Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: BHYT giúp người bệnh không rơi vào bẫy nghèo đói
15/11/2013 04:05 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong tuần làm việc thứ 3, Quốc hội đã bàn về nhiều vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu và cử tri. Liên quan đến lĩnh vực y tế, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách BHYT giai đoạn 2009 - 2012.
Gần 70% dân số tham gia BHYT là sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân
Trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tính đến hết năm 2012, tổng số người tham gia BHYT là 59,3 triệu, tăng 9 triệu người so với năm 2009, đạt tỷ lệ bao phủ 67% dân số. Từ năm 2010 - 2012 quỹ BHYT tiếp tục cân đối thu chi và có kết dư, góp phần tạo ra nguồn tài chính ổn định cho công tác khám bệnh, chữa bệnh. Cùng đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc” nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT.
Đây là trách nhiệm xã hội để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Dự thảo Luật đã sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT; bổ sung quy định giảm dần mức đóng BHYT khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT; sửa đổi quy định đối tượng được thanh toán chi phí vận chuyển thống nhất với đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bao gồm: người có công với cách mạng; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009 - 2012 do Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày đã đánh giá, giai đoạn 2009 - 2012, tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 58,2% (2009) lên 66,8% (2012). Như vậy, sau 4 năm thực thi Luật, đã có thêm 8,6% dân số tham gia BHYT, tương đương 9,24 triệu người, bình quân tăng 2,8%/ năm. Có 21 tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng trên 15%. Nhiều tỉnh cơ bản đã đạt được BHYT toàn dân (Bắc Kạn gần 100%, Lai Châu 99%, Hà Giang 96%, Lào Cai 95%, Hòa Bình 93%,...) Cùng với chính sách mở rộng đối tượng được ngân sách hỗ trợ tham gia BHYT (người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, nhân dân ở vùng biển đảo...) và với mức thu nhập bình quân đầu người là 1.749USD/người/năm (2012), việc đạt được tỷ lệ gần 70% dân số tham gia BHYT là sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Kết quả đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe và giúp cho nhiều người dân không bị rơi vào bẫy nghèo đói khi bị ốm đau, bệnh tật. Trên thế giới, nhiều nước có điều kiện kinh tế và thu nhập cao hơn Việt Nam nhưng cũng chưa đạt được tỷ lệ dân số tham gia BHYT như Việt Nam.
Thu hút người dân tham gia BHYT bằng chất lượng dịch vụ y tế
Tại phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, BHYT toàn dân là mục tiêu phải hướng tới. Đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, để hướng tới BHYT toàn dân, việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT cần phải đảm bảo thực hiện tốt 3 yếu tố và đảm bảo bao phủ cả chiều rộng, chiều sâu và chiều cao. Để đạt được mục tiêu đó thì phải sửa đổi Luật BHYT theo hướng quy định việc tham gia BHYT theo hộ gia đình và nhà nước có cơ chế hỗ trợ khi toàn bộ thành viên trong gia đình tham gia BHYT. Luật cũng cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT. Đây chính là vấn đề mấu chốt trong việc thu hút người dân tham gia BHYT.
Liên quan đến vấn đề kết dư quỹ BHYT, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn TP. Đà Nẵng) cho rằng, quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng để bổ sung cho những địa phương bội chi. Nguồn quỹ này hình thành từ 10% số thu BHYT và 40% kết dư trong năm cho các địa phương có kết dư chuyển về BHXH Việt Nam. Trên thực tế, tại các tỉnh miền núi do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, xa bệnh viện, dù có bệnh nhưng người dân cũng ít đến bệnh viện nên quỹ BHYT kết dư cao, còn tại các thành phố lớn thì bội chi quỹ. Điều này có nghĩa người nghèo tham gia BHYT để bù đắp chi khám bệnh cho người giàu, đây là một nghịch lý khó chấp nhận. Đại biểu đã đề nghị số tiền kết dư cần được đầu tư trở lại cho các địa phương để tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp kỹ thuật y tế, mua sắm phương tiện vận chuyển để người dân được hưởng lợi một cách công bằng.
Theo Báo SK&ĐS
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...