Một số kiến nghị của cử tri xung quanh vấn đề BHXH, lương hưu, lương tối thiểu

20/06/2014 08:33 AM


Lo lắng khả năng vỡ quỹ lương hưu, e ngại với đề xuất tăng tuổi làm việc, mong mỏi lương tối thiểu tăng tương xứng với thực tế cuộc sống… Rất nhiều kiến nghị của cử tri gửi tới Chính phủ, Ủy ban Các vấn đề xã hội. Đến thời điểm này, những kiến nghị này của cử tri cũng được các cơ quan chức năng phúc đáp đầy đủ.


Tăng tuổi hưu và vỡ quỹ lương hưu

Xác định tinh thần phải tăng tuổi làm việc để tránh vỡ quỹ lương hưu nhưng cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị Quốc hội và Chính phủ khi thông qua Dự án Luật BHXH sửa đổi cần tính toán kỹ lộ trình tăng cụ thể, hợp lý để tránh gây xáo trộn đời sống xã hội. Đáp lại ý kiến này, Ủy ban Các vấn đề xã hội hứa sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, ban hành Luật BHXH sửa đổi trong thời gian tới. Cụ thể về vấn đề bảo đảm cân bằng Quỹ BHXH trong dài hạn, cơ quan này khẳng định, đây là một trong những nội dung trọng tâm của việc sửa đổi luật lần này. Ngoài ra, còn phải cân nhắc toàn diện nhiều vấn đề khác như điều kiện sức khỏe của người lao động, vấn đề giải quyết việc làm, yếu tố dân số “vàng” và cải cách hành chính… Do vậy, Quốc hội và các cơ quan hữu quan sẽ xem xét, cho ý kiến kỹ đối với quy định kéo dài tuổi lao động trong quá trình xây dựng luật để đảm bảo đưa ra một phương án có tính khả thi, hiệu quả cao.

Đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh (cũng về vấn đề trên), Ủy ban Các vấn đề xã hội một lần nữa nhấn mạnh, vấn đề này sẽ được nghiên cứu, trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, ban hành Luật. Do đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, do đó, trong điều kiện hiện nay, việc thiết kế chế độ hưởng BHXH tự nguyện chỉ bao gồm chế độ hưu trí và tử tuất là phù hợp với bản chất của loại hình này, phù hợp với đối tượng và có tính khả thi. Việc mở rộng các chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động đối với người tham gia bảo hiểm tự nguyện là rất khó khăn, phức tạp và không có tính khả thi về tổ chức thực hiện chính sách, chế độ, thủ tục. Nếu mở rộng quá, dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng quỹ như kinh nghiệm tổ chức thực hiện BHYT (một bộ phận người tham gia hình thức BHYT tự nguyện là những người chỉ khi ốm đau, bệnh tật mới mua thẻ).

Về nguy cơ vỡ quỹ lương hưu, Ủy ban Các vấn đề xã hội phân tích, việc mất cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội chịu tác động của nhiều yếu tố ảnh hưởng (mức hưởng, điều kiện đóng – hưởng bảo hiểm xã hội…). Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phải cân nhắc toàn diện nhiều vấn đề chính sách khác như điều kiện sức khỏe của người lao động, vấn đề giải quyết việc làm, yếu tố dân số “vàng” và cải cách hành chính… Do vậy, Quốc hội và các cơ quan hữu quan sẽ xem xét, cho ý kiến kỹ đối với quy định này trong quá trình xây dựng Luật bảo hiểm xã hội để đảm bảo đưa ra một phương án có tính khả thi, hiệu quả cao.

Tăng lương là nỗ lực lớn trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng kiến nghị, chậm nhất đến 2016 lương tối thiểu phải theo kịp mức sống tối thiểu. Cũng liên quan đến vấn đề chế độ của người lao động, cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật tiền lương tối thiểu nhằm tạo cơ sở pháp lý để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Công văn trả lời của Ủy ban Các vấn đề xã hội nêu rõ, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tiền lương tối thiểu. Nội dung điều chỉnh của luật này sẽ gắn với yêu cầu, mục tiêu cải cách chính sách tiền lương của Đảng và Nhà nước ta. “Ghi nhận ý kiến của cử tri với trách nhiệm của mình, Ủy ban Các vấn đề xã hội sẽ đề nghị với Quốc hội điều chính thời gian ban hành Luật Tiền lương tối thiểu sớm hơn trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII” – văn bản trả lời cử tri thể hiện.

Liên quan đến chuyện tiền lương, cử tri các tỉnh Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang cũng gửi yêu cầu trực tiếp tới Chính phủ, đề nghị cơ quan hành pháp tăng cường chỉ đạo công tác cải cách tiền lương và báo cáo cụ thể, rộng rãi về kết quả thực hiện việc này tới cử tri. Trước kỳ họp Quốc hội thứ 7, Chính phủ đã gửi văn bản phúc đáp cử tri. Thông tin đưa ra là Thủ tướng đã phàn công Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị để trình Trung ương vào thời điểm thích hợp. Về việc báo cáo kết quả thực hiện vấn đề tiền lương, giữa tháng 1/2014, Thủ tướng cũng đã có quyết định về việc công khai chế độ, chính sách liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Cử tri tỉnh Trà Vinh và TPHCM thì cho rằng, giải quyết bài toán tiền lương tối thiểu là để giảm bớt tình trạng tham nhũng cần vì với mức lương tối thiểu thấp như hiện nay, người làm công ăn lương không đủ nuôi sống bản thân nên dễ phát sinh tham nhũng. Bộ Nội vụ giải thích với cử tri, từ 1/7/2013, tiền lương tối thiểu được điều chỉnh từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng. Đây được gọi là mức lương cơ sở. Việc tăng lương nêu trên là sự cố gắng của Nhà nước trong điều kiện khủng hoảng kinh tế thế giới, khu vực và thực trạng của nền kinh tế tại Việt Nam. Nhắc lại việc xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, sẽ trình vào thời điểm thích hợp, Bộ Nội vụ hứa sẽ nghiên cứu toàn diện các nội dung của chế độ tiền lư­ơng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lư­ợng vũ trang, trong đó có vấn đề cử tri nêu.

Theo DTO