Cải cách hành chính trong tăng cường Hệ thống trợ giúp xã hội

17/09/2018 05:00 PM


Sau 3 năm triển khai thí điểm dự án, có khoảng hơn 320.000 hộ gia đình tại 04 tỉnh thí điểm dự án trong diện hưởng lợi, và khoảng hơn 18.000 đối tượng bổ sung thuộc hộ nghèo gồm: phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 03 tuổi, trẻ em từ 3 đến dưới 16 tuổi không đi học đang nhận hỗ trợ từ dự án. Mạng lưới hơn 6000 cộng tác viên thôn/bản làm nhiệm vụ truyền thông và hỗ trợ người dân, cùng với đường dây tư vấn miễn phí 1800.1567 tư vấn và giải đáp thắc mắc cho người dân 24/24h.

 

Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội của đất nước đang phát triển ngày một nhanh chóng, song song với đó là những thách thức và nguy cơ đặt ra đối với vấn đề xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội. Cùng với các chiến lược và đề ánlâu dài của Chính phủ nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả của hệ thống giảm nghèo và trợ giúp xã hội, Ngành LĐ-TBXH cũng đã triển khai thực hiện nhiều những chương trình, chính sách giảm nghèo, chủ yếu hỗ trợ bằng tiền mặt, và huy động sức mạnh và sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn xã hội, người nghèo đã tiếp cận nhiều hơn với các chính sách trợ giúp xã hội, đời sống của họ từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, những trở ngại và thách thức đặt ra không hề nhỏ. Điều này cần đến một cải cách kỹ thuật ở tầm vĩ mô và cần thiết phải có một cơ sở dữ liệu quốc gia trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả của hệ thống giảm nghèo và trợ giúp xã hội về lâu dài.

Nằm trong lộ trình cải cách hành chính trong lĩnh vực giảm nghèo và trợ giúp xã hội, Dự án Tăng cường Hệ thống Trợ giúp Xã hội Việt Nam là dự án vay vốn đầu tư từ Ngân hàng Thế giới, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện trên tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” bằng cách xây dựng các giải pháp hiện đại hóa hệ thống trợ giúp xã hội, hợp nhất chương trình và quy trình triển khai các chương trình trợ giúp tiền mặt và thí điểm tại bốn tỉnh tham gia dự án. Qua đó, dự án dự kiến sẽ đặt nền tảng vững chắc cho việc mở rộng quy mô hợp nhất và triển khai hệ thống hiện đại trên toàn quốc cho những năm sau 2020.

Trẻ em dưới 03 tuổi, trẻ em từ 3 đến dưới 16 tuổi không đi học đang nhận hỗ trợ từ dự án

Mục tiêu phát triển của Dự án nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam Tăng cường Hệ thống Trợ giúp Xã hội nhờ đổi mới cách quản lý và cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội trên quy mô toàn quốc và thí điểm áp dụng các sáng kiến đổi mới tại bốn tỉnh của Dự án gồm Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh.

Cụ thể, Dự án xây dựng Hệ thống thông tin quản lý trợ giúp xã hội MIS Posasoft hiện đại để quản lý thông tin, dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội trên phạm vi cả nước.

Dự án cũng đề xuất lộ trình hợp nhất các chính sách hỗ trợ người nghèo do các cơ quan quản lý khác nhau thành một gói trợ cấp gia đình nhằm dử dụng hiệu quả nguồn lực hướng đến giảm nghèo bền vững. Tách rõ chức năng hỗ trợ thu nhập cho các đối tượng trợ giúp xã hội với chức năng cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong giai đoạn thử nghiệm từ 2015-2018, dự án đã hỗ trợ thử nghiệm một hệ thống tăng cường trợ giúp xã hội hiệu quả hơn thông qua một chương trình trợ giúp xã hội hợp nhất mang tên “Chương trình cơ hội”, thay thế các chương trình hỗ trợ tiền mặt hiện có, gồm:(1) hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội – theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 60/2014/QĐ-TTg; (2) hỗ trợ chi phí học tập – theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; (3) hỗ trợ học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số hoặc người Kinh thuộc hộ nghèo có hộ khẩu thường trú tại xã thuộc khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP; (4)Chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Ngoài ra một phần kinh phí của Dự án sẽ được dùng để chi trả cho các đối tượng bổ sung: phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, trẻ em từ 0 đến dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo và trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến dưới 16 tuổi không đi học thuộc hộ nghèo.

