cơ quan có quyền kiểm tra, giám sát và truy thu tiền chi sai, tiêu sai cho Nhà nước. Nhưng, không ai nghĩ cơ quan anh hiện nay cũng đang là một đơn vị "nợ đầm, nợ đìa” bảo hiểm.

Tính anh vui và tốt bụng. Chính vì đức tính này mà ai cũng quý anh. Thế mà tự dưng hôm nọ anh gọi điện cho tôi, giọng hết sức bức xúc và hỏi xem có quen ai bên ngành bảo hiểm không. Tôi sang "hầu chuyện”, thấy anh bảo về nghỉ được 2 tháng rồi. Nhưng 2 tháng nay không được lĩnh lương vì chưa đóng đủ và đóng xong bảo hiểm nên chưa được làm sổ hưu. Ngày còn đi làm, anh chả bao giờ nghĩ cơ quan mình lại tệ thế. Chỉ đến lúc nghỉ, sổ hưu không được hoàn thiện, anh hỏi, mới ớ ra là cơ quan mình hiện đang nợ tới hơn 1 tỷ tiền đóng BHXH cho cán bộ, công nhân viên.

Cơ quan ngót trăm con người, một cơ quan chính và 2 cơ quan phụ thuộc nằm ở miền Trung và miền Nam mà nợ lên đến hơn 1 tỷ nghĩa là làm sao? Anh hỏi, thấy bên bảo hiểm bảo mấy năm nay cơ quan không đóng bảo hiểm cho NLĐ rồi. Hỏi vị lãnh đạo đứng đầu cơ quan còn ngồi lại, ông bảo khó khăn, đơn vị hành chính có thu cũng không nằm ngoài hệ lụy này. Có được đồng nào là dốc hết vào lương bổng cho anh em nên cái khoản bảo hiểm kia phải… gác lại.

Để có sổ lương, anh rắp tâm đem tiền cá nhân đi nộp. Nhưng cũng không được vì bên bảo hiểm bảo thu thì phải thu hết cơ quan chứ không thể thực hiện thu một mình anh, tuy họ cũng hết sức thông cảm với hoàn cảnh của anh. Anh bảo lúc này nợ BHXH mới vỡ ra. Khổ nhất nhiều anh em giờ muốn chuyển đi cũng không được vì hồ sơ không hoàn tất vì cái khoản này. Ông người quen bảo: Thôi, đã vậy mình chịu cũng được. Giờ khổ nhất là gần trăm con người, trong đó nhiều NLĐ còn đang tuổi xuân phơi phới cũng sẽ không biết đi đâu về đâu vì cái khoản nợ trớ trêu này!


Không nộp BHXH sẽ gây ra những tác động xấu cho NLĐ

Bé nợ bé

Theo thống kê, hiện nay tại 63 tỉnh, thành phố đều có nợ đọng BHXH, nhất là các khối doanh nghiệp (DN). Trong các tỉnh thành này, 10 địa phương có tỷ lệ nợ cao nhất đã được "bêu danh” là Lâm Đồng, Nghệ An, Sóc Trăng, Hà Giang, Cà Mau, Phú Thọ, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bình Thuận. Sở dĩ có hiện tượng nợ đọng BHXH ở mức báo động như hiện nay bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế, nền kinh tế chưa phục hồi nên dẫn đến nhiều doanh nghiệp giảm sản xuất kinh doanh, lao động chủ yếu làm việc cầm chừng, trong khi hàng tồn kho lớn, không tiêu thụ được nên tiền đầu tư bị tồn đọng. Và cũng có nguyên nhân là do nhiều cơ quan, DN cố tình chây ì, không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ.

Hôm trước đứa em họ tôi, làm cho một cơ sở sản xuất ở Hưng Yên lên kêu khổ. Bảo có chỗ nào thì xin cho nó vào làm vì hàng hóa ế ẩm nên lương không đủ sống. Năm 2004 khi Khu công nghiệp Phố Nối B đi vào hoạt động, nó đã đầu quân cho một cơ sở may và gia công tại đây. Vào làm, cơ sở hứa sẽ trả lương và đóng các loại bảo hiểm đầy đủ. Tính đến giờ nó đã làm ngót nghét hơn chục năm rồi. Tiếc thời gian đã đóng góp và lao động của nó, hơn nữa để có cái sổ lương "thủ thế” sau này tôi bảo nó "nhổ” hồ sơ lên để xin vào chỗ khác. Nó về nơi làm, hai ngày sau sụt sùi ngược lên. Nhìn cái sổ BHXH để căn cứ hưởng lương sau này khi hết tuổi lao động hay rủi ro về sức khỏe của nó mà tôi nẫu cả ruột. Cuốn sổ nhỏ nhoi ấy chỉ được BHXH trên địa bàn nó làm đóng đâu 3 con dấu. Nghĩa là 10 năm đi làm của nó thì cái cơ sở kia chỉ đóng được cho nó có 3 năm bảo hiểm.

Thấy cái cơ sở ấy có vẻ lạ đời, tôi nhờ một người quen dưới Hưng Yên "tét” thử. Người bạn bảo, thôi cậu "tét” làm gì, đấy là tình trạng chung mà. Đứa vợ bạn tớ làm bảo hiểm, nó bảo bên ngành này giờ sợ nhất bị phân vào phòng thu nợ đọng. Bảo hiểm của các DN trên địa bàn còn khó thực hiện thì nói gì đến cơ sở sản xuất. Đến đốc nợ, đâu cũng viện lý do, không lấy lý do người phụ trách đi vắng thì lại quay ra bảo chưa có tiền. Nhiều DN bây giờ muốn truy nợ bảo hiểm chỉ còn nước đưa ra tòa. Mà ra tòa cũng chưa chắc sẽ lấy được khoản nợ này đối với họ.

Nguồn: daidoanket.vn