Chế tài và thẩm quyền xử lý vi phạm về đóng góp BHXH - Kinh nghiệm quốc tế

17/06/2014 02:12 AM


Đảm bảo An sinh xã hội cho người dân là một trong những mục tiêu hàng đầu và cũng là nhiệm vụ của tất cả các chính phủ trên thế giới. BHXH là cột trụ quan trọng của hệ thống An sinh xã hội. Chế tài và thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định BHXH nói chung và trong việc tuân thủ đóng góp BHXH của các bên tham gia là một trong những nội dung rất quan trọng đảm bảo sự bền vững tài chính cho chương trình An sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi cho người lao động và gia đình họ. Để nhiệm vụ trên được thực hiện hiệu quả, các cơ quan BHXH cần được trang bị chế tài đủ mạnh và thẩm quyền thanh tra, xử lý các vi phạm.

Nguyễn Vinh Quang

Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế, BHXH Việt Nam

Chương trình BHXH hoạt động bằng nguồn tài chính dựa trên đóng góp của các bên tham gia là mô hình tài chính BHXH dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng đang được áp dụng phổ biến trên thế giới. Các bên tham gia (chủ sử dụng lao động, người lao động) có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ BHXH để từ đó tích lũy tài chính để đảm bảo thực hiện các chế độ BHXH cho những người tham gia và gia đình họ khi gặp rủi ro xã hội, đặc biệt trong trường hợp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tàn tật, tai nạn lao động, tuổi già và chết.

Một trong những chức năng cơ bản của tất cả các chương trình BHXH dựa trên đóng góp là quá trình thu các khoản đóng góp, nó tác động trực tiếp đến sự bền vững tài chính của chương trình BHXH và ảnh hưởng đến khả năng mở rộng diện bao phủ BHXH cũng như tính khả thi của pháp luật BHXH.  Việc thu các khoản đóng góp và chế tài đảm bảo sự tuân thủ là vấn đề quan trọng sống còn đối với bất kỳ chương trình BHXH dựa trên đóng góp nào. Tuân thủ đóng BHXH sẽ đảm bảo để chương trình BHXH có được các nguồn tài chính cần thiết để hoạt động và chi trả chế độ cho người thụ hưởng. Tuân thủ đóng góp BHXH không chỉ đảm bảo bền vững tài chính của chương trình BHXH mà còn liên quan đến sự bền vững về chính trị và xã hội của hệ thống An sinh xã hội. Sự tuân thủ cao thể hiện lòng tin của công chúng đối với hệ thống An sinh xã hội và sự nghiêm minh của pháp luật. Sự tuân thủ quy định đóng BHXH còn hỗ trợ và thúc đẩy việc mở rộng diện bao phủ An sinh xã hội một cách hiệu quả, đặc biệt là khu vực kinh tế phi chính thức.

Trong hầu hết các chương trình BHXH bắt buộc dựa trên đóng góp, các bên tham gia bao gồm chủ sử dụng lao động hoặc/và người lao động có nghĩa vụ phải đóng góp vào Quỹ BHXH theo quy định luật pháp. Chủ sử dụng lao động (CSDLĐ) có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động (NLĐ), đồng thời CSDLĐ cũng trích từ lương của người lao động để đóng cho cơ quan BHXH.  Vì lý do này, các hành vi không tuân thủ, vi phạm quy định đóng BHXH thường xuất phát từ phía CSDLĐ. Sự không tuân thủ của CSDLĐ thể hiện thông qua nhiều hình thức trong đó có một số hình thức chính là không đăng ký tham gia BHXH, đăng ký giảm số người lao động thực tế thuộc diện tham gia BHXH, khai giảm mức lương làm căn cứ đóng BHXH, cố tình trì hoãn (nợ) đóng BHXH và lạm dụng tiền đóng BHXH của người lao động cho mục đích khác.

