Nhiều vi phạm trong xử lý chất thải y tế

20/06/2014 09:28 AM


Lây lan dịch bệnh từ chất thải y tế đang là mối lo của toàn xã hội. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực y tế hiện còn bộc lộ quá nhiều hạn chế, bất cập. Vấn đề này một lần nữa được xới lên tại hội thảo liên ngành về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế diễn ra ngày 18/6 tại Hà Nội do Bộ Y tế chủ trì.


Khu chứa rác thải y tế tại bệnh viện Đống Đa. Ảnh: Quỳnh Anh

Y tế công, tư đều vi phạm

Đề cập đến vấn đề này, Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) - Bộ Công an cho biết, nhiều cơ sở quản lý chất thải y tế nguy hại làm việc không đúng quy định, không phân loại triệt để tại nguồn, để lẫn chất thải y tế nguy hại với các chất thải khác. Chính vì vậy, việc chuyển chất thải tái chế cho các tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại có nguy cơ lẫn chất thải y tế nguy hại.

Hiện nay, nhiều bệnh viện (BV) tuyến cơ sở chưa được trang bị lò đốt chất thải y tế, hoặc có lò đốt nhưng đã hư hỏng nên rác thải được chôn lấp, hoặc đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tại một số cơ sở y tế, công tác quản lý lỏng lẻo đã dẫn tới tình trạng trộm cắp, mang các chất thải y tế ra ngoài BV bán cho các cơ sở sản xuất nhựa tái chế. Mới đây, một cán bộ khoa giải phẫu, ĐH Y Hà Nội đã bị PC 49 Hà Nội bắt quả tang khi chở 2 túi nilon đen, đựng 30kg nội tạng người vứt vào khu tập kết rác của BV Giao thông vận tải. Hay Phòng khám Đa khoa phía Nam (Trương Định - Hoàng Mai - Hà Nội) mặc dù đã ký hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với Khoa Kiểm soát chống nhiễm khuẩn của BV Bạch Mai, nhưng thực tế rác thải y tế vẫn không được chuyển giao cho BV Bạch Mai mà vứt ra xe thu gom rác thải sinh hoạt…

Bên cạnh đó, nhiều BV tuyến cơ sở, các phòng khám tư nhân đều không có hệ thống xử lý nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường. Đơn cử, BV Đa khoa Cần Thơ đã bị phạt 360 triệu đồng, BV Đa khoa TP Hồ Chí Minh bị phạt 260 triệu đồng, BV Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn bị phạt 125 triệu đồng do vi phạm việc xử lý nước thải. Ngoài ra, nhiều đơn vị y tế cơ sở có nguy cơ phát tán bức xạ vượt tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và nhân viên vận hành cũng đáng báo động.

“Không thể chấp nhận”

Bày tỏ bức xúc trước mối nguy này, ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, rất nhiều đơn vị y tế Nhà nước, và cả tư nhân vi phạm việc xử lý chất thải y tế nghiêm trọng nhưng vẫn "cãi chày cãi cối" khi bị kiểm tra. Vậy nên, cần phải có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn, đủ tính răn đe. Cũng theo ông Nga, hiện Bộ Y tế đã đề nghị cơ quan BHYT không trả tiền BHYT cho các cơ sở y tế có hành vi vi phạm việc xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường. Đại diện Sở TN&MT Quảng Bình phản ánh, trong quá trình thanh kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở có hành vi vi phạm rất rõ ràng nhưng lại không có căn cứ để xử phạt. Có đơn vị được đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho hệ thống xử lý chất thải BV nhưng gần một năm không vận hành, rác thải chất đống sau BV. "Đây là hành vi không thể chấp nhận, đáng ra, phải đóng cửa BV, tuy nhiên, đoàn kiểm tra vẫn phải nhân nhượng vì không có chế tài xử phạt", vị đại diện này bày tỏ.

Phía Bộ Công an, Đại tá Trần Trọng Bình đề xuất, Bộ Y tế, Bộ TN&MT tham mưu cho Chính phủ về cơ chế, chính sách đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường y tế, đảm bảo 100% các cơ sở y tế công lập đều có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, có quy trình thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải y tế. Đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa không có đơn vị chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, cần đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bố trí kinh phí vận hành các lò đốt chất thải y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là công tác quản lý chất thải y tế…

Theo Báo Kinh tế đô thị