Sửa đổi Bộ luật Lao động đáp ứng thay đổi, đòi hỏi từ thực tế
16/05/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 14/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi dự thảo Bộ luật Lao động, với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Thông tin tại hội thảo, đại diện VCCI cho biết, đến nay, Bộ luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung và hiện tại nảy sinh những vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ của thị trường lao động cũng như yêu cầu nâng cao năng suất lao động, cải tiến quản trị nhân lực trong doanh nghiệp. Vì vậy, bộ luật này cần sớm được sửa đổi, bổ sung các quy định về: HĐLĐ, tiền lương, làm thêm giờ, tuyển dụng và quản lý lao động, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đối thoại tại nơi làm việc… nhằm tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sửa đổi Luật BHXH đáp ứng yêu cầu thay đổi, đòi hỏi từ thực tế (Ảnh minh hoạ)
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế phát triển sôi động như hiện nay, thì việc ổn định quan hệ lao động là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong hệ thống pháp luật lao động của nước ta, sau Hiến pháp, Bộ luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng, tác động đến toàn bộ hoạt động của xã hội. Chính vì vậy, theo ông Phòng, việc thể chế hóa những mong muốn, đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là việc làm hết sức cần thiết, để đảm bảo các quan hệ lao động được giải quyết theo hướng tích cực, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Chia sẻ về những thay đổi trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thông tin: Có 4 lý do quan trọng khi quyết định sửa đổi Bộ luật Lao động. Cụ thể: Thứ nhất, cần thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về chính sách tiền lương. Thứ hai, nhằm thể hiện các cam kết chính trị của Việt Nam đối với các hiệp định thương mại như CPTPP và sắp tới là Hiệp định Thương mại Việt Nam-EU. Thứ ba, nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực thi các điều kiện về tiêu chuẩn lao động, đáp ứng nhu cầu của quốc tế. Cuối cùng là nhằm đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời khắc phục những tồn tại, vướng mắc để hoàn thiện đánh giá, tổng kết của Chính phủ trong 5 năm vừa qua.
Cũng theo ông Lợi, trong số các vấn đề được đưa ra thảo luận, thì chính sách tiền lương, tăng giờ làm thêm, quy chế trả lương cho người lao động làm thêm giờ cũng như bổ sung, thay đổi các ngày nghỉ lễ trong năm là những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ cơ quan soạn thảo, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp.
Về vấn đề tiền lương và căn cứ xác định tiền lương, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tiền lương tối thiểu đảm bảo cho lao động giản đơn và mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Trong dự thảo lần này, thang lương, bảng lương, tiền thưởng sẽ do doanh nghiệp tự quyết định, nhưng phải đảm bảo được nguyên tắc tiền lương phản ánh giá cả sức lao động theo mặt bằng chung của thị trường.
Liên quan đến giờ làm thêm, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, cần tăng khung giờ làm thêm tối đa lên 450 giờ/năm, thay vì 400 giờ/năm như Dự thảo; đồng thời đề nghị bỏ quy định giờ làm thêm tối đa trong tháng, vì doanh nghiệp Việt đa số gia công theo hợp đồng xuất khẩu, có thời điểm phải đáp ứng kịp hàng cho đối tác, nên phải tăng ca nhiều, có thời điểm lại không phải tăng ca.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, đã có nhiều doanh nghiệp kiến nghị về những vấn đề này. Có những kiến nghị, Bộ LĐ-TB&XH phải tổng hợp vì vượt thẩm quyền của Chính phủ, mà phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, lần này, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa những vấn đề đó vào dự thảo luật để giải quyết những vướng mắc. "Tất cả những vướng mắc về HĐLĐ, về thẩm quyền giao kết, về xử lý kỷ luật lao động, về tranh chấp lao động… đều nằm trong phạm vi giải quyết vướng mắc. Theo đó, nhằm đảm bảo một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động cũng như xây dựng được mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp, nâng cao được năng lực cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam"- ông Thiện nhấn mạnh./.
VT
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Cảnh giác việc mạo danh viên chức BHXH tỉnh yêu cầu cập ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...