Cấp thẻ BHYT năm 2014: Điều chỉnh nơi khám chữa bệnh ban đầu theo lộ trình
20/12/2013 09:30 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chuẩn bị cho việc cấp mới thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2014, nhiều cơ quan, DN đã thông báo tới toàn thể nhân viên, nếu có nhu cầu thay đổi nơi khám chữa bệnh (KCB) ban đầu thì đăng ký lại với bộ phận phụ trách.
Song điều đáng lưu ý là những ai đang đăng ký tại các cơ sở KCB tuyến thành phố trở lên nếu muốn thay đổi thì chỉ được lựa chọn nơi KCB ban đầu tại các tuyến xã, huyện hoặc tương đương. Việc điều chỉnh "thụt lùi" này khiến không ít người dân thắc mắc. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Phương Mai - Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội về vấn đề này.
Ảnh minh họa
- Quy định điều chỉnh "thụt lùi" đăng ký nơi KCB ban đầu khi muốn thay đổi nơi KCB đã đặt ra không ít băn khoăn, bức xúc từ phía người dân. BHXH TP Hà Nội dựa vào đâu để đưa ra thông báo này?
- Luật BHYT (có hiệu lực từ tháng 7-2009) quy định rõ: Người tham gia BHYT có quyền đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở KCB tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Để chuẩn bị công tác phát hành thẻ BHYT năm 2014, ngày 8-11-2013, BHXH TP Hà Nội đã có công văn 3992/BHXH-NVGĐ1 thông báo các cơ sở KCB nhận đăng ký KCB ban đầu đối với đối tượng tham gia BHYT do BHXH TP Hà Nội phát hành thẻ năm 2014. Theo đó, để phù hợp với tình hình KCB trên địa bàn Thủ đô, giảm dần thẻ đăng ký KCB ở tuyến trên, các đối tượng đã đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở tuyến thành phố trở lên năm 2013 sẽ được tiếp tục được đăng ký tại cơ sở đó nếu có nguyện vọng. Trong trường hợp muốn thay đổi, sẽ phải lựa chọn các cơ sở KCB tuyến dưới phù hợp với địa bàn cư trú hoặc nơi làm việc. Việc thực hiện quy định đăng ký KCB ban đầu này là nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Bởi những bệnh viện tuyến trên là tuyến cuối phục vụ điều trị bệnh nhân từ tuyến dưới không chữa trị được chuyển lên.
- Thực tế vẫn có những trường hợp được đăng ký thay đổi mà không bị điều chuyển xuống tuyến dưới. Có hay không những ngoại lệ hay đặc cách cho các đối tượng được đăng ký KCB ban đầu tại tuyến trên?
- Theo quy định, tất cả đối tượng đăng ký KCB ban đầu chỉ được phép đăng ký từ tuyến huyện hoặc tương đương trở xuống. Tuy nhiên, nếu thực hiện điều chỉnh "ồ ạt" một lúc thì chắc chắn các cơ sở KCB tuyến cơ sở sẽ không thể đáp ứng nổi nên BHXH Việt Nam cũng như BHXH Hà Nội phải thực hiện theo lộ trình, giảm tải từng bước. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp ngoại lệ được đặc cách đăng ký KCB tại tuyến trên như: Người tham gia BHYT có sổ khám bệnh do BV Hữu Nghị (Tiêu chuẩn đăng ký theo Hướng dẫn số 52/HD/BTCTư ngày 2-12-2005 của Ban Tổ chức Trung ương), Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố cấp, người có công với cách mạng, người từ 85 tuổi trở lên, trẻ em dưới 6 tuổi có nhu cầu được đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến tỉnh và tương đương trở lên phù hợp với nơi cư trú hoặc nơi công tác để thuận tiện khi KCB theo BHYT. Bên cạnh đó, BV trung ương quân đội 108 nhận đăng ký KCB ban đầu cho đối tượng bộ đội nghỉ hưu, thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có quân hàm từ cấp thiếu tá trở lên...
- Có ý kiến cho rằng các cơ sở KCB tuyến dưới không bảo đảm điều kiện về trang thiết bị, y bác sĩ yếu về chuyên môn nên người dân không an tâm. Bà nói sao về vấn đề này?
- Tôi cho rằng người dân cần hiểu đúng và rõ các quy định tại Luật BHYT. Để chuẩn bị cho công tác phát hành thẻ BHYT năm 2014, vừa qua Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với BHXH TP Hà Nội đi khảo sát các cơ sở đủ điều kiện KCB ban đầu. Ở đây, cần xác định khi đăng ký KCB ban đầu thì cơ sở y tế trong danh sách được đăng ký bảo đảm về KCB thông thường chứ không phải điều trị các bệnh nặng. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, kỹ thuật thì tuyến cơ sở có trách nhiệm chuyển người bệnh kịp thời lên tuyến trên theo quy định về chuyển tuyến của ngành y tế. Như vậy, không phải các đối tượng đăng ký ở tuyến dưới sẽ không bao giờ được KCB ở tuyến trên cả. Việc phân tuyến này có hai ý nghĩa: Thứ nhất, nhằm giảm tải cho tuyến trên và thứ hai, để các tuyến cơ sở gần dân, chăm sóc sức khỏe cho người dân phù hợp. Rất mong người có thẻ BHYT chia sẻ với BHXH về quy định KCB ban đầu theo Luật BHYT.
- Việc điều chỉnh giảm tải đã được thực hiện bao lâu? Đến nay, số lượng đăng ký KCB tuyến dưới đạt tỷ lệ như thế nào thưa bà?
- Theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH TP Hà Nội đã thực hiện điều chỉnh giảm số thẻ đăng ký KCB ban đầu tuyến trên 2-3 năm gần đây rồi. Tỷ trọng đăng ký KCB ban đầu tuyến dưới tăng dần qua từng năm. Việc điều chỉnh phải làm từ từ, tránh gây xáo trộn quá lớn. Tại Hà Nội, hiện số thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tuyến cơ sở đạt 2,2 triệu thẻ, tương đương 50% người có thẻ BHYT được đăng ký và chăm sóc sức khỏe tuyến xã, phường.
- Xin cảm ơn bà!
Theo Báo HNM
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...