Hội thảo chính sách bảo hiểm hưu trí và các khuyến nghị sửa đổi Luật BHXH
16/09/2013 09:14 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 06/09, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy Ban tài chính ngân sách của Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế tổ chức Hội thảo chính sách bảo hiểm hưu trí và các khuyến nghị sửa đổi Luật BHXH. Chủ trì Hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.
Tham dự có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính và đại diện Văn phòng Quốc hội; Ủy ban tài chính, Ngân sách Quốc hội; các chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: Dự án Luật BHXH sửa đổi đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 07 (tháng 05/2014) và thông qua vào kỳ họp thứ 08 (cuối năm 2014). Trải qua quá trình phát triển, chính sách BHXH tại Việt Nam đã góp phần to lớn vào việc ổn định đời sống cho người lao động thụ hưởng BHXH; góp phần ổn định chính trị - xã hội đất nước. Tính đến hết năm 2012, trên cả nước mới có khoảng 10,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, mặc dù có tăng 3,3% so với năm 2011, nhưng chỉ đạt khoảng 78% so với số lao động thực tế phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH. Tuy nhiên, hiện nay diện bao phủ BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động. Từ đó đặt ra yêu cầu tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn, xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao...
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, nhưng chỉ mới bước ra khỏi danh sách một trong những nước nghèo nhất thế giới để trở thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.200 USD/năm. Trong bối cảnh phát triển mới, cùng với mục tiêu nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng, việc cải thiện các chỉ số An sinh xã hội, trong đó việc mở rộng phạm vi, tăng cường tính bền vững của hệ thống BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí là nhiệm vụ chiến lược và có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội thảo, báo cáo tham luận “Dự báo cân đối quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam và các khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo cân đối quỹ trong tương lai”, ông Carlos Galian, đại diện nhóm chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã dự báo:Quỹ hưu trí tại Việt Nam có thể bắt đầu bị thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2034 nếu không có những thay đổi chính sách kịp thời. Một trong những khuyến nghị của ILO là tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam giới và nữ giới lên 65 bắt đầu từ năm 2016. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Việt Nam, vấn đề này cần có giải trình hợp lý và lộ trình cụ thể, tránh gây xáo trộn. Đại diện ILO đưa ra giải pháp đối với Việt Nam nhằm đảm bảo tính bền vững của quỹ BHXH là nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam giới và nữ giới lên 65 tuổi. Theo ILO, mặc dù pháp luật của Việt Nam hiện nay quy định tuổi nghỉ hưu ở nữ giới là 55 và nam giới là 60, nhưng tính trung bình chung ở tất cả các lĩnh vực, thì tuổi nghỉ hưu thực sự là 53,4 tuổi. Trong khi thực tế hiện nay tuổi thọ của người dân đang nâng lên và tỷ lệ số người hưởng BHXH trên số người đóng BHXH sẽ tăng mạnh. Do vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu để cân đối đóng và hưởng BHXH trong tương lai là rất cần thiết.
Báo cáo của ILO cũng cho biết năm 2012, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn “già hóa dân số”, khi nhóm người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số, sớm hơn 05 năm so với dự kiến. Trong giai đoạn 2020-2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số có thể ở mức cao nhất châu Á. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu là bắt buộc để có lực lượng lao động đủ để bù đắp sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động, đồng thời cũng cần áp dụng độ tuổi nghỉ hưu chung cho cả nam giới và nữ giới để Việt Nam có thể tận dụng được tốt nhất nguồn nhân lực sẵn có trong nước.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân khẳng định sự cần thiết tiến hành cải cách chế độ bảo hiểm hưu trí trong quá trình sửa đổi Luật BHXH. Theo đồng chí Thứ trưởng: Việc sửa đổi chế độ hưu trí về cơ bản cần tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ từ việc thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tỷ lệ hưởng lương hưu, điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH, cách tính bình quân lương tháng đóng BHXH…
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng: chính sách BHXH nói chung và chế độ hưu trí nói riêng có một vị trí quan trọng trong hệ thống An sinh xã hội. Do vậy, việc đề xuất cái cách chính sách bảo hiểm hưu trí cần được nghiên cứu, cùng với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như (thành tra, kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHXH; phát triển BHXH tự nguyện…), cũng như cần quan tâm thích đáng đến việc đảm bảo đời sống của người hưởng lương hưu.
Tại Hội thảo các đại biểu được nghe và thảo luận nội dung trong các báo cáo: một số ý kiến về tình hình quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm hưu trí và một số ý kiến về cái cách chế độ bảo hiểm hưu trí khi xây dựng Luật BHXH (sửa đổi); tác động yếu tố dân số, già hóa dân số đối với cân bằng quỹ bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam và một số gợi ý chính sách cho việc đổi mới quỹ bảo hiểm hưu trí khi xây dựng dự án Luật BHXH (sửa đổi); các phương án cải cách bảo hiểm hưu trí trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi); đánh giá dự báo tài chính quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam và các khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo cân đối quỹ trong tương lai; thực trạng và khuyến nghị về việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH cho người lao động của doanh nghiệp từ thực tiễn tổ chức thực hiện của BHXH một số địa phương.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm tạo diễn đàn chính sách để thu hút ý kiến toàn diện, đa chiều của chuyên gia trong nước và quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước và đại biểu dân cử ở Trung ương và địa phương nhằm đánh giá thực trạng và những thách thức đối với Quỹ bảo hiểm hưu trí của Việt Nam để từ đó đề xuất, khuyến nghị các phương án, giải pháp cải cách chế độ bảo hiểm hưu trí trong sửa đổi Luật BHXH./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...