Bóc trần hành vi "rút ruột" BHXH bằng... phiếu nghỉ ốm (kỳ 2)

15/11/2013 09:22 AM


Đại diện Phòng khám Ng.H nói, có người của Công ty Freetrend gạ bán danh sách công nhân với giá 10 triệu, nhưng ông đã từ chối. Với danh sách như thế, một số phòng khám có thể sẽ dựa vào để lập hồ sơ khống lấy tiền thanh toán khám BHYT.

Kỳ 2: Có sự tiếp tay của nhân viên công ty?

Một nhân viên Công ty TNHH Freetrend thừa nhận đã lập khống một số chứng từ nghỉ ốm để hưởng tiền BHXH phải chi trả. Đồng thời, lợi dụng số lượng công nhân lên đến hàng chục nghìn người tại công ty mình, nhân viên này đã có dấu hiệu tuồn danh sách công nhân kèm thông tin bảo hiểm ra cho các phòng khám.


Tiếp nhận đăng ký khám BHYT tại Phòng khám đa khoa Việt Nguyễn (Dĩ An, Bình Dương)

Khi thấy số phiếu nghỉ ốm tăng bất thường, Công ty TNHH Freetrend (Khu chế xuất Linh Trung 1, Q.Thủ Đức, Tp.HCM) đã tiến hành xác minh chứng từ trong các tháng 9, 10/2013. Qua đó, phát hiện hàng chục trường hợp công nhân chỉ nghỉ phép thông thường nhưng đã được “phù phép” thành nghỉ ốm với đầy đủ các phiếu C65 do Phòng khám đa khoa Việt Nguyễn (Dĩ An, Bình Dương) cấp.

Bán thông tin bảo hiểm của công nhân

Theo thú nhận ban đầu của T.N - nhân viên phụ trách BHXH xưởng FVL, thuộc Phòng Nhân sự Công ty Freetrend - vào tháng 9/2013, do nợ nần kéo dài, quá túng quẫn, cô này đã nghĩ cách chuyển 21 trường hợp công nhân nghỉ phép thông thường thành phép ốm nhằm lấy tiền BHXH.

Phòng khám Việt Nguyễn đã đồng ý cấp khống 21 phiếu C65 để N đưa vào danh sách ốm đau của xưởng. Tổng số tiền mà BHXH phải chi trả cho các trường hợp khống trên là hơn 11,7 triệu đồng.

Thông thường, số tiền trên phải đến tay công nhân có tên trong danh sách nghỉ ốm qua hệ thống ATM. Nhưng N đã “điều nghiên” khá kỹ, khi tất cả 21 trường hợp này đều là người mới vào làm, chưa có tài khoản ngân hàng. Thế là, với cương vị nhân viên phụ trách BHXH của xưởng, N đã đi nhận tiền thay cho họ từ kế toán công ty và chiếm đoạt luôn.

N còn cho biết, cùng với việc lập hồ sơ nghỉ ốm khống, cô còn mang danh sách công nhân của công ty với thông tin về mã thẻ BHYT đến Phòng khám Việt Nguyễn và Phòng khám Ng.H (cũng ở Dĩ An, Bình Dương) đề nghị “hợp tác”.

Theo lời N, các đơn vị này đã từ chối. Tuy nhiên, điều này khá trùng hợp với thời điểm mà số phiếu nghỉ ốm của Công ty Freetrend bắt đầu tăng chóng mặt kể từ tháng 9.

N nói không nhớ mình đã đề nghị “hợp tác” gì với các phòng khám(?), nhưng nhận đã cho chép danh sách công nhân vào máy tính của Phòng khám Ng.H. Chúng tôi thắc mắc tại sao chưa thỏa thuận được gì mà đã cho chép dữ liệu, N thở dài: “Bởi vậy em mới ngu, chưa nhận tiền mà đã đưa danh sách cho người ta”.

Đại diện Phòng khám Ng.H xác nhận với chúng tôi, có người của Công ty Freetrend gạ bán danh sách công nhân với giá 10 triệu đồng nhưng ông đã từ chối. Theo ông này, với danh sách tên, mã thẻ như thế, một số phòng khám có thể sẽ dựa vào để lập hồ sơ khống lấy tiền thanh toán khám BHYT.

Hiện N và 2 kế toán viên đã đồng ý để N nhận tiền thay cho công nhân đã bị buộc thôi việc. Tuy nhiên, hành vi của N chỉ mới xảy ra hay đã kéo dài từ lâu, còn có sự tiếp tay nào khác hay N chỉ thực hiện một mình và có chắc rằng chỉ có một trường hợp nhân viên công ty làm điều sai trái như N? Chỉ khi nào cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc điều tra, các câu hỏi này mới có thể sáng tỏ và tránh được những thất thoát cho Nhà nước.

Chi nghỉ ốm gần 5 tỷ đồng/tháng

Bà Ngô Lợi Lợi - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Freetrend - cho biết, công ty bà hiện có hơn 22 nghìn công nhân làm việc tại KCX Linh Trung 1, trong đó có khoảng 18 nghìn công nhân nữ.

Trung bình mỗi tháng công ty phải đóng 18 tỷ đồng BHXH theo quy định. Cũng trung bình mỗi tháng, tại đây có khoảng 800 ca thai sản, 6.000 phiếu nghỉ ốm và số tiền mà công ty phải chi cho công nhân nghỉ ốm là khoảng 5 tỷ đồng/tháng. Số tiền này sau mỗi quý sẽ được BHXH Tp.HCM thanh toán lại.

Riêng tháng 9 và 10 vừa qua, do có sự tăng gần 1.000 phiếu nghỉ từ Phòng khám Việt Nguyễn như đã nói, nên số phiếu nghỉ của 2 tháng này thành hơn 7.000 phiếu mỗi tháng. Số tiền mà BHXH phải chi cho nghỉ ốm chắc chắn sẽ cao hơn con số 5 tỷ đồng.

Chính bà Lợi cũng cho rằng con số nghỉ ốm trên là khá cao so với các đơn vị của cùng công ty đóng trên địa bàn khác. Ví dụ tại nhà xưởng ở Tiền Giang, có khoảng 14.000 công nhân, mà trung bình mỗi tháng chỉ chừng 1.000 phiếu nghỉ ốm. Theo bà, sở dĩ có sự chênh lệch lớn này là do các cơ sở y tế tại Tiền Giang và Long An (thường là bệnh viện công) cấp phiếu nghỉ ốm rất nghiêm túc, hạn chế được rất nhiều trường hợp giả bệnh để nghỉ.

Còn tại nhà xưởng ở KCX Linh Trung 1, công ty không thể làm gì hơn, phải chấp thuận khi công nhân có phiếu nghỉ ốm do đơn vị y tế cấp.

Nguồn: danviet.vn