Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp Phiên toàn thể lần thứ 12

24/04/2019 05:00 PM


Chiều 24/4, tại TP.HCM, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã họp Phiên toàn thể lần thứ 12 để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sắp diễn ra. Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội chủ trì cuộc họp. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu tham dự phiên họp.

 

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, phiên họp lần này dự kiến kéo dài 3 ngày, từ 24/4 đến 26/4. Theo đó, phiên họp sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia; tình hình triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 và đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và các năm tiếp theo đối với các dự án, đề xuất thuộc lĩnh vực y tế, dân số; giám sát chuyên đề tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)…

Ở phiên họp đầu tiên, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Theo ông Phong, nhiều nội dung trước đây đã được Ban soạn thảo chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định cấm quảng cáo đối với bia từ 15 độ cồn trở lên; bỏ quy định cấm tài trợ đối với rượu bia từ 15 độ cồn trở lên và quy định điều kiện trong việc tài trợ; bỏ quy định về cấm hoàn toàn khuyến mại đối với rượu bia từ 15 độ cồn trở lên nhưng giữ lại quy định cấm sử dụng sản phẩm rượu bia để khuyến mại; bổ sung quy định cấm bán rượu bia cho người mà mình biết rõ là người chưa đủ 18 tuổi…

Góp ý cho dự thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, về cơ bản, Bộ Y tế đồng tình với giải trình, tiếp thu của dự thảo luật. Đối với tên gọi của luật, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất nên chọn phương án 2 với tên gọi là Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, thay vì tên gọi luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khỏe con người (phương án 1). Bởi lẽ, tên gọi theo phương án 1 vừa dài dòng và rối rắm, mà thực chất luật cũng nhằm mục đích phòng chống tác hại rượu bia. Thêm nữa, tên gọi “kiểm soát rượu bia vì sức khỏe con người” như phương án 1 nêu là đúng nhưng chưa đầy đủ.

Nhiều vụ việc cho thấy, rượu bia là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, mất kiểm soát khi sử dụng các phương tiện tham gia giao thông như vụ việc “xe điên” tông chết nữ lao công mới đây tại Hà Nội.… Do đó, Bộ trưởng mong muốn tên của luật là Luật Phòng chống tác hại của rượu bia./.

 

PV ( Theo Báo BHXH)