Báo động với thị trường lao động trẻ
26/08/2013 08:51 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mặc dù nền kinh tế trong nước đang từng bước phục hồi nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn không ngừng gia tăng. Khó khăn trong tìm kiếm việc làm khiến phần lớn số lao động trẻ được đào tạo cơ bản không có nhiều lựa chọn trong công việc. Theo một điều tra quốc gia mới đây của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chất lượng việc làm của các thanh niên từ 15 đến 29 tuổi đang gióng lên hồi chuông báo động với thị trường lao động trẻ Việt Nam.
Lao động trẻ không dễ tìm việc
Theo kết quả điều tra, chất lượng việc làm thấp ảnh hưởng tới hơn một nửa lao động trẻ. Cứ 10 người thì có 8 người làm những công việc không chính thức và một nửa trong số đó có việc làm không thường xuyên (việc tự làm hoặc hợp đồng tạm thời). Cứ 10 người (từ 15 đến 29 tuổi) thì 3 người có trình độ cao hơn yêu cầu công việc, khiến thu nhập của người lao động thấp hơn mức có thể được hưởng và không thể tận dụng toàn bộ tiềm năng, năng suất lao động của mình. Một bộ phận lớn thanh niên phải làm những công việc có chất lượng, năng suất thấp, không chỉ làm mài mòn tiềm năng của họ, mà còn tác động tới tiềm năng tăng trưởng của quốc gia và đây thực sự là một mối lo ngại lớn.
Cũng theo kết quả điều tra, có tới 59% số thanh niên đã hoàn thành quá trình chuyển tiếp từ trường học sang thị trường lao động, tìm được công việc ổn định, việc làm tạm hoặc tự tạo việc làm, với tỷ lệ nam nhiều hơn nữ. Trong số những người đã hoàn thành quá trình chuyển tiếp, một nửa đã tìm được việc làm ổn định và nửa còn lại đang làm những công việc tạm thời hoặc hài lòng với những việc tự làm. Tuy nhiên, không ít người sau khi tốt nghiệp ra trường phải mất một thời gian dài (khoảng 5 năm) làm những công việc tạm thời hoặc phụ thuộc vào gia đình trước khi có thể tìm được việc làm tốt hơn. Đối với nhóm thanh niên đang trong quá trình chuyển tiếp sang thị trường lao động, rất có thể nguồn lao động trẻ chất lượng cao này sẽ phải tiếp tục mất một thời gian dài gặp khó khăn trong tìm kiếm một công việc ổn định (trung bình 6 năm).
Các chuyên gia của ILO khuyến cáo Việt Nam cần phải tăng cường mối liên hệ giữa đào tạo và tăng trưởng xuất khẩu; đa dạng hóa nền kinh tế và tạo thêm việc làm cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trong khi đó, những chính sách khác như: Hướng nghiệp, tư vấn việc làm, thông tin thị trường lao động và dịch vụ việc làm có thể giúp quá trình chuyển tiếp của các lao động trẻ từ trường học tới việc làm được thuận lợi hơn. Hiện nay, theo những kết quả ban đầu của cuộc điều tra, phương pháp tìm việc phổ biến nhất của các bạn trẻ vẫn là: Hỏi bạn bè, người thân và những người có kinh nghiệm…
Nước ta có nguồn lao động trẻ dồi dào nhưng cũng sẽ sớm qua thời kỳ “dân số vàng”. Do đó, phải tận dụng được cơ hội, nếu không sẽ phải chịu những tổn thất về dài hạn. Lao động trẻ ở nước ta cần được hỗ trợ để có một quá trình chuyển tiếp sang thị trường lao động thuận lợi hơn. Điều này đồng thời sẽ giúp đất nước giải phóng tối đa tiềm năng của thanh niên.
Theo Báp Quân đội nhân dân
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...