Nhu cầu về chăm sóc dài hạn người cao tuổi ngày càng cao

16/09/2018 05:00 PM


Sáng ngày 17/9/2018 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO); Qũy dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tổ chức Hội nghị tập huấn về Chăm sóc dài hạn. PGS.TS.Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội thảo.

 

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Văn Tiên, nguyên Chủ nhiệm Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Văn phòng đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo Bộ Lao động thương binh và xã hôi; BHXH Việt Nam; WHO và các đơn vị liên quan.

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS.Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, nhờ những thành quả của phát triển kinh tế - xã hội và công tác y tế, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng lên. Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2035. Theo nhận định của Liên hiệp quốc, từ nay đến năm 2050, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.

Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, đòi hỏi hệ thống y tế cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bệnh tật ở người cao tuổi (NCT) chủ yếu là không lây nhiễm và mạn tính, nhiều bệnh nặng đang ngày càng phổ biến như: ung thư, căng thẳng, bệnh hệ thần kinh... Những xu hướng này khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Không những vậy, NCT còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư khác.

Để giải quyết những thách thức và tận dụng cơ hội của thời kỳ già hóa dân số hiện nay, cần  tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số và nhu cầu của NCT vào tất cả các chương trình, chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách, chương trình về an sinh xã hội; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc NCT; xây dựng chính sách tài chính phù hợp cho chăm sóc người cao tuổi.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng cho biết, trước bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, tăng cường công tác y tế cơ sở cho chăm sóc ban đầu, triển khai mô hình bác sĩ gia đình theo hướng tiếp cận chăm sóc toàn diện, liên tục để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức sức khỏe của người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng. Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025.

Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ phối hợp với WHO tổ chức một số đợt tập huấn về chăm sóc dài hạn. Hoạt động này nhằm hỗ trợ các cán bộ quản lý, xây dựng và thực hiện chính sách từ các cấp độ khác nhau ở Việt Nam hiểu rõ hơn về mô hình lão hóa lành mạnh của WHO và bộ công cụ đánh giá quốc gia để chuẩn bị cho chăm sóc dài hạn (CAT-LTC), các điều kiện cần thiết để xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn và cách thức phát triển kế hoạch hành động quốc gia.

Tại hội thảo, đại diện WHO cho biết: Chiến lược toàn cầu về già hóa và sức khỏe đã được phê duyệt tại Hội nghị Y tế thế giới năm 2016 kêu gọi hành động toàn cầu hỗ trợ già hóa khỏe mạnh thông qua các định hướng chiến lược; chăm sóc dài hạn là các hoạt động được thực hiện bởi người khác để đảm bảo rằng những người đang bị mất dần khả năng nội tại có thể có thể duy trì một mức độ năng lực hoạt động phù hợp với quyền cơ bản của họ, quyền tự do cốt lõi và phẩm giá con người. Các hoạt động này bao gồm chăm sóc xã hội, chăm sóc dài hạn tạo điều kiện cho người cao tuổi hoạt động/ tự làm càng nhiều càng tốt thay vì thay thế khả năng hiện tại hoặc tiềm ẩn của họ bằng một dịch vụ mà cuối cùng có thể giảm chức năng và tăng sự phụ thuộc vào chăm sóc…

PGS.TS.Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe một số tham luận của diện WHO, UNFPA; JICA, Vụ BHYT, Bộ Y tế trình bày một số nội dung thảo luận như: Già hoá dân số đang thay đổi; Toạ đàm về phân biệt tuổi tác; Thảo luận sự phân biệt tuổi tác đã tác động đến người cao tuổi ở Việt Nam như thế nào và làm thế nào để cân nhắc điều này trong hoạch định chính sách; Già hoá khỏe mạnh; Tạo ra môi trường thân thiện với người cao tuổi ở Việt Nam để hạn chế nhu cầu chăm sóc dài hạn và hỗ trợ chăm sóc dài hạn khi cần thiết; Dịch vụ chăm sóc dài hạn và dịch vụ chăm sóc miễn phí ở Việt Nam hiện nay; Các vấn đề và thách thức về chăm sóc dài hạn- quan điểm của nhà cung cấp dịch vụ.

Hội thảo giúp các nhà hoạch định chính sách từ các lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam hiểu hơn về mô hình già hoá khỏe mạnh của WHO, nhu cầu thiết lập một hệ thống chăm sóc dài và cách thức xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia với sự hỗ trợ của Công cụ đánh giá quốc gia do WHO xây dựng để quốc gia chuẩn bị cho chăm sóc dài hạn. Đồng thời Hội thảo cũng là cơ Hội để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các quan chức chính phủ Việt Nam, đại diện các tổ chức phi chính phủ, đại diện từ các quốc gia khác trong khu vực, Văn phòng WHO và Văn phòng UNFPA.

Hội thảo tập huấn về Chăm sóc dài hạn diễn ra trong 03 ngày từ ngày 17-19/9/2018 với các nội dung chủ yếu là đánh giá về chăm sóc dài hạn và tìm hiểu hệ thống chăm sóc dài hạn của các quốc gia Châu Á và các bước tiếp theo./.

 

Theo BHXH VN