Ngành y tế Thủ đô - nghịch lý cần lời giải

17/06/2014 07:57 AM


Trạm y tế xã, phường có phòng khám khang trang, hiện đại nhưng vắng bóng bệnh nhân, trong khi nhiều bệnh viện thiếu thốn đủ bề phải "oằn lưng" quá tải. Đây là bức tranh tương phản, là nghịch lý của ngành y tế Thủ đô. Giải pháp nào để thu hẹp khoảng cách giữa các tuyến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh?


Trạm y tế phường Gia Thụy, quận Long Biên. Ảnh: Duy Anh

Dù có bác sĩ chuyên khoa, có máy móc, thiết bị hiện đại, nhà cửa khang trang, phòng ốc sạch đẹp nhưng nhiều trạm y tế (TYT) xã, phường ở Hà Nội vắng bóng bệnh nhân. Trong khi đó, các bệnh viện (BV) hạng nhất, hạng hai lại quá tải trầm trọng, thiếu cả nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Nằm ngay giữa thị trấn và gần BV Đa khoa Quốc Oai, TYT thị trấn Quốc Oai với 27 phòng, trên diện tích hơn 3.000m2 được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Trang thiết bị được đầu tư khá đồng bộ với nhiều máy móc hiện đại như máy siêu âm, máy xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, máy đo đường huyết, hệ thống bình ô xy, nồi hấp, tủ sấy và cả bộ nạo hút thai hiện đại. Tuy nhiên, trái với tất cả những thuận lợi đó, mỗi năm, TYT chỉ khám được cho trên dưới 3.000 lượt bệnh nhân.

Trang thiết bị “đắp chiếu”

Khi chúng tôi có mặt tại trạm lúc hơn 10 giờ sáng của một ngày đầu tuần, cả không gian 3000m2 ấy vắng bóng bệnh nhân. Tất cả các phòng như: Phòng điều trị, Phòng siêu âm, Phòng khám, Phòng tiểu phẫu… đều cửa đóng then cài. Một nhân viên ở đây cho biết, ít bệnh nhân đến khám tại TYT vì trạm ở gần BV Đa khoa Quốc Oai, nếu bị bệnh nặng, họ đến thẳng BV, chỉ có những bệnh vặt mới đến trạm.

Tương tự, mới đây, khi đến thăm TYT Cầu Diễn (huyện Từ Liêm, nay là quận Nam Từ Liêm), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra không hài lòng trước tình trạng TYT này được đầu tư đồng bộ cả nhân lực và cơ sở vật chất mà không thu hút được bệnh nhân. Cả năm, chỉ có 5 ca cấp cứu, trên dưới 4.000 bệnh nhân đến khám bệnh thông thường. TYT thị trấn Quốc Oai và Cầu Diễn chỉ là hai trong số hàng chục cơ sở y tế tại Hà Nội dù được đầu tư hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng nhưng không thu hút được bệnh nhân.Đề cập đến vấn đề các TYT xã, phường tại Hà Nội được đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại, nhiều bác sĩ (BS) tuyến trên cho rằng quá lãng phí. Thực tế, tại các TYT hiện nay, máy siêu âm, máy xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, bộ tiểu phẫu, điện tim… thỉnh thoảng mới dùng đến. Riêng bộ nạo hút thai, mỗi năm chỉ sử dụng hai lần trong đợt chiến dịch kế hoạch hóa gia đình. Thời gian còn lại, 100% trang thiết bị đều "đắp chiếu".

Bệnh viện “khát” thiết bị

Khi chúng tôi nêu ý kiến, nên chăng cứ ba, bốn TYT dùng chung một bộ nạo hút thai, một trạm trưởng TYT thừa nhận: "Đúng là việc mỗi trạm được đầu tư một bộ dụng cụ này là hơi lãng phí. Vì ngày thường, BS trạm không được phép thực hiện kỹ thuật này. Theo tôi, cứ hai TYT nên dùng chung một máy". Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một BV hạng hai của Hà Nội thẳng thắn: "Trong khi tại BV của chúng tôi, bệnh nhân xếp hàng nhưng không đủ trang thiết bị để phục vụ thì nhiều máy móc ở TYT xã không dùng đến. Có những máy móc được đầu tư cả năm rồi nhưng vẫn còn niêm phong vì không có người sử dụng. Lãng phí nhất là việc đầu tư bộ nạo hút thai và bộ tiểu phẫu tại các TYT vì nhu cầu dùng rất ít". Riêng thiết bị siêu âm, vị lãnh đạo BV này cho rằng, hiện đã bắt đầu phát huy tác dụng, nhưng cán bộ sử dụng tại TYT lại "có vấn đề" vì chỉ học qua loa lý thuyết vài tháng nên khó tin được vào kết quả đọc siêu âm.

Trong khi nhiều máy móc ở tuyến xã không phát huy tác dụng, thì tại nhiều BV tuyến huyện lại đang tha thiết có thêm trang thiết bị để phục vụ bệnh nhân. Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc BV huyện Đan Phượng đầy tâm trạng khi đề cập đến vấn đề này: "Chúng tôi mong muốn được trang bị thêm máy chụp X - quang kỹ thuật số tăng sáng và máy CT để bệnh nhân bớt khổ. Mỗi năm, BV phải gửi hàng ngàn ca lên tuyến trên chụp CT kiểm tra não, phổi…, rồi lại đưa về đây điều trị, bệnh nhân vừa vất vả lại tốn kém vô cùng". Cũng theo ông Trung, trình độ nhân lực của BV hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng do thiếu thiết bị, cực chẳng đã mới phải gửi bệnh nhân vì việc này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu BV".

Theo Báo Kinh tế đô thị