Gia nhập Công ước số 98 thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế

30/05/2019 07:09 AM


Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng 29/5, Quốc hội nghe Chính phủ Báo cáo thuyết minh việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và đồng thời, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.

 

Thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, ngày 12 tháng 04 năm 2019, Chủ tịch nước đã có Tờ trình số 01/TTr-CTN gửi Quốc hội về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Căn cứ quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chính phủ xây dựng Báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước số 98, theo đó: trong nền kinh tế thị trường, tiền lương và điều kiện lao động dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động, do vậy điều quan quan trọng là cần thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả, nhất là thương lượng tập thể về tiền lương, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Gia nhập và thực hiện Công ước 98 chính là giải pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ ban hành mức lương tối thiểu; giảm dần, tiến tới không can thiệp mang tính hành chính, áp đặt vào việc trả lương của doanh nghiệp. Tiền lương trong doanh nghiệp sẽ do chính các bên quan hệ lao động quyết định thông qua thương lượng mà chủ yếu là thương lượng tập thể.

Việc gia nhập Công ước 98 đồng thời là để thực hiện cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, vấn đề này đang là một trong những điều kiện quan trọng hỗ trợ cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Hiệp định EVFTA yêu cầu các bên tham gia Hiệp định tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản; đồng thời yêu cầu các bên thực hiện các nỗ lực một cách liên tục và chắc chắn tiến tới gia nhập các công ước cơ bản còn lại của ILO. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 12/11/2018, có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019) yêu cầu các nước thành viên cam kết thông qua và duy trì trong luật và trên thực tế những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO.

Về phạm vi điều chỉnh của Công ước số 98, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Công ước 98 của ILO là công ước cặp đôi với Công ước số 87 của ILO về Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức. Tuy nhiên, nội dung 02 công ước khá độc lập với nhau, cụ thể như sau: Công ước 87 chủ yếu quy định về quyền tự do của người lao động trong việc thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động (gọi chung là công đoàn). Công ước 98 không quy định về việc thành lập công đoàn mà quy định về những điều kiện thiết yếu để công đoàn có thể tiến hành thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả. Do đó, Công ước số 98 chỉ quy định về mối quan hệ giữa công đoàn với người sử dụng lao động, không điều chỉnh mọi mối quan hệ của công đoàn.  Việc thành lập các tổ chức của người lao động ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước số 98, mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước số 87.

Về nội dung chính của Công ước số 98, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Công ước số 98 có 16 Điều. Nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 6. Từ Điều 7 đến Điều 16 là những quy định về thủ tục. Theo Công ước số 98, có 3 yếu tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng để thương lượng tập thể được tiến hành một cách thực chất và hiệu quả trên thực tế, bao gồm: người lao động và cán bộ công đoàn phải được bảo vệ trước các hành vi của người sử dụng lao động phân biệt đối xử về việc làm; tổ chức của người lao động không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động; Nhà nước phải có những biện pháp về luật pháp và thiết chế để thúc đẩy cho thương lượng tập thể. Đây cũng chính là 3 nội dung cơ bản của Công ước số 98.

Đánh giá tác động của việc gia nhập Công ước số 98, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, đối với các tác động về chính trị, quốc phòng, an ninh, việc gia nhập Công ước số 98 sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tăng cường quan hệ lao động hài hòa, tạo ra môi trường lao động ổn định, có thể dự báo và quản lý được các xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động. Hệ thống thương lượng tập thể minh bạch, hiệu quả góp phần làm cho việc phân chia thu nhập công bằng hơn ở cấp độ xã hội. Đây chính là chức năng quan trọng của quan hệ lao động.

Chính vì vậy, cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả có thể làm giảm thiểu các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và hài hòa quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Quan hệ lao động ổn định, hài hòa có tác động tích cực đến nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và góp phần đáng kể đảm bảo thực hiện tốt công bằng xã hội. Công bằng xã hội chính là một trong các yếu tố tiên quyết của một nền chính trị - an ninh ổn định, củng cố vững chắc niềm tin của người dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây cũng chính là chủ trương, đường lối mà Đảng đã đề ra trong Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05 tháng 6 năm 2008 về xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách tiền lương.

Theo Chương về Thương mại và phát triển bền vững tại Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế căn bản, cam kết thực hiện các nỗ lực một cách liên tục và chắc chắn tiến tới gia nhập các công ước cơ bản còn lại của ILO. Theo Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết thông qua và duy trì trong luật và trên thực tế những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO. Như vậy, có thể thấy, việc gia nhập Công ước số 98 nói riêng và các Công ước cơ bản còn lại của ILO nói chung là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay, là dấu mốc quan trọng, tăng cường cam kết chính trị của Việt Nam về việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ quốc gia thành viên ILO và các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sẽ có tác động tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.

