Xây dựng một Bộ luật Lao động vì người lao động và vì sự phát triển của đất nước
11/09/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa diễn ra ngày 11/9 tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, tinh thần chung là xây dựng một bộ luật vì người lao động và vì sự phát triển của đất nước.
Quang cảnh buổi làm việc
Tham gia ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn cho hay, về cơ bản TKV nhất trí điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo Phương án 1 của Dự thảo, đó là kể từ 01/01/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của nam là 62 vào năm 2028”.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Lê Minh Chuẩn, Ban soạn thảo cần xem xét có cơ chế phù hợp cho từng nhóm lao động. Theo đó, TKV đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 115/NĐ- CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ (từ đủ 50 tuổi trở lên) với lý do phần lớn người lao động làm công việc này phải làm việc trong điều kiện lao động chật hẹp, thiếu dưỡng khí; công việc thủ công, rất nặng nhọc, nguy hiểm, chịu tác động của bụi, ồn, CO2; thường xuyên phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn lao động do lở đất đá, sập hầm, bục nước, nhiễm độc khí mêtan và mắc các bệnh nghề nghiệp phổ biến trong ngành khai thác mỏ như bệnh bụi phổi-silic, bệnh bụi phổi-amiăng, bệnh điếc nghề nghiệp. Đặc biệt, số lượng lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò chiếm 22,1% - một tỷ lệ không nhỏ trong tổng số lao động toàn TKV với khoảng 21.556 người.
Chủ tịch Lê Minh Chuẩn cho biết, do đặc thù nghề nghiệp đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên tuổi đời và tuổi nghề bình quân của công nhân khai thác hầm lò thấp, rất ít thợ lò làm việc đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu. Theo thống kê sơ bộ, trong 3 năm (từ 2016 - 2018), Tập đoàn TKV có 312 thợ lò nghỉ hưu trước tuổi/694 thợ lò nghỉ hưu; chiếm 45% tổng số lao động là thợ lò nghỉ hưu hưởng chế độ BHXH. Độ tuổi của thợ lò nghỉ hưu sớm dao động trong khoảng từ 38 đến 45 tuổi, thời gian tham gia BHXH trong khoảng từ đủ 20 năm đến 25 năm.
Góp ý vào quy định thời giờ làm việc, Chủ tịch TKV Lê Minh Chuẩn cũng đề xuất không giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn (không quá 44 giờ trong một tuần), giữ nguyên số giờ làm việc tiêu chuẩn như hiện nay (không quá 48 giờ trong một tuần).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (giữa) phát biểu tại buổi làm việc.
Theo đại diện của TKV, sở dĩ không nên giảm thời giờ làm việc là do đặc thù của ngành than phải sản xuất 3 ca (24/7) nên để đảm bảo sản xuất thông suốt, đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động, không thể áp dụng giảm giờ làm cho toàn bộ doanh nghiệp mà chỉ có thể áp dụng cho một số đối tượng thuộc bộ phận gián tiếp. Tuy nhiên, để đảm bảo đồng bộ, các bộ phận làm việc không quá 44 giờ trong một tuần vẫn phải bố trí người trực làm phát sinh chi phí làm thêm không cần thiết.
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng lao động làm việc trong lĩnh vực này vô cùng khó khăn. Những năm qua, TKV đã triển khai tuyển dụng lao động tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vừng đồng bào dân tộc thiểu số song vẫn không đủ bù đắp cho số thợ lò nghỉ việc, bỏ việc. Bên cạnh đó, chi phí đào tạo cho một công nhân khai thác hầm lò là rất lớn (chi phí đào tạo đối với sơ cấp nghề khai thác là 28,7 triệu đồng/người/khóa học, từ 01/9/2019 tăng lên 35,6 triệu đồng/người/khóa học, trung cấp nghề khai thác hầm lò là 45,97 triệu đồng/người/khóa học). Nếu giảm giờ làm việc, TKV sẽ cần tuyển dụng bù đắp số lượng người lớn trong khi tình hình tuyển dụng đã rất khó khăn; các chi phí kéo theo quá lớn, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của TKV trong việc duy trì việc làm, tăng thu nhập và chăm lo đời sống của người lao động trong những năm qua. TKV đã đảm bảo việc làm, thu nhập và an sinh xã hội, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội đối với tỉnh Quảng Ninh, là ngành thu hút và giải quyết nhiều việc làm với hơn 9,7 vạn lao động, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 11 triệu đồng người/tháng, riêng thợ hầm lò đạt hơn 18 triệu đồng/tháng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, TKV cần luôn chú trọng chăm lo, sắp xếp tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, thực sự chăm lo đời sống công nhân và người lao động. Khuyến khích con em đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân và khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ LĐ-TB&XH để chuẩn bị cơ chế, chính sách tiền lương theo Đề án cải cách tiền lương của Nghị quyết 27-NQ/TW. Thời gian tới, lãnh đạo TKV cần lưu ý đến 5 nội dung lớn trong chính sách đổi mới cơ chế tiền lương, nhằm bảo đảm sự ổn định, phát triển cho người lao động và của Tập đoàn.
Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị Ban Soạn thảo tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của tập thể người lao động TKV để có phương án điều chỉnh hợp lý. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn người lao động nói chung và Ngành Than - Khoáng sản nói riêng hiểu đầy đủ hơn về việc sửa đổi Bộ Luật Lao động. Trong đó, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là chủ trương lớn của Đảng, là yếu tố quyết định đến vận mệnh của đất nước./.
P
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Cảnh giác việc mạo danh viên chức BHXH tỉnh yêu cầu cập ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...