Đổi mới trong công tác chi trả tách chức năng quản lý đối tượng ra khỏi chức năng chi trả, thể hiện qua việc chi trả gói trợ cấp gia đình của Chương trình Cơ hội, sử dụng một cơ quan chi trả chuyên nghiệp và độc lập, đối tác được lựa chọn là Bưu điện Việt Nam, hàng tháng sẽ chi trả 1 lần đúng thời hạn tại một điểm chi trả tập trung trong xã và chi trả tại nhà đối với các đối tượng khó khăn.

Ngoài ra, để đạt mục tiêu của Dự án về phát triển con người, các cộng tác viên thôn/bản sẽ là công cụ quan trọng đảm bảo thực hiện các trách nhiệm đã cam kết của các bên liên quan, gồm các hộ thụ hưởng và cộng đồng. Họ thực hiện một số chức năng giống các nhân viên công tác xã hội, gồm tích cực thăm hỏi, động viên, thúc đẩy cộng đồng, đặc biệt các hộ hưởng lợi, nâng cao kỹ năng nuôi dạy con, khuyến khích các hành vi có lợi cho trẻ em và tạo nhu cầu sử dụng các dịch vụ xã hội căn bản, đặc biệt trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phúc lợi xã hội khác.

Dự án được khởi động từ năm 2015 tại bốn tỉnh thí điểm và đã kết thúc thí điểm chi trả vào ngày 30/06/3018.

Sau 3 năm triển khai thí điểm dự án, có khoảng hơn 320.000 hộ gia đình tại 04 tỉnh thí điểm dự án trong diện hưởng lợi, và khoảng hơn 18.000 đối tượng bổ sung thuộc hộ nghèo gồm: phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 03 tuổi, trẻ em từ 3 đến dưới 16 tuổi không đi học đang nhận hỗ trợ từ dự án. Mạng lưới hơn 6000 cộng tác viên thôn/bản làm nhiệm vụ truyền thông và hỗ trợ người dân, cùng với đường dây tư vấn miễn phí 1800.1567 tư vấn và giải đáp thắc mắc cho người dân 24/24h.

Hệ thống thông tin quản lý trợ giúp xã hội MIS Posasoft cũng đã được xây dựng và hoàn thiện. Dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ bảo trợ xã hội năm 2015 của cả nước đã hoàn thành và đưa vào phần mềm quản lý MIS Posasoft, hiện các tỉnh đang gấp rút rà soát và cập nhật dữ liệu 2016 và 2017 để cập nhật vào hệ thống.

Ngoài phần mềm quản lý, Dự án cũng sẽ trang bị hạ tầng phần cứng để hệ thống vận hành đồng bộ từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh và cấp huyện.

Song song với đó là hoạt động  đào tạo trang bị kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ ngành LĐ-TBXH để duy trì, vận hành hệ thống MIS Posasoft về trợ giúp xã hội một cách hiệu quả nhất. Dự án tổ chức 2 đợt đào tạo cho đội ngũ cán bộ LĐTBXH 63 tỉnh/thành trên cả nước: hoạt động đào tạo mới đã diễn ra vào cuối năm 2017và đào tạo nâng cao sẽ diễn ra vào quý IV năm 2018.

Dự kiến hệ thống thông tin quản lý trợ giúp xã hội MIS Posasoft sẽ vận hành chính thức trên phạm vi toàn quốc trong năm 2018. Đây là bước tiến lớn trong việc hoàn thành mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực giảm nghèo và trợ giúp xã hội của Chính Phủ và toàn ngành LĐ-TBXH.

 

Theo molisa.gov.vn