Khởi động Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội

31/10/2013 08:10 AM


Đó là tên gọi của Hội thảo do Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức tại Hà Nội, ngày 28/10/2013. Tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, bà Brrigitte Koller – Cố vấn trưởng Dự án an sinh xã hội – GIZ cùng đại diện một số bộ, ngành liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế.


Khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 1/1/2012 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao chủ trì xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội. Hội thảo “Khởi động đề án sơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội” được tổ chức hôm nay là nhằm tham vấn, xin ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo, tổ nghiên cứu, các chuyên gia hoàn thiện dự thảo Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia an sinh xã hội, từ đó xây dựng một Hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu quốc gia về án sinh xã hội một cách tổng thể, đồng bộ và thông suốt giữa các cấp, các đơn vị có liên quan đảm bảo tính chính xác, kịp thời, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và cũng tạo nguồn tài chính cho phát triển kinh tế của đất nước.

Những năm qua, công tác đảm bảo an sinh xã hội là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội. Sau 10 năm đổi mới, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đã trở thành công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc bảo đảm sự an toàn cho mọi thành viên xã hội khi gặp rủi ro hoặc giảm sút về kinh tế; điều tiết phân phối thu nhập bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội; bảo đảm sự ổn định, lành mạnh về xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi xây dựng và triển khai các chương trình an sinh xã hội thì Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu luôn có vai trò hết sức quan trọng. Mặc dù đã có nhiều khá nhiều Hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan được các bộ, ngành, cơ quan triển khai nhưng nhìn chung vẫn chưa hoàn thiện, còn mang tính chất đơn lẻ, thiếu tính tổng thể và gắn kết với các địa phương cũng như kết nối với các bộ, ngành, đơn vị khác…

Cụ thể nói, về thực trạng cơ sở dữ liệu giảm nghèo, bà Lều Thị Minh Hạnh, chuyên viên Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho biết hiện đã tổ chức tập huấn, chuyển giao phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các địa phương trên toàn quốc thực hiện. Nhiều địa phương đã phát triển phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cơ sở phần mềm chung của cả nước, phù hợp với đặc thù và nhu cầu quản lý của địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát thực hiện công tác giảm nghèo từ cấp trung ương đến địa phương (giai đoạn 2006-2010) cũng đã được xây dựng và được các cơ quan thực hiện chính sách cập nhật và theo dõi thường xuyên; giai đoạn 2012-2015 đang nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu này. Ngoài ra, phần mềm quản lý dữ liệu thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo cũng đang được nghiên cứu xây dựng. Nhìn chung, những số liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm được rà soát, cập nhật đầy đủ và được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo hàng năm làm cơ sở để thực hiện các chính sách giảm nghèo cũng như các chính sách an sinh xã hội khác.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại là công tác quản lý số liệu thực hiện chính sách giảm nghèo phân tán ở các cơ quan khác nhau (y tế, giáo dục, nhà ở, tính dụng…); sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp các số liệu liên quan về thực hiện các chính sách giảm nghèo; hệ thống chỉ tiêu số liệu báo cáo còn thiếu như các chỉ tiêu về giới, dân tộc, khu vực; Tính năng sử dụng của phần mềm quản lý số liệu còn hạn chế (kén máy, không thể truy cập từ cấp huyện, tỉnh); Chưa có phần mềm quản lý số liệu về thực hiện từng chính sách giảm nghèo; Hệ thống cơ sở vật chất cấp cơ sở, cấp xã) còn thiếu (chưa có máy tính để cập nhật số liệu); Năng lực cán bộ cấp xã còn yếu trong việc sử dụng các phần mềm quản lý dữ liệu, bên cạnh đó cán bộ giảm nghèo xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi.