Để đảm bảo sự tuân thủ đóng góp BHXH, các quốc gia trên thế giới đặc biệt là các quốc gia có hệ thống An sinh xã hội phát triển đã xây dựng các quy định luật pháp chặt chẽ cùng với các chế tài mạnh để đảm bảo sự tuân thủ và xử lý các trường hợp vi phạm.  Các tổ chức An sinh xã hội được giao nhiệm vụ quản lý chương trình BHXH với nhiều tên gọi và cơ cấu tổ chức khác nhau (ví dụ: Tổ chức An sinh xã hội, Cơ quan Dịch vụ con người, Quỹ Phòng xa cho người lao động, Cơ quan Bảo hiểm xã hội, Cơ quan Đền bù cho người lao động…) hầu hết  đều được giao quyền trực tiếp thanh tra, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về tuân thủ quy định đóng góp BHXH. Thẩm quyền, các mức phạt và hình thức xử phạt đa phần được quy định trong Luật An sinh xã hội. Ngoài ra, các tổ chức An sinh xã hội còn có các cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Tòa án, Công tố, Thuế, Cảnh sát và hệ thống ngân hàng nhằm đảm bảo thực thi nghiêm minh Luật An sinh xã hội.

Sau đây là một số kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới áp dụng các chế tài đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ tham gia và đóng góp BHXH:

Kinh nghiệm tại các quốc gia châu Âu và Mỹ:

Tại Pháp, Hội đồng Trung ương các tổ chức An sinh xã hội (ACOSS) chịu trách nhiệm thu các đóng góp BHXH và quản lý tài chính BHXH, thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH của CSDLĐ và NLĐ theo quy định. ACOSS có trên 1500 thanh tra viên có nhiệm vụ chống lạm dụng chính sách BHXH. Theo quy định luật pháp, đối tượng vi phạm nghĩa vụ tham gia và đóng BHXH sẽ bị phạt hành chính hoặc phạt tù tùy theo mức độ vi phạm.  Trong trường hợp phạt hành chính, số tiền phạt được quy định tỷ lệ theo số tiền gian lận hoặc trốn đóng BHXH, tối đa lên đến 04 lần mức trần tháng đóng BHXH. Nếu CSDLĐ hoặc NLĐ trốn đóng BHXH sẽ bị truy tố, phạt tù lên đến 5 năm và phạt tối đa 55.000 Euro. Đối với các trường hợp gian lận có tổ chức, mức phạt cao nhất lên đến 300% tổng số tiền gian lận.

Tại Đức, Cơ quan Bảo hiểm hưu trí Liên bang Đức (DRV Bund) là tổ chức quản lý chương trình bảo hiểm hưu trí cho người lao đông làm công ăn lương.  DRV Bund được giao quyền thực hiện các chế tài đối với các trường hợp vi phạm đóng BHXH như cưỡng chế nộp các khoản nợ quá hạn và phạt 1% lãi xuất mỗi tháng. Đối với các trường hợp gian lận, DRV Bund sẽ chuyển hồ sơ lên cơ quan Công tố và truy cứu trách nhiệm hình sự. CSDLĐ không đăng ký NLĐ mới với cơ quan BHXH sẽ bị phạt tiền tối đa lên đến 300.000 Euro.

Tại Mỹ, mọi CSDLĐ và người lao động bao gồm cả lao động tự do đều phải đóng BHXH bắt buộc. Quốc hội Mỹ quy định đóng góp BHXH là một loại thuế (thuế an sinh xã hội) được chuyển cho Cơ quan An sinh xã hội Mỹ sử dụng chi trả các chế độ hưu trí, tàn tật và tử tuất.  Vì vậy, CSDLĐ có nghĩa vụ đóng BHXH cùng với các khoản thuế khác.  Các chế tài áp dụng đối với vi phạm đóng góp BHXH như áp dụng với việc trốn và gian lận thuế.  Nếu CSDLĐ chậm nộp BHXH sẽ bị phạt từ 2-10% tổng số tiền nộp chậm.  CSDLĐ trốn đóng BHXH sẽ bị đóng cửa doanh nghiệp hoặc phạt tù CSDLĐ tùy theo mức độ. Khi doanh nghiệp phá sản, khoản nợ BHXH vẫn được giữ nguyên, các khoản lãi xuất và tiền phạt sẽ vẫn tồn tại cho dù doanh nghiệp đã làm thủ tục phá sản. Các khoản nợ này phải được trả đầy đủ cho Chính phủ, cá nhân cũng có thể phải truy tố hình sự nếu không hoàn thành nghĩa vụ đóng BHXH.

