Hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực BH thất nghiệp

27/11/2018 05:00 PM


Bộ LĐ-TB&XH đang tổ chức lấy ý kiến góp ý công khai vào Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BH thất nghiệp về BH thất nghiệp.

 

Phạm vi, đối tượng áp dụng Thông tư

Dự kiến, Thông tư này sẽ hướng dẫn về việc: Thứ nhất, tham gia BH thất nghiệp, tiếp nhận giải quyết các chế độ BH thất nghiệp và việc trao đổi thông tin liên quan đến việc thực hiện các chế độ BH thất nghiệp bằng phương thức điện tử. Thứ hai, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động bằng phương thức điện tử bao gồm: Tra cứu thông tin của NLĐ đang hưởng các chế độ BH thất nghiệp; thông tin của người sử dụng lao động được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; gửi các văn bản, thông báo của cơ quan giải quyết các chế độ BH thất nghiệp cho NLĐ, người sử dụng lao động.

Việc tham gia và giải quyết các chế độ BH thất nghiệp sẽ được thực hiện bằng phương thức điện tử. (Nguồn ảnh: Internet)

Đối tượng áp dụng Thông tư sẽ gồm: NLĐ, người sử dụng lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BH thất nghiệp theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm. Đơn vị thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết hưởng các chế độ BH thất nghiệp (Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm thành lập được giao các nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Luật Việc làm). Đơn vị thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đóng BH thất nghiệp và chi trả trợ cấp thất nghiệp (cơ quan BHXH). Cơ quan xây dựng, triển khai và quản lý dữ liệu về BH thất nghiệp (Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH; Cơ quan BHXH). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nguyên tắc thực hiện

Giao dịch điện tử trong lĩnh vực này được thực hiện theo các nguyên tắc sau: Phải tuân theo nguyên tắc rõ ràng, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả và phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử; Bảo đảm tính liên tục, kịp thời, rõ ràng, chính xác, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo mật và toàn vẹn thông tin; Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử hoặc giao dịch bằng phương thức truyền thống trong lĩnh vực BH thất nghiệp.

Điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BH thất nghiệp

Dự thảo Thông tư quy định có 03 điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực này gồm:

Thứ nhất, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BH thất nghiệp phải bảo đảm các điều kiện sau: Có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Trường hợp cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BH thất nghiệp nhưng chưa được cấp chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cấp. Có khả năng truy cập, sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử liên lạc ổn định và đăng ký với Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH).

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn giao dịch BH thất nghiệp bằng phương tiện điện tử hoặc bằng phương thức truyền thống. (Nguồn ảnh: Internet)

Thứ hai, các giấy tờ ở dạng chứng từ giấy phải còn giá trị pháp lý để các tài liệu chứng từ điện tử có giá trị pháp lý tương đương.

Thứ ba, NLĐ, người sử dụng lao động khi thực hiện các giao dịch điện tử phải có tài khoản giao dịch điện tử để đăng nhập vào cổng thông tin điện tử.

Theo đó, dự thảo Thông tư cũng đưa ra những quy định cụ thể về việc tham gia BH thất nghiệp qua mạng điện tử; giải quyết các chế độ BH thất nghiệp qua mạng điện tử; quản lý dữ liệu BH thất nghiệp điện tử.

Hiện dự thảo Thông tư này đang được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức lấy ý kiến công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ từ ngày 12/11/2018 đến ngày 12/01/2019.

 

Theo BHXH VN