Sửa Luật BHYT: Quyền lợi của người tham gia được mở rộng hơn

28/11/2013 09:28 AM


Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vừa được Chính phủ trình Quốc hội (được Quốc hội thảo luận vào tuần này) sẽ có rất nhiều thay đổi liên quan đến chính sách y tế dành cho người bệnh. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, xung quanh dự luật rất quan trọng này.


- Phóng viên: Thưa bà, sửa Luật BHYT lần này, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng và tăng lên như thế nào?

Bà TRƯƠNG THỊ MAI: Mục tiêu của việc sửa Luật BHYT lần này là khắc phục những tồn tại trong thực hiện Luật BHYT năm 2009. Quan trọng hơn là chúng ta tiếp tục quan tâm tới quyền lợi của người tham gia BHYT. Mở rộng độ bao phủ của BHYT hơn, tạo cơ hội tốt hơn để người dân (khoảng 30% dân số) chưa tham gia BHYT sẽ tham gia.

Mặt khác, với gói dịch vụ y tế cơ bản, chúng ta cũng sẽ mở rộng thêm một số bệnh được chi trả. Ví dụ như Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này bãi bỏ việc BHYT không thanh toán cho người gây tai nạn giao thông. Điều đó là rất phù hợp với thực tế, vì từ trước đến nay chúng ta gộp việc gây tai nạn giao thông và chữa trị cho họ là không đúng. Họ gây tai nạn thì phải bồi thường thậm chí bị bỏ tù, nhưng về quyền lợi người tham gia BHYT thì họ vẫn phải được chi trả chi phí chữa trị. Hai vấn đề đó hoàn toàn khác nhau nên không được gộp chung với nhau. Như vậy, quyền lợi đối với người tham gia BHYT sẽ được bảo đảm hơn. Họ sẽ được tạo cơ hội tham gia BHYT để khi có ốm đau bệnh hoạn được BHYT chi trả. Ngoài ra, thủ tục khám chữa bệnh BHYT sẽ thuận lợi hơn cả về khám trái tuyến, vượt tuyến, cấp cứu. Quyền lợi đăng ký khám chữa bệnh BHYT của người dân cũng sẽ thuận lợi hơn.

- Dự thảo do Chính phủ trình sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc” nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT. Đây là trách nhiệm xã hội để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Tuy nhiên, qua thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng quy định đó là khó khả thi?

Chính phủ trình là vậy nhưng thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nói là không nên dùng từ bắt buộc. Bởi đối với Việt Nam, bây giờ mà yêu cầu BHYT bắt buộc cũng không có chế tài gì để xử lý, nên sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và tính khả thi của BHYT bắt buộc. Điều quan trọng là chúng ta vận động người dân chưa tham gia BHYT sẽ tham gia. Bởi thế, quan điểm của ủy ban là Chính phủ nên đi theo hướng có cơ chế khuyến khích và vận động để người dân tham gia BHYT. Như vậy sẽ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam hơn.

- Hiện nay, quỹ kết dư của BHYT hiện khá lớn (đến nay kết dư gần 13.000 tỷ đồng) và có hiện tượng, nhiều tỉnh nghèo do hạn chế về dịch vụ y tế nên quỹ kết dư lớn, phải chuyển kết dư về quỹ trung ương để phân bổ cho tỉnh khác gây bất bình đẳng giữa các địa phương. Lần sửa Luật BHYT tới đây có khắc phục được điều này?

Lần này sửa luật sẽ xử lý quỹ kết dư tốt hơn. Mặt khác, những tỉnh bị bội chi quỹ BHYT lớn sẽ phải có quy định trách nhiệm để họ có trách nhiệm lớn hơn. Ủy ban đang đề xuất đối với những tỉnh nhiều năm liền bội chi quỹ BHYT lớn thì UBND tỉnh phải tham gia một phần ngân sách để bù vào bội chi. Mặt khác, những tỉnh có kết dư nhiều sẽ được để lại một phần kết dư phù hợp để tái đầu tư cho việc khám, chữa bệnh của địa phương.

- Vừa qua, một số ý kiến của ĐBQH đề nghị nên chăng có quy định về mức hưởng BHYT bình quân/năm để khuyến khích người dân tham gia BHYT. Bà nghĩ sao về điều này?

