Hợp tác song phương trong lĩnh vực BHXH: Tạo thuận lợi cho người lao động

19/12/2013 07:42 AM


Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Đại sứ quán Đức và Viện Friedrich Ebert (FES) của Đức tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm về pháp luật, chính sách và khả năng xây dựng hiệp định hợp tác song phương về BHXH”. Được biết, nếu hiệp định hợp tác song phương về BHXH được ký kết, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài cũng như lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện có khoảng 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài và hơn 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Thế nhưng, chỉ có khoảng 88.000 người Việt Nam tại Đức được tham gia Quỹ BH hưu trí và 22.000 công nhân Việt Nam được tham gia bảo hiểm ở nước này. Những lao động Việt Nam ở các quốc gia khác đều không được tham gia BHXH. Còn tại Việt Nam, khoảng 80.000 lao động nước ngoài cũng chưa được tham gia đóng BHXH ở nước ta vì pháp luật chưa cho phép. Việc Việt Nam không có chính sách hợp tác song phương trong lĩnh vực BHXH cũng đồng nghĩa với việc những DN có lao động nước ngoài không phải đóng tiền BHXH cho những lao động này. Trong khi đó, sẽ có hơn 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài phải chịu thiệt thòi vì phải đóng hai lần BHXH ở hai nước. Bên cạnh đó, đối với những người Việt Nam muốn hồi hương sẽ thiệt thòi lớn vì bị mất tiền hưu trí hoặc chỉ được hưởng mức lương hưu thấp.


Quyền lợi của NLĐ sẽ được bảo đảm, khi nước ta ký và tham gia hợp tác song phương với các đối tác về BHXH

Ông Erwin Schweisshelm- Giám đốc FES cho rằng, chính vì lao động người nước ngoài từ 60 quốc gia đến Việt Nam cũng không được tham gia vào hệ thống BHXH của Việt Nam, nên rất khó có thể tiến đến một thỏa thuận hợp tác song phương mang tính tương hỗ về BHXH với các quốc gia khác. Quyền lợi NLĐ Việt Nam ở nước ngoài chỉ có thể được bảo đảm khi Việt Nam có ký kết hợp tác song phương với các nước trong lĩnh vực BHXH. Hiện nay, Việt Nam có nguồn lực to lớn với hơn 4 triệu người đang sinh sống và làm việc tại 104 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn hướng về quê hương, mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có hợp tác song phương trong lĩnh vực BHXH với các nước nên việc thu hút Việt kiều về nước gặp rất nhiều khó khăn do rào cản về BHXH.

Được biết, là một quốc gia phát triển, Cộng hòa liên bang Đức có bề dày và nhiều kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống các chính sách BHXH không chỉ áp dụng với công dân Đức, mà còn phát triển, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong áp dụng chế độ BHXH cho NLĐ nước ngoài làm việc tại Đức thông qua việc ký kết, thực hiện các hiệp định song phương với một số nước trong và ngoài khu vực Liên minh châu Âu. Vì vậy, buổi tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm về pháp luật, chính sách và khả năng xây dựng hiệp định hợp tác song phương về BHXH” là cơ hội để các cơ quan hai bên chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy khả năng ký kết một hiệp định song phương về BHXH giữa 2 nước.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phạm Minh Huân- Thứ trưởng LĐ-TB&XH nhấn mạnh: Việc mở rộng đối tượng đóng, hưởng BHXH với lao động người nước ngoài tại Việt Nam và lao động Việt Nam ở nước ngoài sẽ được xem xét trong thời gian tới. Đó sẽ là cơ sở để Việt Nam và các quốc gia khác thỏa thuận tiến tới ký kết những hiệp định song phương về thực hiện chế độ BHXH, tạo điều kiện cho NLĐ trong và ngoài nước đều được hưởng mức lương hưu cao, đảm bảo công bằng trong việc thực hiện chi trả BHXH.

Trên thực tế, việc mở rộng áp dụng Luật BHXH đối với người nước ngoài, cũng như đàm phán hiệp định song phương và đa phương sẽ phù hợp với Tuyên bố ASEAN Cebu năm 2007 về quyền của lao động di cư tạo điều kiện cho việc ký kết Công ước UN về lao động di cư. Bên cạnh đó cũng khuyến khích, tạo điều kiện để Việt kiều trở về đất nước mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước./.

Nguồn: qdnd.vn