Đoàn Giám sát về BHYT của Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật BHYT lần thứ hai
29/07/2013 01:05 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 18/07/2013, tại Hà Nội, Đoàn Giám sát về BHYT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức phiên họp nghe Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009 – 2012 lần thứ hai. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, các thành viên Đoàn giám sát và đại diện các bộ, ngành chức năng, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế với tư cách là đơn vị chủ trì phối hợp cùng các bộ, ngành tham mưu với Chính phủ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, trình bày báo cáo trước Đoàn Giám sát nêu rõ: Sau 04 năm tổ chức thực hiện, Luật BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Việc thực hiện các quy định của Luật đã tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội và các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được cải thiện; quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày được bảo đảm do mở rộng phạm vi thanh toán. Quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và duy trì khám, chữa bệnh theo tuyến đã hạn chế tình trạng quá tải của tuyến trên, tạo thuận lợi cho người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế ngay từ tuyến cơ sở. Tổ chức hệ thống và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và thực hiện chính sách BHYT được củng cố và phát triển. Quỹ BHYT đã cân đối và có kết dư ba năm liên tục. Tuy nhiên, việc thực hiện Luật cũng đã bộc lộ những hạn chế như: tính tuân thủ pháp luật của đối tượng tham gia BHYT chưa cao, nhóm người lao động trong các doanh nghiệp mới chỉ đạt gần 50% tham gia BHYT; nhóm hộ cận nghèo đạt khoảng 18,9%; nhóm đối tượng tham gia BHYT tự nguyện mới chỉ đạt 24,5%; việc tổ chức cấp, đổi và quản lý thẻ BHYT còn có những bất cập; chất lượng khám, chữa bệnh nhìn chung còn chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân; một số quy định trong thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT còn chưa hợp lý,…
Các thành viên Đoàn Giám sát đã yêu cầu đại diện các Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam báo cáo làm rõ việc bảo đảm quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT; các thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu có thuận lợi cho người dân hay không... vì chỉ khi thấy rõ những lợi ích mà BHYT mang lại người dân mới thực sự mặn mà với BHYT. Một số ý kiến đề nghị làm rõ những vướng mắc, hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT đến người dân; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác quản lý BHYT, nhất là việc cấp trùng thẻ BHYT... Các thành viên Đoàn giám sát nhất trí với kiến nghị của các bộ, ngành về việc sửa Luật BHYT theo hướng quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhằm tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân; sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán theo hướng rút ngắn thời hạn thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa cơ sở khám, chữa bệnh và BHYT; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật BHYT, vai trò của UBND trong thực hiện BHYT tại địa phương.
Kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai yêu cầu, trên cơ sở những ý kiến tham gia của các thành viên Đoàn Giám sát, Bộ Y tế và các bộ, ngành tiếp tục tham mưu với Chính phủ hoàn thiện báo cáo. Ngoài những vấn đề đã nêu, cần tập trung làm rõ tình trạng lạm dụng khám, chữa bệnh BHYT, phân tích làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương đồng thời chỉ ra những “lỗ hổng” trong chính sách. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp cho từng nội dung, các kiến nghị và giải pháp cần gắn chặt với nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Việc hoàn thiện chính sách phải hướng tới mục tiêu thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đảm bảo hài hòa với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước và giảm chi từ tiền túi của người dân./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...