Lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi: : Khắc phục tồn tại để không cạn kiệt quỹ lương hưu

26/09/2013 08:06 AM


Ngày 5-9, tại TP.HCM, Bộ LĐTB&XH phối hợp cùng các cơ quan tư vấn quốc tế về xây dựng luật đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH, sửa đổi) các tỉnh/thành phía Nam. Hội thảo cũng thảo luận sâu về lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững ở Việt Nam.


Các đại biểu tham gia góp ý tại hội thảo
Ảnh: Hoàng Long

6 năm và hàng tá bất cập

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ BHXH, Tổ trưởng Tổ Biên tập Luật BHXH (Sửa đổi) cho biết: Luật BHXH được Quốc hội thông qua vào năm 2006, đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại, như: chưa quản lý được đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc khiến việc mở rộng đối tượng còn chậm, đặc biệt là BHXH tự nguyện; tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH còn phổ biến, đặc biệt là tại các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh và FDI (chiếm trên 70% số nợ);… Chính vì vậy, bà Nga cho rằng: Với các phản ánh từ cơ sở, trong đó thực tế triển khai Luật BHXH trong 6 năm qua tại các địa phương sẽ đóng góp thêm vào các nội dung cần sửa đổi, bổ sung quan trọng cho Luật BHXH (sửa đổi).

Theo báo cáo của Vụ BHXH, đến cuối năm 2012, cả nước đã có 139.643 người tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên số người tham gia tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,22% số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện. Tại hội thảo, các ý kiến cũng cho rằng: Mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay còn quá cao so với thu nhập của người lao động (NLĐ). Trong khi đó nhóm đối tượng nam từ 45 tuổi trở lên và nữ từ 40 tuổi trở lên không thể đủ điều kiện về thời gian để hưởng lương hưu. Một số đại biểu cũng phản ánh việc quy định quỹ BHXH tự nguyện độc lập với quỹ hưu trí và tử tuất trong quỹ BHXH bắt buộc nên gây khó khăn cho cơ quan BHXH các địa phương khi giải quyết chế độ cho những người nghỉ hưu. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), quỹ hưu trí và tử tuất tại Việt Nam đang có nguy cơ mất cân đối. Tính toán đến năm 2023, quỹ hưu trí sẽ chỉ đủ thu trong năm, do đó để đảm bảo khả năng chi trả của quỹ phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2029, dự báo quỹ hưu trí sẽ hoàn toàn cạn kiệt và mất khả năng chi trả.

Ông Phạm Văn Cộng (Sở LĐTB&XH Đồng Nai) phản ánh: Hoạt động ứng dụng CNTT hiện nay còn nhiều hạn chế, dẫn đến những khó khăn trong giảm thiểu thủ tục hành chính đối với người tham gia và thụ hưởng. Bên cạnh đó, các quy định về thủ tục, hồ sơ tham gia và thụ hưởng BHXH hiện cũng chưa tạo thuận lợi, dễ dàng cho NLĐ khi tham gia. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH cấp trên cũng chưa rõ khiến địa phương nhiều lúc khó giải thích với người tham gia BHXH.

Luật sửa đổi có gì mới?

Theo ông Phạm Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Luật BHXH (sửa đổi) sẽ quy định tuổi sàn từ 15 tuổi trở lên đã có thể tham gia BHXH, không bao gồm người giúp việc gia đình, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động. Đây là một quy định mở so với trước đây (chỉ thu hẹp đối với người làm việc theo hợp đồng lao động). Đặc biệt, Luật BHXH (sửa đổi) quy định NLĐ tham gia BHXH bắt buộc đối với hợp đồng lao động có thời hạn, thì chỉ cần từ 1 tháng trở lên (trước đây quy định phải đủ 3 tháng).

Xung quanh quy định sửa đổi này, đại diện Bưu điện TP.HCM nêu quan điểm: Hiện đơn vị quản lý trên 2.500 lao động, biến động về lao động không nhiều. Tuy nhiên, Luật BHXH (sửa đổi) có quy định thời hạn từ trên 1 tháng trở lên là NLĐ đã có thể tham gia BHXH tự nguyện thì đối với các DN tư nhân có nhiều lao động, mức độ biến động lao động cao sẽ có thể nảy sinh bất cập. Cụ thể, với thời gian lao động ngắn thì NLĐ cũng không quan tâm nhiều lắm tới BHXH. "Chẳng hạn, họ thử việc khoảng 1 – 3 tháng, sau đó vào làm khoảng 1 – 2 tháng là nghỉ, do đó bản thân NLĐ cũng không thiết tha tham gia BHXH, cũng như tuân thủ các quy định bắt buộc khác”. Bổ sung thêm ý kiến về quy định mới này, đại diện BHXH tỉnh Tiền Giang cũng góp ý: Hiện nay luật không đưa chủ sử dụng lao động vào đối tượng bắt buộc tham gia BHXH. Quy định này gây ra nhiều hệ quả rất thiệt thòi, bất công cho họ. Mặt khác, cũng cần đưa đối tượng này vào để thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương.

Ông Bùi Thanh Nhân (tỉnh Bình Dương) cũng đồng tình quy định mới trong Luật BHXH (sửa đổi) về ưu tiên đầu tư phát triển CNTT, thông tin công khai về tham gia BHXH tại DN. Ông Nhân cho biết: Hiện tại tỉnh Bình Dương có rất nhiều trường hợp NLĐ có tham gia đóng BHXH đầy đủ nhưng chủ DN chiếm dụng, và chỉ khi DN bỏ trốn, hoặc phá sản thì NLĐ mới biết. "Những DN này đa số thuê nhà xưởng, thế chấp ngân hàng hết. Khi bỏ trốn thì ngân hàng vào xiết nợ, NLĐ không thể thu hồi được lương và các khoản trợ/phụ cấp và cũng không biết kêu ở đâu. Phải chăng Trung ương cần nghiên cứu thành lập các ngân hàng dự phòng để giải quyết nợ lương, nợ BHXH khi phát hiện DN bỏ trốn”. Bà Trần Thị Thúy Nga cho rằng: Về cơ bản Luật BHXH (sửa đổi) lần này thực hiện trên nguyên tắc đóng - mở và có chia sẻ giữa những người tham gia, bảo đảm tương quan hợp lý và sử dụng theo nguyên tắc cân đối thu - chi, bảo toàn và phát triển, được Nhà nước bảo hộ.

Theo Đại đoàn kết