Quyết liệt hành động trên nhiều “mặt trận” chăm sóc sức khỏe người dân

04/09/2018 05:00 PM


Triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và 21-NQ/TW của Hội nghị TW 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, công tác dân số trong tình hình mới, thời gian qua, ngành y tế đã quyết liệt triển khai trên nhiều “mặt trận”, từ đẩy mạnh chất lượng y tế cơ sở để “hút” người dân về khám chữa bệnh tại tuyến dưới đến tiếp tục phát triển kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc...

 

25 tỉnh, thành phố liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc

Cuối tháng 8/2018, một sự kiện được đánh giá là dấu ấn của ngành dược khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng loạt thực hiện nghi thức ấn nút khai trương hệ thống công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trong khuôn khổ của Hội nghị trực tuyến toàn quốc Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Hoạt động này là một trong những việc làm thiết thực trong thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của ngành y tế bởi Nghị quyết đã đặt ra nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển ngành dược, đó là: Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ mà Nghị quyết 20 đã đề ra và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020. Bộ cũng đã có Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc song song với việc xây dựng các quy định, nhằm pháp chế hóa yêu cầu bắt buộc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc. Đặc biệt triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ...

Qua triển khai thí điểm tại 4 tỉnh gồm: Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, đến nay đã có 25 tỉnh, thành phố khác tham gia hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc và quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc, đem lại kết quả rất tốt. “Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; Cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc. Đồng thời, đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực của Bộ Y tế nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo trong thời đại cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra sổ ghi nhật ký KCB tại Trạm Y tế xã Minh Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Phát huy vai trò “người gác cổng” trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Mới đây, trong phiên giải trình của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức về chất lượng và hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở (YTCS), nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, qua giám sát, qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của người dân dành cho YTCS. Đó là nhiều trạm y tế đã được đầu tư xây mới, tu sửa, đầu tư trang thiết bị, thậm chí có trạm y tế đã thực hiện được chạy thận nhân tạo qua việc thực hiện thí điểm mô hình “Phòng khám đa khoa, vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại trạm y tế” của TP. Hồ Chí Minh...

Làm rõ thêm mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ở nước ta, rộng khắp từ Trung ương đến xã, phường đều bao phủ hệ thống y tế, thậm chí còn có cả y tế thôn bản thông qua hệ thống các cô đỡ thôn bản đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Hiện cả nước có 11.400 trạm y tế xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản; gần 99% xã, phường và thị trấn có nhà trạm; 87,5 % trạm có bác sĩ khám chữa bệnh; 97% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%.

Về dự phòng, nâng cao sức khỏe, công tác tiêm chủng được củng cố, triển khai bền vững tại 100% xã, phường; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em luôn đạt trên 90%. Công tác bảo vệ và chăm sóc bà mẹ, trẻ em được triển khai rộng khắp. Công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là phòng, chống các yếu tố nguy cơ được triển khai theo các Chương trình mục tiêu y tế gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị bệnh có hiệu quả tích cực...

Một số trạm y tế xã đã bước đầu thực hiện quản lý một số bệnh không lây nhiễm, mạn tính như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường... theo mô hình Bác sĩ gia đình. Người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến YTCS. Đến nay, đã triển khai khám chữa bệnh BHYT tại khoảng 80% tổng số trạm y tế.

Trên thực tế, trong thời gian qua, “tư lệnh” ngành y - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo Bộ Y tế đã liên tiếp có chuyến công tác đến các địa phương từ miền núi, đồng bằng đến các tỉnh phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên... thăm và làm việc về công tác YTCS. Ghi nhận của chúng tôi từ các chuyến đi thực tế cho thấy, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của ngành y tế, những năm qua, mạng lưới YTCS ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo... Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng thẳng thắn cho biết, YTCS vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập nên chưa thực sự thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu. Cũng từ những chuyến đi thực tế đó, lãnh đạo Bộ Y tế đã có những chỉ đạo, quyết sách nhằm quyết liệt nâng cao mọi mặt của YTCS từ cơ sở vật chất đến đầu tư trang thiết bị và đào tạo con người.

Theo đó, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu nâng cao chất lượng YTCS mà Nghị quyết 20 đã đề ra, cùng với việc đầu tư và dành kinh phí để xây mới thí điểm 26 trạm y tế tại nhiều địa phương theo mô hình hiện đại tại nhiều địa phương, Bộ Y tế đã tổ chức 20 khóa “Đào tạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các bệnh mạn tính tại tuyến ban đầu theo nguyên lý y học gia đình” thuộc chương trình nâng cao chất lượng đào tạo điểm cán bộ y tế tuyến ban đầu của Bộ Y tế. Đồng thời, tới đây, ngoài việc nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, Bộ Y tế sẽ thực hiện việc đưa bác sĩ tuyến trên từ huyện, tỉnh, đặc biệt có cả bác sĩ TW về tư vấn, cầm tay chỉ việc cho cán bộ y tế tuyến cơ sở để tạo niềm tin cho người dân đến YTCS thăm khám. Các bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới sẽ tập trung vào chuyên khoa nội, gần gũi với mô hình bệnh tật tuyến đầu.

Quyết liệt nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng người bệnh

Theo Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, ngành y tế và các bệnh viện đã và đang có nhiều giải pháp cụ thể trong việc nâng cao chất lượng KCB, từ việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Ðáng chú ý, với việc áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện đã giúp nâng cao chất lượng dịch vụ KCB và làm thay đổi sự nhìn nhận và đánh giá của người dân về hệ thống KCB.

“Báo cáo chỉ số hài lòng của người bệnh dựa trên kết quả đánh giá độc lập từ tháng 9/2016 đến tháng 12/2017 cho thấy, mức độ hài lòng của người bệnh nội trú đối với chất lượng dịch vụ KCB đạt mức 79,6%. Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2016 công bố tháng 4/2017 cho thấy, các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện đã có thay đổi lớn về chất lượng, người dân đã hài lòng hơn với các dịch vụ y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 20, điều quan trọng nhất trong “sự hài lòng của người bệnh” đối với dịch vụ y tế là làm hài lòng về chất lượng điều trị. Muốn điều trị tốt thì người bác sĩ phải giỏi. Do đó, ngành y tế chủ trương triển khai đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt, đi sâu vào đổi mới một số chương trình đào tạo chủ chốt theo hướng hình thành năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng với mô hình bệnh tật và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đích phấn đấu cuối cùng của ngành y vẫn là sự hài lòng của người bệnh từ phong cách, thái độ phục vụ đến chất lượng dịch vụ. Do đó, để người dân hài lòng hơn nữa và thêm tin tưởng vào đội ngũ y, bác sĩ, ngành y tế ưu tiên tập trung đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của TW về công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới và thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các nội dung của những Nghị quyết này của Quyết định 2348 và chính sách của ngành y tế đều hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân. Có nghĩa là mọi người dân đều được công bằng và đều có cơ hội được tiếp cận như nhau về dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và không bị khó khăn về tài chính cản trở tiếp cận các dịch vụ này.

 

Theo Báo SK&ĐS