Quỹ bảo hiểm xã hội bị lạm dụng đủ đường

17/04/2014 08:57 AM


Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 3-2014, tổng số nợ đọng BHXH trên cả nước lên tới hơn 11.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, các hành vi lạm dụng quỹ BHXH cũng diễn ra phổ biến.


Người lao động cần đấu tranh đòi hỏi quyền lợi về BHXH để bảo vệ chính mình

Muôn vàn kiểu lạm dụng quỹ

Theo ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, chủ nhiệm đề tài “Thực trạng và giải pháp phòng chống lạm dụng Quỹ BHXH” vừa được BHXH Việt Nam nghiệm thu, các hành vi lạm dụng Quỹ BHXH ở nước ta đang diễn ra rất đa dạng và phổ biến tại tất cả các địa phương. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thu BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, việc lạm dụng, vi phạm biểu hiện thông qua các hành vi như trốn đóng BHXH, đóng BHXH không đúng thời gian và mức quy định - thực chất là nợ tiền BHXH. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động (trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không đóng vào quỹ BHXH) làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 3-2014, tổng số nợ BHXH trong cả nước là hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 1.998,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013. BHXH ở 32 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ so với số phải thu cao hơn tỷ lệ nợ chung toàn ngành, trong đó 10 địa phương có tỷ lệ nợ rất cao.

Tương tự, trong lĩnh vực cấp sổ BHXH cũng thường xuyên xảy ra tình trạng lạm dụng Quỹ, thường tập trung vào các công đoạn của quy trình cấp sổ và ghi sổ BHXH, cụ thể là quy trình lập hồ sơ cấp sổ lần đầu, quy trình cấp lại sổ BHXH, ghi và xác nhận thời gian đóng BHXH. Còn trong lĩnh vực giải quyết chế độ BHXH, việc lạm dụng càng nhiều hơn, thể hiện thông qua việc giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trong lĩnh vực giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… ảnh hưởng rất lớn đến Quỹ BHXH.

Chế tài chưa đủ mạnh

Ông Điều Bá Được phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng, vi phạm pháp luật về chính sách BHXH trong đó có nguyên nhân từ cơ chế chính sách còn nhiều kẽ hở, một số quy định không có tính khả thi, hệ thống chính sách BHXH thiếu tính đồng bộ, chồng chéo. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng vẫn là do nhận thức của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động về chính sách, pháp luật BHXH chưa cao, không quan tâm đúng mức đến lợi ích của người lao động và lợi ích chung của toàn xã hội, ý thức chấp hành pháp luật về BHXH không nghiêm. Trong khi đó, bản thân người lao động nhận thức về chính sách, pháp luật BHXH còn yếu, tâm lý chỉ quan tâm tới lợi ích trước mắt nên không dám đấu tranh đòi hỏi quyền lợi về BHXH…

Tại hội nghị lấy ý kiến sửa đổi một số nội dung trong Dự án Luật BHXH (sửa đổi) do BHXH Việt Nam tổ chức tuần trước, các chuyên gia cho rằng, để giải quyết được tình trạng nợ đọng, lạm dụng Quỹ BHXH hiện nay cần thiết phải có những chế tài mạnh hơn. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phân tích, lực lượng thanh tra lao động quá mỏng (chưa đến 500 người) mà phạm vi thanh tra rất rộng nên công tác thanh tra, xử lý vi phạm về BHXH khó đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, do chế tài xử phạt vi phạm về BHXH hiện nay quá nhẹ, mức phạt tối đa đối với hành vi không đóng BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp chỉ là 75 triệu đồng, nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chịu nộp phạt vì lợi ích họ thu được từ việc vi phạm còn lớn hơn. Do vậy, BHXH Việt Nam đề nghị bổ sung các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về BHXH theo hướng tăng nặng.

Một số chuyên gia còn đề nghị, ngoài việc tăng mức xử phạt hành chính, cần bổ sung vào Bộ Luật Hình sự tội danh trốn đóng BHXH, chiếm đoạt tiền đóng BHXH của người lao động đối với các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Đồng thời tăng cường quản lý Quỹ BHXH, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi trốn đóng, gian lận để trục lợi Quỹ BHXH…

Theo ANTĐ