Đối với các tác động về kinh tế - xã hội, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động thiết lập các tiêu chuẩn lao động khác trong quan hệ lao động. Ví dụ đại diện của người lao động và người sử dụng lao động có thể thương lượng về tiền lương, thời gian làm thêm, thời gian nghỉ phép năm và các chế độ phúc lợi khác… Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam. Việc gia nhập Công ước 98 khẳng định Việt Nam tôn trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh của Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việc Việt Nam gia nhập và thi hành Công ước số 98 sẽ không làm tăng chi phí xã hội và chi phí triển khai thực hiện.

Trình bày báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, qua thẩm tra, các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Nhấn mạnh, việc gia nhập Công ước số 98 thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 98.

Ủy ban Đối ngoại cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, nội luật hóa đảm bảo tính tương thích, phù hợp giữa các nội dung Công ước số 98 với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.  Xây dựng đề án triển khai; có lộ trình, có sự phân công, phối hợp triển khai từng công việc cụ thể, cần quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 98 đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp, người dân nhất là các chủ thể chịu tác động trực tiếp như:hệ thống công đoàn Việt Nam, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và người lao động. Xây dựng kế hoạch sớm gia nhập hai Công ước cơ bản còn lại của ILO: Công ước số 87 “về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức” và Công ước số 105 “về xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc”.

Đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nghiên cứu sớm trình sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Lao động năm 2012.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Công ước số 98 không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013. Các ý kiến thẩm tra cho rằng các nguyên tắcvề quyền tổ chức và thương lượng tập thể được quy định trong Công ước số 98 về cơ bản phù hợp pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, liên quan đến bảo đảm nguyên tắc tự nguyện của thương lượng tập thể, Bộ luật Lao động năm 2012 có một số nội dung chưa phù hợp với Công ước số 98.

Cụ thể: nguyên tắc thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện theo Điều 4 Công ước số 98 chưa được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012. Theo Điều 4 Công ước số 98, các bên có quyền tự nguyện, tự quyết định tiến hành thương lượng tập thể khi nào xuất phát từ nhu cầu các bên. Tuy nhiên, theo Điều 67 của Bộ luật Lao động năm 2012 quy định thương lượng tập thể được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất. Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/01/2015 quy định thương lượng tập thể được tiến hành ít nhất một năm một lần.

Việc trao quyền thương lượng tập thể đương nhiên cho Công đoàn cấp trên: Theo  Điều 4 Công ước số 98, người lao động được lựa chọn tổ chức đại diện cho mình trong thương lượng tập thể. Tuy nhiên theo Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2012 trao quyền đại diện đương nhiên cho Công đoàn cấp trên trong các doanh nghiệp chưa có Công đoàn cơ sở có quyền thay mặt người lao động ở đó để tiến hành thương lượng tập thể.

Về nội dung thương lượng tập thể, theo Điều 4 Công ước số 98, việc các bên quan hệ lao động tiến hành thương lượng về nội dung là do chính các bên quyết định trên cơ sở nhu cầu các bên chứ không phải do pháp luật quy định. Tuy nhiên, theo Điều 70 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về nội dung thương lượng tập thể mà các bên bắt buộc phải thương lượng.

Về cấp thương lượng tập thể: Theo Điều 4 Công ước số 98, các bên liên quan được toàn quyền lựa chọn cấp thương lượng, bao gồm cấp quốc gia, khu vực hoặc cấp ngành hoặc bất kỳ cấp nào mà họ mong muốn. Bộ luật Lao động năm 2012 không có những quy định hạn chế các cấp thương lượng tập thể, quy định quy tắc và thủ tục đối với thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp và cấp ngành nhưng chưa đề cập tới nội dung về chủ thể có quyền thương lượng tập thể và chủ thể đàm phán thương lượng tập thể về phía người lao động trong doanh nghiệp.

Về giải quyết tranh chấp tập thể vì lợi ích và thúc đẩy thương lượng tập thể: Theo Điều 4 Công ước số 98, việc giải quyết các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bằng thủ tục trọng tài phải trên cơ sở tự nguyện của chính các bên tranh chấp. Tuy nhiên, theo Điều 194 của Bộ luật Lao động năm 2012, thủ tục giải quyết tranh chấp tập thể về lợi ích bao gồm hòa giải và trọng tài bắt buộc và theo điểm b, khoản 2 Điều 204 Bộ luật Lao động năm 2012, khi việc hòa giải tranh chấp tập thể không thành thì bất kỳ bên tranh chấp nào cũng có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp.

Do vậy, cần đảm bảo đồng bộ về thời gian hiệu lực giữa Công ước số 98 và Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này để tránh tạo khoảng trống và xung đột pháp lý khi thi hành Công ước. Một số đại biểu cho rằng khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động  năm 2012 sẽ có một số quy định mới liên quan đến Luật Công đoàn năm 2012. Vì vậy cũng cần sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật./.

Nguyễn Thành