An toàn cho lao động tự do bị xem thường

26/11/2013 08:48 AM


Không hợp đồng lao động, không bảo hiểm y tế, không được tập huấn các kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn lao động, ngay thiết bị bảo hộ lao động cũng không có…, việc đảm bảo an toàn lao động đối với các lao động tự do trở thành một thứ xa xỉ. Vụ 6 công nhân tử vong tại đám cháy trong Zone 9 mới đây chỉ là một trong những hệ quả tất yếu của thực trạng này.


Một nạn nhân bị tai nạn lao động được cấp cứu tại BV Việt Đức

Tai nạn gia tăng

Thời điểm cuối năm là lúc các công trình xây dựng, các dự án đầu tư, các ngành nghề kinh doanh gấp rút hoàn thành tiến độ nên số lao động tự do, lao động thời vụ tăng cao. Thông thường, đây cũng chính là lúc mà số vụ tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất trong năm. Tính riêng tại Khoa Cấp cứu – BV Việt Đức, thời gian này hầu như ngày nào cũng tiếp nhận trên 10 ca tai nạn lao động, nhiều nhất là tai nạn trong lĩnh vực xây dựng. Chẳng hạn như ngày 7-11 vừa qua, Khoa này tiếp nhận cùng lúc 3 công nhân bị chấn thương nghiêm trọng do mảng bê tông và gạch vữa rơi vào người trong lúc lắp đặt cửa kính tại một công trình xây dựng trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Đáng chú ý, chiếm tỷ lệ cao trong số các nạn nhân bị tai nạn lao động là những người lao động tự do hoặc lao động thời vụ. Đến BV Việt Đức thăm hỏi 2 công nhân xây dựng bị tai nạn do ngã giàn giáo đang điều trị tại đây, kỹ sư Nguyễn Viết Bình, nhân viên kỹ thuật cho một công trình xây dựng trên địa bàn quận Hoàng Mai của nhà thầu thuộc công ty Tracoxim cho biết, công trình đang thuê nhiều thợ xây, phụ hồ vào làm việc thời vụ. Trò chuyện với chúng tôi bên hành lang BV, kỹ sư này cho biết, không riêng công nhân thời vụ mà ngay cả cán bộ kỹ thuật như anh cũng chưa biết đến hợp đồng lao động của công ty ra sao. Do chỉ vào làm việc theo thỏa thuận miệng với chủ thầu nên khi hết việc là cũng hết lương, không có chế độ gì, còn khi chẳng may gặp tai nạn cũng không rõ sẽ được đối xử thế nào.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra, cả nước hiện có 54 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng chỉ có khoảng 15 triệu người có hợp đồng lao động. Tổng hợp nhanh số liệu về tai nạn lao động của Bộ này cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra 370 vụ tai nạn lao động gây chết người, với tổng số 412 người thiệt mạng. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ tai nạn chết người tăng 1%, số người chết tăng 5%. Trên thực tế, số vụ tai nạn lao động gây chết người chắc chắn còn cao hơn nhiều lần.

Lỗi do cả hai bên

Trao đổi với ANTĐ ngày  21-11, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, so với lao động có hợp đồng thì những lao động tự do bị thiệt thòi hơn nhiều về chế độ, chính sách, cũng như việc đảm bảo đầy đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn lao động. Tuy nhiên, phần do ý thức kém, nhận thức hạn chế, phần vì miếng cơm manh áo, họ vẫn phải chấp nhận làm việc. Điều quan trọng hơn, từ số vụ tai nạn lao động chết người gia tăng đã gióng lên lời cảnh báo về việc chấp hành pháp luật lao động của các chủ sử dụng lao động chưa tốt. Tình trạng doanh nghiệp vi phạm các quy định về pháp luật lao động như trốn tránh ký hợp đồng với người lao động, sử dụng các trang thiết bị lao động thiếu an toàn, không tập huấn kiến thức hay trang bị phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động… còn khá phổ biến.

Cụ thể như với vụ cháy quán bar tại Zone 9, ông Nguyễn Anh Thơ phân tích, lỗi trực tiếp là do các lao động hàn xì vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, bản thân họ cũng không ý thức và lường trước được những hậu họa có thể xảy đến. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là các công nhân hàn được thuê mướn đã không được đào tạo bài bản, không được tập huấn kiến thức về an toàn lao động hay hướng dẫn kỹ năng xử lý, thiếu các thiết bị bảo hộ lao động, thiết bị phòng cháy chữa cháy cần thiết... Vì thế, dù đám cháy không lớn nhưng hậu quả lại quá nghiêm trọng, 6 người thiệt mạng vì bị ngạt khói.

Để chấn chỉnh tình trạng này, ngay sau vụ cháy tại quán bar Zone 9, Bộ LĐ-TB&XH đã có công điện đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và rà soát, hoàn thiện quy phạm pháp luật, đặc biệt là hệ thống quy chuẩn quốc gia về an toàn lao động. Ông Nguyễn Anh Thơ cho biết, tới đây Bộ LĐ-TB&XH sẽ đưa ra danh mục nhà xưởng, công trình khu vực vui chơi giải trí dễ xảy ra vi phạm an toàn cháy nổ để quy định trách nhiệm cụ thể đối với chủ sử dụng lao động. Nếu vi phạm, theo quy định mới, đơn vị sử dụng lao động có thể bị phạt tới… 100 triệu đồng.

Hỗ trợ gia đình người bị nạn trong vụ cháy

Ủy ban MTTQ TP Hà Nội vừa quyết định hỗ trợ các nạn nhân bị chết, bị thương do hoả hoạn tại quán bar Zone 9 (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng).  Ủy ban MTTQ TP trích từ Quỹ “Cứu trợ” TP Hà Nội 50 triệu đồng để hỗ trợ các nạn nhân bị chết, bị thương với các mức cụ thể: 6 người chết mỗi trường hợp được hỗ trợ 5 triệu đồng; 10 người bị thương mỗi trường hợp được hỗ trợ 2 triệu đồng. Số tiền trên được chuyển về Ủy ban MTTQ quận Hai Bà Trưng để phối hợp với chính quyền địa phương triển khai kịp thời giúp các gia đình khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Cũng trong chiều 21-11, UBND TP đã đồng ý đề xuất của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội trợ giúp gia đình các nạn nhân tử vong tại vụ cháy với mức 4,5 triệu đồng/người.

Theo Báo An ninh thủ đô