Lao động di cư chưa được bảo vệ
19/07/2013 01:58 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) kêu gọi các nước Đông Nam Á xây dựng sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức CĐ để bảo vệ LĐ di cư quốc tế. Bởi, họ là những người dễ bị tổn thương do bị đối xử bất công, lạm dụng và bóc lột.
Công nhân sẽ được nâng cao tay nghề khi làm việc ở nước ngoài (ảnh mang tính minh hoạ). Ảnh: Hà Anh
500.000 lao động “di cư” hợp pháp
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, di cư LĐ quốc tế là một “hiện tượng không thể tránh khỏi”. ILO ước tính trong số 105 triệu LĐ di cư quốc tế trên thế giới, có khoảng 30 triệu LĐ xuất thân từ Châu Á - Thái Bình Dương. Khoảng 14 triệu LĐ di cư từ các nước ASEAN và 6 triệu LĐ làm việc ngay tại khu vực này, chủ yếu ở Malaysia, Thái Lan, Singapore và Brunei. Số người di cư qua biên giới tìm việc làm dự kiến sẽ tăng trong những thập kỷ tới, do các thay đổi về cơ cấu dân số và chênh lệch lớn về thu nhập bình quân đầu người và lương.
Theo Bộ LĐTBXH, ở VN, khoảng 80.000 LĐVN được ra nước ngoài mỗi năm. Khoảng 500.000 LĐ hiện đang làm việc hợp pháp ở hơn 40 quốc gia. Dự kiến năm 2013 họ sẽ gửi về lượng kiều hối khoảng 1,8-2 tỉ USD. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Nguyễn Hoà Bình cho biết: VN có một lực lượng LĐ dồi dào, trẻ, cần cù nhưng chưa đủ điều kiện để có thể tạo đầy đủ việc làm, việc làm bền vững cho họ.
Ông Nguyễn Hòa Bình còn nhấn mạnh, với thực trạng trên, VN coi đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài là một trong những chiến lược quốc gia. VN đã thực hiện khá thành công việc này trong những năm qua và sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện chiến lược này. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực của VN nói chung và tổ chức CĐ nói riêng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ di cư.
Trên đây cũng là thực trạng chung của các nước ASEAN. Theo giới thiệu của đại diện Liên hiệp CĐ Nepal, các nhà sử học khẳng định việc kinh doanh liên quan đến LĐ di cư tới Trung Quốc đã được ghi nhận từ năm 500 trước công nguyên. Di cư LĐ được hợp thức hoá năm 1814 sau khi Nepal và Chính phủ Anh ở Đông Ấn ký hiệp định sau chiến tranh, Hiệp định Sugauli. Tại Campuchia, cho đến nay đã gửi LĐ đến nhiều nước Châu Á như Thái Lan với 600.000 người; Malaysia với 56.000 người; Hàn Quốc khoảng 7.000 người...
Ông Kim Chansamnang đến từ Liên minh Liên hiệp CĐ quốc gia Campuchia cho biết, một số NLĐ được sống trong môi trường rất tốt trong khi một số khác phải sống trong cảnh khổ cực. Cũng theo ông Kim Chansamnang, có khoảng 125.000 LĐ Campuchia đang làm việc hợp pháp tại Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và Nhật Bản. Những người này đã gửi về nhà số tiền khoảng 200 triệu USD. Cho đến nay Campuchia không có một mạng lưới hoặc một trung tâm để giúp đỡ NLĐ di cư, đặc biệt là khi họ gặp khó khăn thì không có một mạng lưới xã hội nào bảo vệ họ giống như những gì LĐ địa phương được hưởng.
Cần đảm bảo quyền lợi của LĐ di cư
Với tư cách là Giám đốc Quốc gia ILO VN, ông Gyorgy Sziraczki nhận định rằng LĐ di cư đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của đất nước tiếp nhận và lượng kiều hối họ gửi về nhà góp phần phát triển kinh tế của quốc gia quê hương họ, nhưng họ thường nhận được rất ít sự bảo vệ và quyền lợi. Chính vì thế rất cần sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức CĐ.
Chuyên viên cao cấp ILO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về các hoạt động của NLĐ - ông Pong-Sul Ahn - chia sẻ: Sự hợp tác giữa các tổ chức CĐ của các nước gửi và tiếp nhận LĐ đóng vai trò quan trọng trong trao đổi thông tin và hỗ trợ việc bảo vệ các quyền của NLĐ di cư. Bởi bảo vệ quyền lợi của LĐ di cư là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người trong nước và tránh tình huống LĐ di cư quốc tế và LĐ trong nước cạnh tranh lẫn nhau.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN cho rằng, một mạng lưới liên kết vững mạnh của các tổ chức CĐ trong khu vực cũng có thể hỗ trợ các nỗ lực nhằm tập hợp một cách hiệu quả LĐ di cư.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là di cư LĐ quốc tế cần phải được quản lý theo các chính sách dựa trên quyền, được ghi nhận bởi các công ước quốc tế và luật pháp quốc gia. Từ thực tế LĐ di cư của các nước, một kiến nghị được đưa ra là các quyền của LĐ di cư cần được bảo vệ bất kể LĐ ở tình trạng có giấy tờ hay không có giấy tờ hợp pháp.
Để thể hiện vai trò của CĐ trong lĩnh vực này, đại diện của Myanmar cho rằng CĐ các nước tiếp nhận nên coi NLĐ di cư là thành viên của mình để bảo vệ quyền lợi của họ và cải thiện đời sống của họ, đồng thời các tổ chức CĐ có thể cung cấp các khoá đào tạo cho LĐ di cư và người mong muốn di cư trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Kinh nghiệm ở Hàn Quốc cho thấy ở cấp khu vực Liên hiệp CĐ Hàn Quốc đã mở Trung tâm tư vấn hỗ trợ LĐ di cư và tổ chức tư vấn pháp luật, hỗ trợ luật sư cho LĐ di cư. Còn tại VN, theo ông Nguyễn Văn Tư - Trưởng phòng cơ chế chính sách, Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN - trong quan hệ với CĐ các nước tiếp nhận LĐ VN, CĐVN chưa có điều kiện xúc tiến hợp tác trong việc phối hợp hành động bảo vệ LĐ VN đang làm việc tại nước ngoài.
Sáng 16.7, Tổng LĐLĐVN và ILO khai mạc hội thảo “Tăng cường hợp tác CĐ giữa các nước ASEAN đối với LĐ di cư” với sự tham dự của các nhà lãnh đạo CĐ từ Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Thái Lan và VN. Từ 16-18.7, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của CĐ trong việc bảo vệ quyền của NLĐ di cư. Hội thảo được hỗ trợ bởi Dự án di cư an toàn ILO-ASEAN (Dự án Tam giác ASEAN) do cơ quan Phát triển quốc tế Canada tài trợ.
Theo Báo Lao động
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...