World Bank: BHYT toàn dân là chìa khóa cho sự phát triển của một quốc gia

20/12/2013 07:54 AM


BHYT toàn dân không chỉ là một chính sách nhân văn, mà còn rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo của một quốc gia - Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, khẳng định.


Theo số liệu thống kê của World Bank, hiện trên thế giới có khoảng 100 triệu người đã và đang bị bần cùng hóa bởi chi phí y tế mỗi năm. Do đó, đảm bảo toàn bộ dân số được tiếp cận với chăm sóc y tế thông qua BHYT là “chìa khóa” để phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở mọi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Mục tiêu của World Bank là phối hợp với WHO, giảm dần và tiến đến không còn đối tượng bị bần cùng hóa bởi chi phí y tế vào năm 2030. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2020, 80% người nghèo ở các nước đang phát triển sẽ được tiếp cận với tiêm chủng; phòng ngừa, điều trị các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tâm thần…

Để minh chứng cho việc khẳng định thực hiện BHYT toàn dân là “chìa khóa” để phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim lấy Nhật Bản làm ví dụ.  Năm 1922, Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên ban hành Luật BHYT, việc thi hành bị trì hoãn cho tới 05 năm sau do sự cố động đất Kanto (1923). Năm 1938, ban hành Luật BHYT quốc gia, năm 1939 ban hành Luật BHYT cho người lao động, Luật BHYT cho ngư dân và đến năm 1961, thực hiện BHYT cho toàn dân. Khi ấy, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản không nằm trong nhóm cao nhất thế giới và dư luận bên ngoài cho rằng quốc gia này không thể hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân. Đối tượng tham gia BHYT theo quy định của pháp luật Nhật Bản rất rộng, bao gồm những người làm công ăn lương, lao động tự do, nông dân và người không có nghề nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật BHYT có những quy định phù hợp dành riêng cho từng đối tượng. BHYT cho người lao động được thực hiện theo nơi làm việc. BHYT quốc gia được thực hiện theo vị trí địa lý. Quỹ BHYT được hình thành từ sự đóng góp của người lao động, chủ sử dụng lao động và tài trợ của Nhà nước. Trách nhiệm đóng BHYT được thực hiện theo nguyên tắc mức phí đóng BHYT được chia đều, người lao động đóng 50%, chủ sử dụng lao động đóng 50%.

Luật BHYT Nhật Bản xác định riêng hai loại quỹ cho các đối tượng để có sự hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế. Quỹ BHYT quốc gia áp dụng cho lao động tự do, nông dân và người không có nghề nghiệp. Nhà nước bảo trợ nhiều hơn cho loại quỹ này, vì đối tượng của quỹ thường có thu nhập thấp và không ổn định. Quỹ BHYT của người làm công ăn lương, đây là đối tượng có thu nhập thường xuyên và ổn định. Theo hệ thống y tế công của Nhật Bản, Luật BHYT Nhật Bản quy định bệnh nhân BHYT phải thực hiện trách nhiệm cùng chi trả. Quy định này nhằm tăng thêm chi phí cho Quỹ BHYT, đồng thời hạn chế sự lạm dụng quỹ từ phía người thụ hưởng. Mức cùng chi trả phụ thuộc vào đối tượng hoặc nhóm đối tượng như người lao động tự do 30%, công chức 20%, người lao động hưởng lương trả 10%. Trong những năm qua, rất nhiều quan chức, chuyên gia các quốc gia đang phát triển trên thế giới đã thu thập, học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản để tìm ra cách thức phù hợp áp dụng vào thực tế nước mình.

(Theo GlobalPost)