Lao động làng nghề: Nhiều thách thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

30/11/2018 05:00 PM


Hiện cả nước có 5.407 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng 11 triệu lao động và mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các làng nghề nhất là đối với những cơ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm tụt hậu, chất lượng lao động thấp.

 

Thiếu lao động có tay nghề

Là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời, gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô như: Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, thêu Quất động… Tính đến nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, đang tạo việc làm cho khoảng 01 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm. Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề đang đứng trước thực trạng thiếu lao động có tay nghề, để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến sản phẩm các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Phương Quang - Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ cho biết, vài năm trở lại đây, làng nghề Phú Vinh vốn nổi tiếng cả nước với nghề mây tre đan truyền thống, nhưng không phát triển được vì thiếu đội ngũ lao động kế cận lành nghề. Thường các hộ sản xuất chỉ làm theo mẫu có sẵn, chứ không có nhiều thợ có trình độ tay nghề, có thể thiết kế mẫu mã sản phẩm nên hàng hóa không đa dạng, thiếu sức cạnh tranh, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao và khắt khe nên không thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.

Tương tự, ông Nguyễn Như Diên, Cơ sở giày dép da Son Linh (thôn Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho hay, làng nghề da giày Phú Yên hiện đang đối diện với tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề cao. Rất nhiều lao động tại địa phương đã không còn thiết tha với nghề mà chuyển sang làm tại các khu, cụm công nghiệp với mức thu nhập ổn định hơn cùng với các chế độ bảo hiểm kèm theo.

Để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp làng nghề phát triển, mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND về hoạt động phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội năm 2018. Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ đào tạo nghề cho 24.000 lao động nông thôn; hỗ trợ cho 40 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn truyền nghề, nhân cấy nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.400 lao động nông thôn, tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho khoảng 1.500 lượt cán bộ quản lý doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất nông nghiệp nông thôn theo chương trình khuyến công thành phố Hà Nội.

Vì sao làng nghề khó thu hút nhân lực chất lượng?

TS. Nguyễn Vi Khải, Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển và Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đánh giá, đến 99% số làng nghề hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, theo kiểu cha truyền con nối, với số lao động bình quân từ 10 -15 người/cơ sở sản xuất. “Số cơ sở sản xuất hiện đại, quy mô lớn rất ít, đếm trên đầu ngón tay", ông Khải nói.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, hiện các làng nghề đang tạo rất nhiều việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định. Nhưng hiện các làng nghề đang dần mai một và chưa có sức hút đối với người lao động, nhất là lao động có tay nghề cao. Trên thực tế, việc thiếu nhân lực có kỹ thuật của các làng nghề đang ngày càng trở nên trầm trọng, do lao động có tay nghề đang chuyển dịch sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc thoát ly khỏi địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng, đào tạo một thợ thủ công giỏi phải mất nhiều thời gian; thậm chí có những nghề, một thầy đào tạo một trò phải mất cả chục năm mới có trò giỏi. Để thành nghệ nhân không chỉ là học kiến thức mà còn phải có năng khiếu. Trong khi đó, thời gian qua, tình trạng người dân mất nhiều thời gian, công sức để theo học nhưng không được làm nghề khá phổ biến.

Có huyện miền núi được ưu tiên phát triển nghề mây tre giang đan với hàng trăm triệu đồng dành cho việc đào tạo nghề, mua máy móc, thiết bị, nhà xưởng, tư vấn thiết kế và thành lập doanh nghiệp. Bà con học nghề xong rồi mới vỡ lẽ là nguyên liệu tại chỗ không đủ cung cấp. Nếu phải mua nguyên liệu từ xa về thì giá thành sản phẩm cao, không hấp dẫn khách hàng. Thậm chí, gặp hợp đồng lớn là không xoay xở kịp nguồn nguyên liệu. Hầu hết các cơ sở ở miền xuôi khó khăn về mặt bằng sản xuất, khu vực miền núi thì không thuận lợi giao thông, thời gian đào tạo ngắn (3-6 tháng) nên tay nghề người lao động chưa cao, không đáp ứng yêu cầu hàng xuất khẩu. Cũng có doanh nghiệp lại khó ở khâu tìm thị trường tiêu thụ đành xuất khẩu qua trung gian nên lợi nhuận chẳng còn được bao nhiêu. Kết quả là tiền công người lao động thấp nên nhiều người bỏ nghề./.

 

Theo baodansinh.vn