Kinh nghiệm tại các quốc gia châu Á:

Tại Malaysia, Quỹ phòng xa cho người lao động Malaixia (EPF) là tổ chức thực hiện chính sách hưu trí lớn nhất Malaixia có thẩm quyền thực hiện các chế tài nhằm đảm bảo sự tuân thủ chủ sử dụng lao động về nghĩa vụ đăng ký và đóng BHXH cho người lao động. EPF có các quy chế phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khác bao gồm Bộ Nội vụ, Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Giáo dục, Sở Cảnh sát, Tòa án giúp EPF nâng cao mức thu hồi nợ đọng và tăng tính hiệu quả của công tác cưỡng chế.   EPF sử dụng các biện pháp cụ thể áp dụng đối với các chủ sử dụng lao động còn nợ các khoản đóng góp BHXH, phát hiện sớm các trường hợp CSDLĐ nợ BHXH để xử lý kịp thời:

- Nợ từ 01-02 tháng: phạt tiền và thực hiện cưỡng chế thu;

- Nợ từ 03 tháng trở lên: tiến hành các bước hành chính và  pháp lý khởi tố CSDLĐ vi phạm.

Trong 90 ngày, EPF sẽ lần lượt thực hiện các bước sau: gửi thông báo cho CSDLĐ, gọi điện thoại cho CSDLĐ, cử thanh tra đến yêu cầu thanh toán nợ, phân tích các khoản nợ, tiến hành các hành động pháp lý, truy tố hình sự hoặc dân sự. Các giám đốc, đối tác và chủ sở hữu doanh nghiệp nợ BHXH có thể bị cấm xuất cảnh khỏi Malaysia.

Tại Philippin, hai cơ quan BHXH của Philippin bao gồm Hệ thống bảo hiểm chính phủ (GSIS) và Hệ thống An sinh xã hội (SSS) đều có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc theo luật. Theo Luật An sinh xã hội, bất  kỳ CSDLĐ nào sau khi đã khấu trừ tiền đóng BHXH của NLĐ mà không nộp cho Hệ thống An sinh xã hội trong 30 ngày kể từ ngày quy định nộp sẽ bị xử phạt theo quy định tại Luật Hình sự. Các hành vi gian lận và trốn đóng BHXH cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 5.000 đến 20.000 Pêsô hoặc bị truy tố hình sự, phạt tù tối đa lên đến 12 năm.

Tại Singapore, Hội đồng Quỹ Phòng xa Trung ương Singapore (CPFB), cơ quan quản lý chương trình bảo hiểm hưu trí quốc gia, quản lý và phát hiện các vụ vi phạm về đóng góp hàng tháng của các thành viên. Các chủ sử dụng lao động có 14 ngày để thực hiện việc đóng góp cho tháng trước đó. Nếu không nộp, CPFB sẽ tiến hành các bước xử lý như sau:

- Lập danh sách các trường hợp chậm nộp: Sau thời hạn trên, hệ thống công nghệ thông tin của CPF tự động lập các danh sách CSDLĐ chưa nộp các khoản đóng góp hàng tháng

- Thông báo tới CSDLĐ chậm nộp: CPFB sẽ gửi cho doanh nghiệp thông báo chậm nộp đồng thời thông báo cho doanh nghiệp về khoảng thời gian được gia hạn thêm để nộp các khoản đóng góp và lãi; sau khoảng thời gian gia hạn trên, nếu CSDLĐ không nộp thì CPFB sẽ tiến hành các hoạt động pháp lý. Trong thời gian này, CPF cũng gửi thông báo cho người lao động về việc khoản đóng góp của họ chưa được CSDLĐ thực hiện.

