Kiên định thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục các giải pháp cải cách hành chính
02/10/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhân dịp Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thông tin về bức tranh tổng thể tình hình kinh tế - xã hội của nước ta.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. (Nguồn ảnh: Internet)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong những tháng đầu năm 2018 tiếp tục với đà chuyển biến tích cực, năm sau tốt hơn năm trước, đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2018 ước hoàn thành và vượt 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Kết quả của năm 2018 và giai đoạn 2018-2020 là những nền tảng quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. Kết quả nổi bật nhất là lạm phát được kiểm soát liên tiếp trong năm thứ 3 của giai đoạn 2016 - 2020, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) luôn duy trì ở mức dưới 4%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6,98%, cả năm dự báo triển vọng có thể đạt cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6,7%. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 đạt 5,5 triệu tỷ đồng (tương đương 240,5 tỷ USD), gấp 1,33 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015. Tăng trưởng kinh tế dịch chuyển dần sang chiều sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng được nâng lên. Đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 42,18% (giai đoạn 2011 - 2015 đạt 33,58%), năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng 5,62%, cao hơn mức tăng của các nước ASEAN và vượt mục tiêu bình quân 5 năm được Quốc hội giao.
Động lực tăng trưởng kinh tế đến từ cả phía cung và phía cầu, trong đó, đáng chú ý là sự phát triển toàn diện của tất cả các ngành, lĩnh vực, với nhiều nhân tố mới. Điểm nổi bật là cả ba khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ; trong đó nông nghiệp 9 tháng tăng 3,65%, cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2012, nhờ chuyển biến hiệu quả của quá trình cơ cấu lại ngành. Tổng cầu tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%. Với xu hướng tốt như hiện nay, tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 có thể sẽ đạt mục tiêu Đại hội Đảng XII đề ra là 6,5 - 7%, cao hơn bình quân giai đoạn 2011 - 2015 (5,91%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm mạnh, từ 17,4% năm 2015 xuống 14,8% năm 2018; các khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ 82,6% lên 85,2%. Cơ cấu nội ngành đi vào thực chất hơn.
Như vậy, cả nước đang thực hiện hiệu quả và dự báo sẽ thành công “mục tiêu kép” là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội...
Nhiều tổ chức quốc tế cũng tin tưởng vào thành công của chúng ta và đã có những dự báo tích cực đối với Việt Nam, Ngân hàng Thế giới WB dự báo tăng trưởng GDP cả năm nay sẽ là 6,8%, Ngân hàng phát triển châu Á ADB tiếp tục dự báo khoảng 6,9%, Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB với triển vọng ổn định, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng bậc xếp hạng trái phiếu Chính phủ Việt Nam dài hạn bằng ngoại tế và khoản vay không được bảo đảm lên mức Ba3 từ mức B1 và thay đổi triển vọng kinh tế từ tích cực sang ổn định.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành và vượt các mục tiêu kế hoạch không chỉ cho năm 2018 mà còn cho cả nhiệm kỳ. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, phải thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; kiên định thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô...
Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2019 là tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; quyết liệt đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN và tận dụng hiệu quả CMCN 4.0. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ...
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng. (Nguồn ảnh: Internet)
Để đạt được những mục tiêu này, các ngành, các cấp cần tiếp tục thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều hành, phối hợp đồng bộ, linh hoạt, chủ động chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Nghiên cứu xây dựng Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Thực hiện tốt công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mang tính thử nghiệm gây sốc, tác động xấu đến xã hội và người dân. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao...
Tập trung nguồn lực thực hiện một số dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm có tính lan toả cao; đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các dự án trọng điểm quốc gia và các điều kiện cần thiết để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn nữa trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ngoài ra, Chính phủ cũng xác định các giải pháp quan trọng khác nhằm bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát triển toàn diện các lĩnh vực xã hội. Chú trọng các giải pháp phát huy nguồn lực tài nguyên gắn với đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế...
*** Các chỉ tiêu kinh tế dự kiến năm 2019:
- GDP tăng 6,6 - 6,8%
- Tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%.
- Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 33 - 34% GDP.
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...