Lao động Việt Nam: “Vàng” về số lượng, chưa “vàng” về chất lượng

05/11/2018 05:00 PM


Việt Nam là quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao, nhưng lao động nước ta chỉ “vàng” về số lượng, chứ chưa “vàng” về chất lượng bởi có gần 77% lực lượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

 

Đó là nhận định được đưa ra tại diễn đàn khoa học “Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0” diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Lao động giản đơn trước nguy cơ bị sa thải

Tại diễn đàn, TS.Trần Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, nước ta có lực lượng lao động dồi dào (ước khoảng 56 triệu người), năng suất lao động và GDP bình quân đầu người đang có xu hướng tăng. Cụ thể, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016; GDP bình quân đầu người đạt 53,5 triệu đồng năm 2017, cao hơn gần 5 triệu đồng so với năm 2016.

Lao động giản đơn có nguy cơ thất nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã giải phóng sức lao động của con người, các công việc nặng nhọc đang được chuyển giao cho máy móc, sản xuất với hiệu quả và năng suất cao hơn. Tuy nhiên, TS.Trần Hồng Quang cũng đưa ra nhận định, bên cạnh những mặt tích cực, thì cuộc CMCN 4.0 cũng đan xen cả những thách thức nhất định, đó là vấn đề thất nghiệp và bất bình đẳng trong thu nhập có nguy cơ gia tăng nhanh. Đồng thời, các công việc sẽ đòi hỏi những lao động có tiềm năng về tư duy trí tuệ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn. Những lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ bị đào thải.

Phân tích thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Thuật - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho hay, Việt Nam là một quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao, nhưng lao động trong nền kinh tế nước ta chỉ “vàng” về số lượng, chứ chưa “vàng” về chất lượng bởi có gần 77% (hơn 43 triệu lao động) lực lượng lao động của cả nước không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

“Đây thật sự là một báo động “đỏ” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong bối cảnh cuộc CMCN4.0, bởi lực lượng lao động giản đơn vẫn còn quá đông và chưa có dấu hiệu giảm nhanh trong suốt hàng thập kỷ qua” - TS.Nguyễn Văn Thật nhận định.

Thông tin thêm về vấn đề này,  PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thị trường lao động hiện nay vẫn chủ yếu và phổ biến là cung và cầu lao động kỹ năng thấp. Cung lao động Việt Nam chủ yếu là lao động trẻ, trình độ thấp, giá rẻ. Mới chỉ có 20,01% được đào tạo cơ bản, còn lại gần 80% không được đào tạo. Tuy nhiên trong số 20,01% này, cơ cấu đào tạo cũng chưa hợp lý, thầy nhiều thợ ít, lực lượng công nhân kỹ thuật bậc cao rất khan hiếm. Bậc trên đại học, cử nhân, kỹ sư nhiều hơn so với nhu cầu thị trường lao động.

Lao động cần nâng cao tay nghề, kỹ năng

Theo TS. Nguyễn Văn Thuật, trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, việc cần đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tay nghề, kỹ năng cho lao động giản đơn là điều cần thiết vừa để đáp ứng tốt nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, vừa là cơ sở để mỗi lao động khẳng định bản thân để có thể gia nhập vào vị thế của loại hình lao động cao hơn mà sự phát triển đang cần.

Đồng quan điểm, PGS.TS Cao Văn Sâm, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra nhiều việc làm mới. Đối với lao động giản đơn, những công việc mới đòi hỏi lực lượng này cần có kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp. Tuy nhiên, với vấn đề kỹ năng mềm hiện nay được đề cập trong chính sách đào tạo vẫn còn khá mờ nhạt. Mặt khác, để tạo điều kiện cho việc thống nhất số liệu thống kê về lao động giản đơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ LĐ-TB&XH cần xây dựng Thông tư quy định cho việc này, đặc biệt về các tiêu chí của lao động giản đơn.

Robot sẽ làm những công việc giản đơn thay thế con người.

PGS.TS. Vũ Quang Thọ, Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, với CMCN 4.0, nhiều việc làm có thể được tự động hóa và mất đi. Thay vào đó là các loại việc làm mới ra đời, bao gồm: Việc làm thiết kế các hệ thống tự động hóa; việc làm thiết kế và vận hành in 3D; việc làm kết nối; việc làm đòi hỏi tình yêu thương thực sự của con người (các chuyên gia tư vấn tâm lý, bác sĩ tâm lý, trông trẻ sơ sinh); việc làm đòi hỏi sự cảm thông (hòa giải viên, thẩm phán); việc làm của các chuyên gia trong các lĩnh vực phân tích rủi ro, phân tích dữ liệu lớn, lựa chọn giải pháp,…

Để nâng cao các kỹ năng cần thiết cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng này mang lại, PGS.TS.Nguyễn Quang Thọ, Viện trưởng Viện công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu giải pháp: Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động vể bản chất, nội dung và yêu cầu của CMCN 4.0 và tác động của nó đến nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng. Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm. Thứ ba, cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp, tạo bước chuyển rõ nét, thực chất về chất lượng, hiệu quả giáp dục nghề nghiệp thích ứng với CMCN 4.0.

Còn theo PGS.TS. Bùi Văn Huyền, Viện Kinh tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thì chính sách giáo dục của Việt Nam cần được thay đổi để đáp ứng nhu cầu kỹ năng mới của cuộc CMCN 4.0. Cần áp dụng kết hợp công nghệ dữ liệu cỡ lớn và công nghệ học tập của máy móc để có được một chính sách đảm bảo an sinh xã hội trong vòng đời của người dân. Ngoài ra, đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quản lý lao động và kết nối việc làm giữa người lao động và doanh nghiệp; xây dựng nền tảng số cho chính sách an sinh xã hội đem lại việc làm cho người lao động ở nhiều trình độ kỹ năng khác nhau; đồng thời, định hình mô hình an sinh xã hội mới của Việt Nam.

*** Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, với khoảng 43 triệu lao động giản đơn hiện nay thì phần lớn không phải là lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức, mà chủ yếu là lao động nông nghiệp, lao động tự do và lao động trong khu vực phi chính thức, có công việc không ổn định và thu nhập thấp. Hơn nữa, số lao động giản đơn hằng năm của Việt Nam gần như không giảm hoặc giảm rất chậm, giảm không đáng kể trong giai đoạn từ năm 2012-2017. Cụ thể, năm 2017 lực lượng lao động đã tăng thêm 2,9 triệu người so với năm 2012, trong khi lao động giản đơn chỉ giảm 0,5 triệu người năm 2017 so với năm 2012.

 

Thao baodansinh.vn