Chính phủ muốn cải thiện thực chất hơn môi trường kinh doanh

15/10/2018 05:00 PM


Đây là nội dung được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi giải đáp về Bộ Chỉ số phát triển doanh nghiệp. Quan điểm được lãnh đạo Chính phủ khẳng định là cần các số liệu phản ánh rõ ràng tình hình “sức khoẻ” của doanh nghiệp, từ đó có các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả, thực chất hơn.

 

Chỉ số mới liệu đã phản ánh bức tranh doanh nghiệp?

Để tiếp tục thực hiện thông điệp về một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp với tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hằng năm, Chính phủ đều ban hành Nghị quyết 19 để đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ xác định mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 nước ta có khoảng 1 triệu doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các cơ quan hữu quan xây dựng và công bố Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương. Mục tiêu của Bộ chỉ số này là cùng với những chỉ số đã có giúp cho Chính phủ và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương biết được tình hình phát triển doanh nghiệp của đất nước, địa phương. Việc công bố Bộ chỉ tiêu sẽ đưa ra bức tranh về tình hình phát triển doanh nghiệp; giúp các địa phương thấy rõ mình đang nằm ở đâu trên bản đồ phát triển doanh nghiệp Việt Nam”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải cải thiện môi trường kinh doanh thực chất hơn.

"Bộ chỉ số này cũng là cơ sở tốt để Chính phủ, các cơ quan nhà nước, các địa phương tham khảo, nghiên cứu và đề ra chính sách phù hợp”, Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê sẽ thực hiện và công bố hằng năm Bộ chỉ tiêu vào ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Trong Bộ chỉ tiêu mới công bố, có khá nhiều chỉ tiêu hiện đã có như doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp giải thể, lao động khu vực doanh nghiệp, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh…

Một số điểm mới đáng chú ý là lợi nhuận trước thuế, đóng góp và ngân sách nhà nước, thu nhập người lao động… của các khu vực kinh tế cũng như các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Nhìn vào các chỉ số này dư luận cũng như người làm chính sách có thể nhận ra một số vấn đề, ưu điểm cũng như hạn chế trong sự đóng góp của từng loại hình doanh nghiệp.

Cụ thể, nếu chỉ dựa vào Bộ số liệu mới của riêng năm 2017, có thể thấy khu vực doanh nghiệp FDI có doanh thu và lợi nhuận trước thuế khá lớn, nhưng đóng góp cho ngân sách lại thấp nhất so với các doanh nghiệp khu vực khác.  
Năm 2017, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các loại hình doanh nghiệp khác với 384,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,8% lợi nhuận của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 17,6% so với năm 2016. Nhưng về nộp ngân sách, năm 2017, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước với 407,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,7% đóng góp của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 22,2% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp 280,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,4%, tăng 1,3%; khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp 265,97 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,9%, tăng 6%. Điều này đặt ra những yêu cầu về việc rà soát các cơ chế chính sách, làm sao để tối đa hoá lợi ích. 
“Vừa rồi tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam cho thấy, các DN FDI đóng góp cho nền kinh tế 20% GDP nhưng thuế nộp cho ngân sách chỉ chiếm 14%. Vì thế, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ các DN FDI, rà soát lại các chính sách ưu đãi, tăng cường rà soát các hạn chế, nhược điểm của DN FDI về lợi nhuận, nộp ngân sách, tình trạng chuyển giá, quy mô tăng thêm nhưng lợi nhuận khai báo thấp…”, Phó Thủ tướng nói.

Tiếp tục bổ sung chỉ tiêu và các góc nhìn đa chiều

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, Bộ Chỉ số phát triển doanh nghiệp vẫn chưa làm sáng rõ được các vấn đề người làm chính sách cần quan tâm như: Vì sao doanh thu khu vực doanh nghiệp một khu vực nào đó lớn nhất, mà lợi nhuận lại thấp nhất.  Hoặc như chỉ số mới thống kê vốn của DN đăng kí thành lập mới khá lớn, năm 2017 là hàng triệu tỷ đồng, không rõ được dòng tiền đó đi được bao nhiêu vào nền kinh tế; sau 1 năm, liệu có bao nhiêu doanh nghiệp “nâng cấp” lên, từ nhỏ lên vừa, vừa lên lớn…?