Hay về thực trạng cơ sở dữ liệu về người có công, ông Đào Ngọc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Người có công cho biết hiện Cục có các phần mềm Quản lý thông tin về người có công được xây dựng và áp dụng từ năm 1997, phần mềm Quản lý tài chính trợ cấp ưu đãi người có công năm 2004, song việc ứng dụng các phần mềm này đã trở nên lỗi thời và không tương thích với các công nghệ mới. Ngoài ra, năm 2010, Cục đã xây dựng thêm phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu về mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ; năm 2011 có thêm phần mềm quản lý giám định AND xác định hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, hiện Cục Người có công chưa có bộ phận chuyên trách trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu về người có công. Tại các địa phương, việc bố trí cán bộ thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về người có công còn chưa được quan tâm. Hệ cơ sở dữ liệu người có công tại hầu hết các địa phương đều đã trở nên lỗi thời, thông tin về người có công đã trở nên lạc hậu.

Hay về cơ sở dữ liệu cung lao động, đến nay đã có được bộ cơ sở dữ liệu gốc về thị trường lao động – phần Cung lao động, dữ liệu được cập nhật hàng năm và đặt tại máy chủ của trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường lao động, từ đó hình thành bộ cơ sở dữ liệu Cung lao động hoàn chỉnh tại Việt Nam. Tuy nhiên nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm đến công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường lao động, chưa bố trí hay bố trí ít kinh phí cho công tác ghi chép, cập nhật cơ sở dữ liệu thị trường lao động. Các phần mềm thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu thị trường lao động của trung ương, địa phương và các cơ quan liên quan.

Trình bày một số ý tưởng xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia an sinh xã hội, ông Nguyễn Văn Hồi cho biết: Đề án sẽ được thực hiện trong thời gian từ 2014-2030, tập trung vào các nội dung, nhiệm vụ chính sau: Xây dựng chính sách, quy định chuẩn hóa bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về an sinh xã hội; Xây dựng Bộ mã số an sinh xã hội dựa trên nền tảng mã số công dân; Xây dựng cơ sở dữ liệu chủ đề và các HTTT thành phần cung cấp dữ liệu cho cơ sở dữ liệu chủ đề trong quốc gia về an sinh xã hội; Đảm bảo cơ sở hạ tầng triển khai hệ thống; và chuẩn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý vận hành Hệ thống an sinh xã hội. Trên cơ sở các phân tích mô hình triển khai, dự kiến đưa ra hai mô hình cơ sở dữ liệu để lựa chọn, đó là:

Mô hình 1: Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý (MIS) cấp quốc gia về an sinh xã hội dưới dạng dự án tổng thể tích hợp các hệ thống đã và đang xây dựng. Với mô hình này, các cơ sở dữ liệu lao động, việc làm – dạy nghề - bảo hiểm – trợ giúp đặc biệt – trợ giúp xã hội và giảm nghèo sẽ được thiết kế, quản lý tập trung tại trung ương. Các dữ liệu tác nghiệp sẽ được lưu trữ, quản lý ở địa phương và được đồng bộ, cung cấp cho cơ sở dữ liệu quốc gia qua hệ thống kết nối, trao đổi thông tin.

Mô hình 2: Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội chỉ là tập hợp thông tin mang tính tổng hợp về an sinh xã hội cấp trung ương phục vụ phân tích thống kê và được xây dựng, tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu theo các chủ đề dữ liệu thuộc lĩnh vực quản lý về an sinh xã hội. Các cơ sở dữ liệu chủ đề sẽ được trích xuất, làm sạch từ cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành (được các bộ, ngành xây dựng) về lao động, việc làm – dạy nghề - bảo hiểm – trợ giúp đặc biệt – trợ giúp xã hội và giảm nghèo và quản lý tập trung (tại Trung tâm THDL quốc gia về an sinh xã hội) và phân tán tại các đơn vị. Các bộ, ngành, địa phương có một Hệ thống thông tin riêng và các hệ thống này được liên liên kết, tích hợp với Cơ sở liệu quốc gia về an sinh xã hội thành một tổng thể thống nhất thông qua bộ mã số về an sinh xã hội để đồng bộ hóa, kết hợp hoạt động online và ofline với Trung tâm THDL về an sinh xã hội./.

Theo Tạp chí LĐXH