Cơ chế này chúng ta sẽ tính toán tiếp. Những người nào tham gia BHYT liên tục nhiều năm sẽ được hưởng quyền lợi BHYT tốt hơn so với những người tham gia ngắn hạn, ít năm. Chúng ta phải có nhiều cơ chế để khuyến khích người dân liên tục tham gia BHYT nhiều năm để được hưởng quyền lợi tốt hơn.

- Dự luật của Chính phủ trình Quốc hội bỏ quy định cùng chi trả 5% với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; hạ tỷ lệ cùng chi trả với hộ cận nghèo, thân nhân người có công từ 20% xuống 5%. Ý kiến của ủy ban như thế nào?

Vấn đề này vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, ủy ban thấy rằng, qua 4 năm triển khai Luật BHYT, việc thực hiện cùng chi trả đã dần ổn định, góp phần chống lạm dụng quỹ BHYT và bảo đảm an toàn quỹ. Tuy nhiên, mức cùng chi trả đối với người nghèo, một bộ phận thân nhân người có công chưa hợp lý. Do đó, quy định các đối tượng này cùng ở mức chi trả 5% sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên, để khắc phục việc người nghèo khó khăn khi cùng chi trả 5%, nên quy định theo hướng sử dụng quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo ở địa phương cùng chi trả 5% để hỗ trợ người nghèo. Quy định này cũng sẽ góp phần tránh lạm dụng quỹ BHYT.

Cùng với đó, về quy định mức tối đa cùng chi trả khám, chữa bệnh BHYT, chúng tôi tán thành với dự thảo do Chính phủ trình. Theo đó, quy định mức cùng chi trả tối đa/năm và gắn với số năm tham gia BHYT liên tục, khi vượt quá mức này thì người bệnh không phải thực hiện cùng chi trả. Như vậy sẽ bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT mắc các bệnh mạn tính, gặp khó khăn trong điều trị bệnh, giúp họ không rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo. Đồng thời, căn cứ vào khả năng bảo toàn quỹ, Chính phủ sẽ quy định mức trần hợp lý. Điều này cũng phù hợp với thực tế hiện nay, dịch vụ kỹ thuật y tế và thuốc ngày càng hiện đại, hiệu quả, đã cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo nhưng giá cả cũng cao hơn nhiều. Vì vậy, bệnh nhân BHYT thuộc diện cùng chi trả 20% chi phí cũng phải trả nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, nếu số cùng chi trả quá lớn, vượt khả năng bệnh nhân thì BHYT sẽ mất ý nghĩa bảo vệ của chính sách BHYT.

- Còn vấn đề thanh toán khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến sẽ như thế nào, thưa bà?

Theo dự luật, sẽ chi trả cho trường hợp khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến với các ca bệnh điều trị nội trú, còn với người đi khám ngoại trú thì quỹ BHYT chỉ chi trả một số bệnh, mức chi cụ thể giao cho Chính phủ quy định. Chúng tôi tán thành điều này, vì theo quy định của Luật BHYT, Chính phủ đã ban hành quy định cho phép quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến (cả nội, ngoại trú) theo mức 70%, 50%, 30% (tùy hạng bệnh viện). Sau 4 năm thực hiện quy định này, tình trạng vượt tuyến tăng nhanh, từ 3 triệu lượt (2010) lên 9,5 triệu lượt (2011) và 11,6 triệu lượt (2012). Tình trạng này, một mặt do nhu cầu của người bệnh, mặt khác, các bệnh viện tuyến trung ương do thực hiện tự chủ và chủ yếu thanh toán theo cơ chế phí dịch vụ nên đã nhận điều trị cả các loại bệnh thông thường để tăng nguồn thu cho bệnh viện, gây nên tình trạng quá tải (nhiều nơi là quá tải ảo). Quy định về khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến cũng làm phát sinh cơ chế xin/cho để được chuyển viện ở các bệnh viện tuyến dưới. Tuy vậy, cũng cần phải lưu ý đến quyền của người có thẻ BHYT, khi có bệnh muốn được hưởng dịch vụ y tế tin cậy hơn, dù phải cùng chi trả nhiều hơn. Do đó, chỉ thu hẹp phạm vi chi trả như Chính phủ trình là hợp lý.

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng