Hội thảo tổng kết Dự án nâng cao năng lực xây dựng chính sách và quản lý BHYT
29/11/2013 01:12 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 26/11/2013, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Cơ quan BHYT Hàn Quốc (NHIS) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án nâng cao năng lực xây dựng chính sách và quản lý BHYT - các khuyến nghị và đề xuất. Tới dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên. Tham dự có đại diện Văn phòng Chính phủ; các Bộ, ngành Trung ương, BHXH Việt Nam...
Dự án “nâng cao năng lực xây dựng chính sách và quản lý BHYT” tại Việt Nam được thực hiện trong 02 năm, bắt đầu từ tháng 11/2011 theo đề nghị của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Mục đích của dự án nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và mô hình quản lý về BHYT tại Việt Nam, tiến tới mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân nhằm thực hiện công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cụ thể, nâng cao năng lực xây dựng chính sách, thực hiện và quản lý BHYT thông qua kinh nghiệm của Hàn Quốc; xây dựng và thí điểm mô hình BHYT bền vững, tập trung vào cơ chế thanh toán BHYT với cơ sở khám, chữa bệnh; nâng cao kiến thức, kỹ năng trong triển khai thực hiện để duy trì kết quả mà dự án đã xây dựng. Sau 02 năm thực hiện dự án, có 06 đoàn chuyên gia Hàn Quốc đi thực tế tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hải Dương để thu thập tình hình thực tế và trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện tại địa phương; tổ chức 05 Hội thảo tư vấn và xây dựng chính sách BHYT nhằm trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện chính sách BHYT của Hàn Quốc và thực tế của Việt Nam; tổ chức 02 lớp đào tạo tại Hàn Quốc với 31 cán bộ thuộc các Bộ, ngành liên quan đến xây dựng chính sách BHYT; tư vấn đề xuất thay đổi phương thức thanh toán; nghiên cứu các phương thức thanh toán và định hướng thay đổi phương thức thanh toán tại Việt Nam…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đánh giá kết quả sau 03 năm thực hiện Luật BHYT, Việt Nam đã bao phủ 67% dân số có BHYT. BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công quan trọng cho công tác khám, chữa bệnh, cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo An sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, với mục tiêu BHYT toàn dân còn nhiều khó khăn, thách thức cũng như một số vấn đề nảy sinh cần được nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện chính sách. Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành và BHXH Việt Nam rà soát và sửa đổi, bổ sung Luật BHYT và các văn bản liên quan, đồng thời tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ xây dựng chính sách và quản lý BHYT.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Hàn Quốc là một trong 04 nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân chỉ sau 12 năm thực hiện với mức độ bao phủ 96% dân số. Nếu tính cả nhóm dân số được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn chi phí khám, chữa bệnh thì gần 100% dân số Hàn Quốc đã được BHYT bao phủ. Vì vậy, những kinh nghiệm, nghiên cứu chính sách BHYT của Hàn Quốc là rất quý báu để chúng ta tham khảo, vận dụng trong điều kiện thực tế của Việt Nam. Được sự đồng ý của hai Chính phủ, Bộ Y tế và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), sau 02 năm thực hiện dự án “Nâng cao năng lực xây dựng chính sách và quản lý BHYT” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đạt được mục tiêu đề ra, những kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở quan trọng đóng góp vào sự phát triển chính sách BHYT tại Việt Nam. Thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của Hàn Quốc, tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam thực hiện thành công BHYT toàn dân.
Báo cáo tư vấn chính sách BHYT tại Việt Nam, Ông Yang In Seok, chuyên gia Cơ quan BHYT Hàn Quốc (NHIS) phân tích: Thách thức để thực hiện BHYT toàn dân tại Việt Nam là việc mở rộng phạm vi bao phủ, cụ thể là quản lý đối tượng, chống lựa chọn ngược, thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh về đầu tư tài chính cho y tế, ngăn ngừa tình trạng người bệnh BHYT chỉ được sử dụng các dịch vụ thông thường; mở rộng khả năng đáp ứng dịch vụ y tế; cải thiện chất lượng dịch vụ thông qua điều chính giá dịch vụ, giám gánh nặng chi từ tiền túi cá nhân; nâng cao hiệu quả quản lý. Để giải quyết vấn đề này, ông Yang In Seok đề xuất cần đơn giản hóa thành 05 nhóm đối tượng vào năm 2014 thay vì chia ra 25 nhóm đối tượng như hiện nay. Để chống lựa chọn ngược ông Yang In Seok cho rằng: cần quy định quyền tham gia và trách nhiệm phải đóng BHYT với mọi công dân; có quy định bắt buộc đối với hệ thống thu phí trong các trường hợp không tự giác đóng phí, nâng cao tuân thủ pháp luật. Đồng thời, cải cách cơ chế hỗ trợ kinh phí với mục tiêu mở rộng bao phủ và công bằng; giảm gánh nặng đóng góp với người phụ thuộc đối với người lao động; cải cách quyền lợi và quy định về cùng chi trả; sửa đổi phương thức định suất như xây dựng phương pháp tính suất phí, công thức tính cần phải quan tâm đến các yếu tố (giới tính, tuổi, địa bàn thường trú, bệnh tật… thay thế cho cách tính hiện nay chỉ đơn thuần quan tâm đến nhóm đối tượng; cải cách hệ thống giám định như xây dựng tiêu chí giám định và mẫu yêu cầu thanh toán chuẩn, thay đổi hệ thống giám định từ tại chỗ sang hệ thống giám định chuyên gia; điều chỉnh tỷ lệ chia sẻ mức đóng, cải cách về quản lý điều hành hệ thống.
Tại hội thảo, đại diện Vụ BHYT, Bộ Y tế và các chuyên gia Cơ quan BHYT Hàn Quốc (NHIS) đã báo cáo việc triển khai, kết quả thực hiện Dự án của Bộ Y tế; tư vấn chính sách BHYT tại Việt Nam; đánh giá chính sách BHYT tại Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu thảo luận, chia sẻ, trao đổi các vấn đề thực hiện chính sách BHYT tại hai nước./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...