Các chuyên gia cũng phản ánh rằng chưa có đánh giá chính xác về đóng góp của kinh tế tư nhân vào khu vực kinh tế. Các doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, có mâu thuẫn gì mới, các nguyên nhân khiến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể là gì vẫn còn khá chung chung.

Về môi trường kinh doanh, theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo về kinh tế tư nhân mới đây, “hệ thống pháp luật không cụ thể, rõ ràng, minh bạch cùng sự áp dụng tuỳ tiện, sáng đúng chiều sai, sáng mai lại đúng, doanh nhân đối mặt với điều này không tính toán được lâu dài nên cách làm của họ là nhỏ và không lớn, không chính thức”.

Thực tế, theo các chuyên gia, với việc có tới 5,1 triệu hộ kinh doanh lớn nhỏ, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được, nhưng vấn đề sức mạnh của số doanh nghiệp này thế nào, đóng góp ra sao cho nền kinh tế mới là điều quan trọng.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần coi Bộ Chỉ số phát triển doanh nghiệp như báo cáo gốc dẫn ra số liệu thực trạng doanh nghiệp, như một báo cáo thống kê “mẹ” của Chính phủ. Bên cạnh đó, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cũng sẽ có báo cáo “con” riêng dưới góc nhìn khác nhau. “Bản thân VCCI cũng sẽ có báo cáo thường niên doanh nghiệp, trong đó có nêu cụ thể các vấn đề của doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Đại diện VCCI cho rằng, các báo cáo khác cần tập trung hơn vào phân tích lý giải. Cụ thể như vấn đề khởi nghiệp, có những địa phương làm rất tốt, ví dụ như Bến Tre số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công tăng vài lần, ngược lại có địa phương lại giảm sút. Nhiệm vụ các cơ quan là phân tích được các nguyên nhân thành công và thất bại.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, ngoài cải thiện thủ tục thể chế, Nhà nước cần có cơ chế chuyển giao dịch vụ công cho thị trường nhiều hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng Bộ Chỉ số phát triển doanh nghiệp cho thấy bức tranh toàn diện và đầy đủ nhất từ trước đến nay, phản ánh “sức khoẻ” doanh nghiệp, từ đó có những điều chỉnh chính sách phù hợp.

“Tuy nhiên, bộ chỉ số này chưa thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu, cần thời gian đánh giá sâu, toàn diện hơn, chúng tôi sẽ tổng kết khi triển khai để kịp thời tham mưu Chính phủ giải pháp trong thời gian tới đối với việc phát triển DN hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc xoá bỏ rào cản, cải cách thể chế chưa đồng bộ, vẫn có nơi doanh nghiệp phản ánh về việc gặp nhiều khó khăn. Quan trọng các chính sách cần tăng cường minh bạch, dễ dự báo, bảo đảm tính phù hợp nền kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó trực tiếp là Tổng cục Thống kê tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, hoàn thiện Bộ chỉ tiêu đã có, nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin. Đây là thông tin nguồn chính thức, chính thống của Nhà nước nên phải bảo đảm tính chính xác, xác thực ở mức độ cao nhất. Đồng thời sớm biên soạn và xuất bản sách trắng về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 trong quý IV năm 2018 này. 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, về tình hình doanh nghiệp, hằng năm các hiệp hội như Eurocham hay VCCI cũng có sách trắng cung cấp thông tin nhiều chiều về doanh nghiệp. “Mục tiêu của Chính phủ năm nay là phải tiếp tục cải thiện thực chất hơn môi trường đầu tư kinh doanh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

 

Theo VGP