Chính thức thông qua Luật BHYT mới

17/06/2014 08:23 AM


Trong chương trình kỳ họp thứ 07, Quốc hội khóa XIII, chiều 13/06, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với 412/428 đại biểu tán thành đạt 82,73%.


Dự án Luật BHYT (sửa đổi) lần này đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 06 (năm 2013) và tiếp tục được thảo luận hôm 22/05 vừa qua tại Kỳ họp thứ 07 đang diễn ra.

Một số vấn đề lớn trong dự án luật này đã được đại biểu thảo luận sôi nổi, như: Quy định bắt buộc tham gia BHYT; Thanh toán khám, chữa bệnh BHYT với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến; Phân bổ sử dụng, quản lý quỹ BHYT; Quy định giảm mức cùng chi trả đối với thân nhân người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn... Theo đó, luật vừa được thông qua có quy định BHYT hình thức bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng. Quy định này cùng với với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách theo lộ trình cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình mở rộng đối tượng, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và đảm bảo An sinh xã hội (kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chỉ áp dụng nguyên tắc bắt buộc mới có thể tiến tới BHYT toàn dân).

Tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, như các quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; quy định về bắt buộc chữa bệnh đối với người mắc bệnh tâm thần thể nặng, bệnh lao, phong đang thời kỳ lây truyền, bệnh lây truyền qua đường sinh dục và một số bệnh truyền nhiễm khác có thể gây nguy hại cho xã hội trong Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân; quy định đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá đối với quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá trong Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá...Tại các lần thảo luận, một số ý kiến còn đề nghị bỏ quy định về tuyến khám, chữa bệnh để người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT khi đi khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp cấp cứu, người bệnh có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào để khám, chữa bệnh và được quỹ BHYT chi trả. Nhưng với các trường hợp không phải cấp cứu thì sẽ theo tuyến chuyên môn kỹ thuật y tế từ thấp đến cao. Quy định này nhằm tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, đồng thời góp phần sử dụng quỹ BHYT hợp lý.

Trước đó, tại phiên thảo luận hôm 22/05, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến – lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật BHYT đã lý giải: “Theo thống kê chi phí của BHXH Việt Nam số lượt khám, chữa bệnh BHYT, thì tuyến xã vẫn chiếm khoảng 50%, tuyến huyện khoảng 30-35%, tuyến tỉnh khoảng 30-35%, tuyến Trung ương thực ra chỉ hơn 10%, nhưng lên đến tuyến Trung ương thì chi phí lớn…”.Theo Bộ trưởng Kim Tiến, thực tế, có những trạm y tế xã khám 40 bệnh nhân trong một buổi sáng, thậm chí có nơi đến 100 bệnh nhân. Vượt tuyến ở những bệnh người dân cảm thấy nặng, không tin tưởng tuyến dưới. Ở các nước, nếu vượt tuyến, hoặc phải chi trả toàn bộ, hoặc chi phí rất cao. “Với điều kiện của chúng ta hiện nay, vẫn cần dung hòa về tuyến khám, chữa bệnh. Nếu chúng ta không quy định khám BHYT theo các tuyến thì tất cả đều đăng ký trên tuyến tỉnh, Trung ương thì không thể nào thực hiện được cho phù hợp tình hình thực tế”, lãnh đạo Bộ Y tế phân tích. Một điểm đáng lưu ý nữa, trong dự luật vừa được thông qua đã chỉnh lý theo hướng trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó. Chỉnh lý này nhằm giải quyết băn khoăn của đại biểu về việc trong thực tế trẻ em đủ 72 tháng tuổi nhưng chưa đến thời điểm nhập học lớp 01 bị gián đoạn thời gian tham gia BHYT.

Nguồn TC BHXH