Chi phí quản lý của ngành BHXH: Những bất cập cần tháo gỡ

17/06/2014 07:23 AM


Thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc của ngành BHXH ngày càng tăng, thế nhưng việc tính tỉ lệ chi phí quản lý BHXH hằng năm lại chưa thống nhất, không gắn với nhiệm vụ thu, chi...


Trước khi Luật BHXH năm 2006 ban hành, mức dự toán chi phí quản lý BHXH được tính là 4,5% trên tổng số thu BHXH hàng năm và giảm dần đến năm 2006 là 3,6%. Thực hiện Luật BHXH, chi phí quản lý của ngành BHXH vẫn được giao trên tổng số thu hằng năm, cụ thể: Năm 2007 là 3,43%, năm 2008 là 3,46% và đến năm 2013 giảm xuống còn gần 3%. Trong khi đó, khối lượng công việc của ngành BHXH sau khi thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT tăng lên rất lớn. Cụ thể, từ năm 2008, toàn Ngành thực hiện thêm nhiệm vụ thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH tự nguyện; từ năm 2009 là Quỹ BH thất nghiệp. Cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, công tác quản lý Quỹ BHYT, công tác giám định chi phí KCB BHYT theo quy định của Luật BHYT cũng tăng (công tác này được thực hiện tại tất cả các cơ sở y tế kể cả công lập và ngoài công lập, xuống tận các trạm y tế xã, phường, thị trấn).

Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, ngành BHXH có hai nội dung chi lớn là chi phục vụ quản lý- phát triển đối tượng tham gia và chi quản lý bộ máy. Trong đó, chi quản lý- phát triển đối tượng hàng năm gồm: Lệ phí chi trả các chế độ BHXH; chi đôn đốc thu hồi nợ đọng; chi phát triển đối tượng tham gia; lệ phí chuyển tiền; in và cấp sổ BHXH, ấn chỉ, mẫu biểu phát cho người tham gia, người hưởng không thu tiền; vận chuyển tiền đến các điểm chi trả, quản lý đối tượng hưởng, chi tuyên truyền... Số chi này năm 2013 là 1.249,1 tỷ đồng (tăng 7,31% so với 2012). Trong đó, một số nội dung chi tăng theo đối tượng, số thu và số chi như: Chi phục vụ công tác thu, phát triển đối tượng tăng 25,4%; chi lệ phí chi trả các chế độ BHXH tăng 24%; chi công tác tuyên truyền tăng 3,9%; chi cho công tác in và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, mẫu biểu tăng 9%.

Tuy nhiên, với nội dung chi quản lý bộ máy của BHXH Việt Nam, năm 2013 tổng số chi là 2.373,9 tỷ đồng (giảm 2,36% so với năm 2012), mặc dù việc nâng mức lương cơ sở từ 1.050.000 đồng lên 1.150.000 đồng và thực hiện chế độ phụ cấp thu hút cán bộ ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn đã khiến số chi thực tế tăng 6,18%. “Nếu loại trừ các yếu tố tăng trên thì chi phí quản lý hành chính của ngành BHXH đã giảm trên 10% do thực hiện tiết kiệm theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính”- bà Minh khẳng định.

Theo Nghị định số 05/2014/NĐ-CP quy định chức năng nhiệm vụ của BHXH Việt Nam, ngành BHXH có tới 28 nhiệm vụ. Ở các tỉnh, thành phố lớn có đông đối tượng thì CBVC ngành BHXH thường xuyên phải làm thêm giờ, áp lực công việc lớn và ngày càng tăng. Đặc biệt, tính chất công việc của ngành BHXH từ quản lý thu, chi đến hoạt động đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ hết sức phức tạp như: khai thác, đăng ký, quản lý các đối tượng tham gia; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH; ký hợp đồng, giám định KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT và chống lạm dụng Quỹ BHYT...

Hiện nay, có một số quốc gia giao cho cơ quan BHXH (hoặc an sinh xã hội) có cả nhiệm vụ thu và chi cho người tham gia nhưng mức chi phí cho hoạt động bộ máy được tính trên tổng số thu hoặc trên tổng số chi cho người tham gia. Chẳng hạn, chi phí hoạt động được tính trên tổng số thu (như Indonesia, chi phí hoạt động chiếm 11,7% tổng số thu; tại Philippin, chi phí này chiếm từ 6,5- 11%) và tính trên tổng số chi (như ở Áo, chi phí hoạt động tương đương với 4,9% tổng số chi; ở Bỉ là 6,1%; Pháp 5,7%; Nhật Bản 3,2%...). Trong khi đó, chi phí quản lý của BHXH Việt Nam lại tương đương với nhóm các nước các nước có cơ sở hạ tầng và phương thức quản lý hiện đại hơn hẳn Việt Nam như Pháp, Nhật, Niu-Di-lân, Ai Cập. Bà Minh đề xuất: "Từ kinh nghiệm của quốc tế cũng như những quy định về tổ chức bộ máy, chi phí quản lý bộ máy và để xác định chi phí quản lý BHXH đơn giản, chặt chẽ, chính xác, đầy đủ có sự giám sát chặt chẽ của các ngành cũng như tạo điều kiện cho ngành BHXH chủ động về nguồn kinh phí hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ thu, chi và quản lý Quỹ BHXH thì cần được giao linh hoạt và ổn định".

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật BHXH (sửa đổi) của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Quỹ BHXH là do NLĐ và người SDLĐ đóng góp; chi phí quản lý BHXH lấy từ khoản sinh lời của hoạt động đầu tư Quỹ BHXH, nên giao cho Chính phủ định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phù hợp với nhiệm vụ BHXH trong từng giai đoạn trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng Quỹ BHXH. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần quy định rõ tiêu chí, nội dung chi phí quản lý như: Chi cho công tác tuyên truyền pháp luật và phát triển đối tượng; công tác quản lý và chi cho bộ máy làm công tác BHXH…

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn