Thất nghiệp vì chọn nghề theo cảm tính

18/04/2014 09:11 AM


Con số 72.000 cử nhân, thạc sĩ không có việc làm trong số 900.000 người thất nghiệp mà Tổng cục Thống kê công bố cuối năm 2013 đã khiến không ít người giật mình, lo lắng. Do đâu mà sau bao “khổ luyện” để vượt qua cánh cổng của kỳ thi đại học - kỳ thi luôn được xem là cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp học hành của mỗi học sinh, những cử nhân đó lại “trắng tay” và nằm trong danh sách thất nghiệp của xã hội?


Công tác hướng nghiệp sẽ giúp học sinh đưa ra quyết định lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường bản thân.

Câu trả lời dễ nhận thấy nhất là kiến thức ngành học chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, cũng như năng lực bản thân không phù hợp với ngành học mà họ lựa chọn. Tuy nhiên, để có lời giải xác đáng ấy, họ đã phải “trả” một cái giá không nhỏ là công sức, thời gian và tiền của đã bỏ ra.

Đứng trước ngưỡng cửa đại học, nhiều học sinh lựa chọn nghề hoàn toàn theo cảm tính do thiếu kiến thức thực tế về yêu cầu công việc và nhu cầu của thị trường lao động. Họ suy nghĩ về nghề nghiệp khá đơn giản rằng học y, học dược thì sẽ trở thành bác sĩ, học kinh tế sẽ làm kinh doanh… nhưng đòi hỏi xã hội lại không đơn giản như vậy. Một sinh viên được đào tạo về kinh tế, tài chính hoặc ngân hàng có thể giữ nhiều vị trí khác nhau trong các tổ chức kinh tế, có thể làm các việc liên quan đến tín dụng, quản trị rủi ro, tài trợ thương mại, nguồn vốn hay thẩm định… Do đó, học sinh, sinh viên phải tìm hiểu hoặc tiếp cận với các nguồn thông tin để hiểu rõ vị trí cụ thể mà mình sẽ làm khi ra trường là gì, để có sự lựa chọn, cân nhắc phù hợp, chứ không đơn giản là chỉ biết học như hiện nay.

Dù công tác hướng nghiệp cho học sinh hiện nay đã được đẩy mạnh nhưng có lẽ chưa thực sự hiệu quả bởi tỷ lệ cử nhân thất nghiệp chưa có dấu hiệu giảm. Nhưng nếu đổ lỗi hết cho hướng nghiệp thì thật “oan uổng” bởi nếu xem xét công tác đào tạo thì thấy rất rõ rằng tính áp dụng vào thực tế của chương trình học chưa cao, kiến thức còn mang nặng lý thuyết. Vấn đề đặt nặng bằng cấp khiến việc học của sinh viên chỉ mang tính đối phó sao cho đạt được kết quả cao chứ không nhằm mục đích áp dụng cho công việc trong tương lai. Hơn nữa, trong quá trình học tập, sinh viên vẫn quen với tác phong thụ động đã hằn sâu vào suy nghĩ từ khi còn phổ thông, đó là chỉ tiếp thu mà không đóng góp ý kiến hay chủ động tham gia vào bài giảng nên không tích lũy được các kỹ năng mềm cần thiết, cũng như kỹ năng trình bày, thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề hay kỹ năng làm việc theo nhóm. Trong khi đó, những kỹ năng này được các nhà tuyển dụng đánh giá là rất cần thiết trong công việc. Đó là lý do khiến sinh viên gặp khó khăn trong việc thuyết phục nhà tuyển dụng, bởi bản thân họ còn chưa hình dung được mục đích của môn học để làm gì và vai trò của nó trong thực tế.

Một lý do khác là nhiều sinh viên lựa chọn ngành học mang tính cảm tính và chạy theo xu thế, chọn trường “hot”, có danh tiếng hoặc chỉ đơn giản là “bắt chước” bạn bè. Ngoài ra, ý kiến của cha mẹ cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định chọn trường của học sinh. Nhiều cha mẹ hướng nghiệp cho con em mình không căn cứ vào các năng lực và thế mạnh của con mà chủ yếu là lựa chọn những công việc trong lĩnh vực mà phụ huynh có các mối quan hệ quen biết, từ đó đảm bảo xin cho con em mình một công việc sau khi ra trường. Hoặc cha mẹ chọn một trường phù hợp với sức học của con để tránh “mang tiếng” thi trượt đại học và học với tâm lý “cứ học” rồi ra trường “tính sau”. Trên thực tế, do tác động của cha mẹ, rất nhiều trường hợp sinh viên theo học các trường không phù hợp với năng lực, sở thích bản thân nên không có sự đam mê, học hỏi tìm tòi. Thậm chí còn gây ra tâm lý ức chế, chán nản cho các sinh viên do không được theo học ngành nghề mong muốn dẫn đến kết quả học tập không tốt hoặc phải bỏ dở chương trình đại học.

Bài toán nhà tuyển dụng không thể tìm được người lao động còn người lao động lại không thể tìm được việc làm, có lẽ khó được giải quyết khi người học cùng gia đình và nhà trường không có sự chuẩn bị và xác định đúng ngay từ bước đi đầu tiên để có thể theo được con đường mình lựa chọn với đúng năng lực, sở trường bản thân. Như vậy, câu chuyện thiếu-thừa trong tuyển dụng vẫn còn là thực trang nan giải.

Theo Báo QĐND