Ông bố sẽ được nghỉ…thai sản!

14/05/2014 09:45 AM


Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa lên tiếng khuyến khích Việt Nam cần có chính sách cho các bậc làm cha tham gia nhiều hơn trong và sau quá trình con chào đời.

Cụ thể, theo ILO thì hiện nay Với việc Bộ Luật Lao động 2012 tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 đến 6 tháng, chế độ nghỉ thai sản của Việt Nam là một trong những thời gian dài nhất ở châu Á. Khu vực này chỉ có 5 quốc gia đạt hoặc vượt tiêu chuẩn nghỉ thai sản 14 tuần do ILO quy định (Mông Cổ 120 ngày, Bangladesh 16 tuần, Singapore 16 tuần và Trung Quốc là 14 tuần).

Tuy nhiên, tổ chức này khuyến nghị nam giới tại Việt Nam không được nghỉ thai sản trong khi chế độ thai sản cho cha đang ngày càng trở nên phổ biển trên thế giới, nhưng dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi mở ra một hy vọng cho các ông bố đang làm việc.


Sắp tới các ông bố sẽ được nghỉ 5-7 sau khi con ra đời

Ông bố sẽ được nghỉ 5-7 ngày trong thai sản?

Theo thống kê của ILO thì đến năm 2013, ít nhất 78 trên tổng số 167 quốc gia quy định hình thức nghỉ phép nhất định dành cho các bậc làm cha khi con mình chào đời. Đó là một sự tiến bộ bởi vào năm 1994, chế độ nghỉ thai sản dành cho nam giới chỉ tồn tại ở 40 trên tổng số 141 quốc gia có số liệu.

Chế độ thai sản dành cho các bậc làm cha được áp dụng phổ biến nhất tại các nền kinh tế phát triển, châu Phi, Đông Âu và Trung Á.

Giám đốc ILO Việt Nam, TS Gyorgy Sziraczki nhận định: "Việc công nhận quyền làm cha của nam giới cũng như trách nhiệm của họ phải san sẻ việc nhà và chăm sóc gia đình (những công việc không được trả lương) sẽ giúp xóa bỏ những quan điểm xã hội truyền thống và thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và tại gia đình."

Theo những diễn biến mới nhất, dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi (sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội khai mạc trong tháng 5 này) lần đầu tiên đề cập đến chế độ nghỉ thai sản cho lao động nam.

"Nếu dự thảo luật nhận được sự đồng tình của Quốc hội, lao động nam sẽ được nghỉ 5-7 ngày hưởng nguyên lương tùy vào việc vợ sinh thường hay phải phẫu thuật", ILO đưa ra nhận định.

Đồng thời, tổ chức bảo về quyền lợi của người lao động cũng cho rằng dự thảo luật đồng thời cũng quy định về chế độ nghỉ thai sản khi nhận con nuôi (người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi). Việc cho phép bố mẹ nuôi được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội là phù hợp với các khuyến nghị của ILO và đã được đưa vào luật pháp của nhiều nước trên thế giới.

Bà mẹ không được bảo vệ trong thai sản

Bên cạnh những khuyến nghị cần tăng thời gian nghỉ thai sản dành cho các ông bố thì ILO cũng đư ra cảnh báo đang lo ngại liên quan tới VN khi việc bảo vệ quyền lợi cho bà mẹ trong thời gian thai sản vẫn hạn chế.

Cụ thể, ILO nhận định tại Việt Nam, các điều khoản về chế độ thai sản chỉ có thể áp dụng cho gần 30% lực lượng lao động và việc khu vực phi chính thức, bao gồm ngành nông nghiệp, vẫn còn quá lớn là một vấn đề đối với việc thực thi pháp luật.

ILO có 3 công ước về bảo vệ thai sản được thông qua vào năm 1919, 1952 và 2000. Các công ước này quy định việc phòng ngừa tiếp xúc với những nguy hại về an toàn và sức khỏe trong quá trình mang thai và cho con bú, quyền được trả trợ cấp thai sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em và thời giờ nghỉ cho con bú, bảo vệ chống phân biệt đối xử và sa thải liên quan đến thai sản, cũng như quyền được đảm bảo khi trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản.

"Mặc dù 66 quốc gia trong tổng số 185 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cam kết thực hiện ít nhất 1 trong 3 công ước trên, Việt Nam không nằm trong số đó", ILO nhận định.

Trước thực trạng tại Việt Nam, Tiến sỹ Sziraczki cho rằng: "Đảm bảo công việc và thu nhập cho lao động nữ trong và sau quá trình mang thai là một việc làm cần thiết giúp phụ nữ có được cơ hội bình đẳng và được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc, giúp thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ."

Tuy nhiên, ILO cũng mở ra kỳ vọng với các điều khoản quy định trong Bộ Luật Lao động và dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội, cùng các biện pháp khác, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc gia nhập và thực hiện các công ước của ILO để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của bà mẹ và trẻ em Việt Nam.

Nguồn laodong.com.vn