- Sự can thiệp của Tòa án: Sau thời gian gia hạn, CSDLĐ không nộp đầy đủ sẽ bị CPF đưa ra tòa. Tòa sẽ yêu cầu CSDLĐ thanh toán các khoản đóng góp, lãi xuất và lệ phí tòa án. Quyết định cuối cùng tùy theo mức độ vi phạm của CSDLĐ là tịch thu và phát mại tài sản, truy tố CSDLĐ trước pháp luật hoặc xét lại bản án xử phạt doanh nghiệp, mức cao nhất là buộc doanh nghiệp giải thể hoặc phải tuyên bố phá sản.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Hưu trí Quốc gia (NPS) và Cơ quan Phúc lợi và Đền bù cho người lao động Hàn Quốc (COMWEL) có trách nhiệm quản lý các chương trình BHXH và thu BHXH.  Chính phủ Hàn Quốc quy định nghĩa vụ đóng BHXH như nghĩa vụ nộp thuế và các chế tài áp dụng đối với các trường hợp không tuân thủ như Luật thuế quốc gia. Các bước thu hồi nợ BHXH như sau:

- Thông báo và yêu cầu CSDLĐ nộp các khoản nợ BHXH và lãi suất chậm nộp.

- Tiến hành cưỡng chế thu nợ BHXH theo Luật thuế Quốc gia.

- Phát mại tài sản CSDLĐ để thu hồi nợ BHXH bằng cách đấu giá tài sản theo quy định của Tòa án. Thứ tự phân bổ tài sản được thiết lập theo Luật thuế quốc gia.

Tại Mông Cổ, Cơ quan BHXH Quốc gia (SIGO) quản lý chương trình BHXH và BHYT bắt buộc trên toàn quốc, có trách nhiệm thu BHXH và chi các chế độ BHXH và BHYT.  SIGO được giao chức năng thanh tra, kiểm tra và xử phạt đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng góp BHXH.  Đối với trường hợp chậm đóng BHXH, SIGO áp dụng mức lãi suất 0,3%/ngày chậm nộp BHXH và phạt 250.000 Tugrik (khoảng 200 USD) cho mỗi lần chậm đóng BHXH.  Nếu CSDLĐ tiếp tục không chịu đóng BHXH, SIGO thông báo ngân hàng phong tỏa tài khoản CSDLĐ đồng thời thông báo với cảnh sát, chính quyền địa phương để áp dụng các biện pháp hành chính khác.  Ngoài ra, SIGO có thể phối hợp với Cục Xuất nhập cảnh cấm xuất cảnh đối với các lãnh đạo tổ chức sử dụng lao động vi phạm và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các CSDLĐ nợ BHXH. Các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH theo quy định sẽ không được phép tham gia các hoạt động đấu thầu và vay tiền ngân hàng.

Đảm bảo An sinh xã hội cho người dân là một trong những mục tiêu hàng đầu và cũng là nhiệm vụ của tất cả các chính phủ trên thế giới. BHXH là cột trụ quan trọng của hệ thống An sinh xã hội.  Chế tài và thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định BHXH nói chung và trong việc tuân thủ đóng góp BHXH của các bên tham gia là một trong những nội dung rất quan trọng đảm bảo sự bền vững tài chính cho chương trình An sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi cho người lao động và gia đình họ. Để nhiệm vụ trên được thực hiện hiệu quả, các cơ quan BHXH cần được trang bị chế tài đủ mạnh và thẩm quyền thanh tra, xử lý các vi phạm.  Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cần phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp đẩy đủ thông tin cho các bên về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH./.

Tài liệu tham khảo:

1.“Social security contribution collection and compliance: Improving governance to extend social protection” Louis D.Enoff.

2. “Collection of Social Contributions: Current practice and critical issues”, Stanford G.Ross, IMF.

3. “Main Findings of the “Project on Collection and Compliance”, Louis D. Enoff.

4. “Prevention of  Fraud and Abuse of Pension System: Situation, Problem and Measures”, Wang Zongfan.

5. “CPFB’s approach to Enforcement and Recovery”, Cheng Boo Khee CPFB Singapore.

6. Luật An sinh xã hội Pháp, Luật Hệ thống An sinh xã hội Philippin, Báo cáo đoàn nghiên cứu khảo sát của BHXH VN tại Mông Cổ, Pháp.

Nguồn TC BHXH