Cách mạng công nghiệp giúp công nhân bớt nhọc nhằn

21/08/2018 05:00 PM


Hiểu đúng về sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 giúp doanh nghiệp đưa ra chiến lược phát triển phù hợp.

 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam tham quan phòng sản phẩm mẫu tại Công ty CP Quốc tế Phong Phú.

"Điểm nhân văn của công nghệ 4.0 là chia sẻ gánh nặng với NLĐ ở những khâu nặng nhọc, độc hại, thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, tuy nhiên chưa thể thay thế hoàn toàn sức người. Phải có cái nhìn đúng về tác động của cuộc cách mạng 4.0, DN mới phát triển bền vững và giúp NLĐ thích ứng tốt trong giai đoạn hiện tại" - bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú (thành viên của Phong Phú Group), đã chia sẻ như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam về việc áp dụng công nghệ 4.0 tại DN.

Đi tắt, đón đầu

Tại buổi làm việc, ngoài trao đổi về tình hình lao động tại DN, Đoàn cũng đã tham quan nhà máy và tìm hiểu về những công nghệ hiện đại đang được áp dụng tại Trung tâm Phát triển sản phẩm Phong Phú.

Hiện Công ty CP Quốc tế Phong Phú có hơn 17 nhà máy trải dài từ Bắc đến Nam với hơn 10.000 NLĐ. Xác định việc đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là yếu tố giúp Công ty phát triển và vươn tầm trên thị trường quốc tế nên DN sớm tập trung đầu tư công nghệ mới vào quy trình sản xuất và Trung tâm Phát triển sản phẩm Phong Phú đã được thành lập. Trung tâm đang ứng dụng hàng loạt công nghệ 4.0 như laser, robot tự động… giúp DN thực hiện được chuỗi sản xuất khép kín hoàn toàn từ vải đến sản phẩm thời trang. "Công nghệ hiện đại không chỉ tăng năng suất lao động mà còn giúp DN tiết kiệm năng lượng, hóa chất và bảo đảm quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Đáp ứng được yêu cầu đó, DN mới giữ được khách hàng cũ và tìm thêm nhiều khách hàng mới" - bà Liên đúc kết.

Bà Liên đưa ra những ví dụ cụ thể về sự tác động tích cực của công nghệ 4.0 đang được ứng dụng tại đơn vị. Điển hình như trước đây ở công đoạn phun PP đối với sản phẩm quần jeans, cần khoảng 20 công nhân (CN) làm việc bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên, kể từ khi công ty đầu tư robot thì năng suất lao động ở công đoạn này tăng gấp 10 lần, CN được chuyển qua các bộ phận khác, không phải tiếp xúc với hóa chất thường xuyên. Hay như công đoạn wash (giặt mài thời trang quần jeans), ứng dụng máy laser lớn giúp tăng năng suất gấp 14 lần so với sử dụng sức người… Tác động tích cực khác của công nghệ là buộc NLĐ phải thích ứng với nó. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Công nghệ wash (thuộc Công ty CP Quốc tế Phong Phú), yêu cầu tất yếu khi DN thay đổi công nghệ là cần một bộ phận NLĐ có trình độ chuyên môn cao để điều khiển máy móc. Đây là cơ hội cũng là thách thức với mỗi NLĐ. Chị Mai Thị Cẩm Hiền (nhân viên thiết kế) cho biết: "Là người thiết kế nhưng tôi không đơn giản chỉ đưa ra ý tưởng. Thực tế khi làm việc trong một môi trường sử dụng nhiều máy móc hiện đại, ngoài việc thiết kế, tôi phải có kiến thức nhất định về công nghệ in laser hay wash… để tạo ra những sản phẩm bắt kịp xu hướng".

Có kế hoạch phù hợp

Dù là đơn vị ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhưng lãnh đạo Công ty CP Quốc tế Phong Phú nhận định trong giai đoạn hiện nay, máy móc chưa thể thay thế hoàn toàn sức người. NLĐ vẫn phải đảm nhận nhiều công đoạn (khoảng 65%) để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Một phần vì đầu tư dây chuyền tự động hoàn toàn để có thể thay thế NLĐ cần chi phí rất lớn, khó có DN nào có thể làm được trong bối cảnh hiện tại.

Hầu hết các DN chỉ đầu tư máy móc ở một hoặc một số công đoạn nặng nhọc hay tiếp xúc thường xuyên với hóa chất nhằm tăng năng suất. Nhờ vậy, NLĐ sẽ có thêm thu nhập, có thời gian chăm lo cho gia đình, giảm rủi ro về sức khỏe. Mặt khác, có những công đoạn trong ngành may mà máy móc không thay thế được hoặc do yêu cầu của khách hàng vẫn phải xử lý thủ công nên vẫn cần NLĐ tham gia vào quá trình tạo ra một sản phẩm. "Thực tế, nhiều DN dệt may đang trong tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Ngay tại đơn vị, dù áp dụng nhiều công nghệ nhưng vẫn đang thiếu lao động, NLĐ làm việc tại các bộ phận được thay thế bằng máy móc được chuyển qua những phần việc khác chứ không hề giảm việc làm. Do vậy, bản thân DN cần hiểu đúng sự tác động của 4.0 trong từng giai đoạn để có kế hoạch phát triển phù hợp" - bà Liên nhấn mạnh.

Theo báo cáo mới nhất của Công đoàn Dệt may Việt Nam, việc tự động hóa trong quá trình sản xuất hiện nay tùy thuộc vào từng ngành. Điển hình như ngành sợi chịu tác động của công nghệ khá lớn nên được nhiều đơn vị đầu tư tự động hóa sớm. Tuy nhiên, với ngành may thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chưa gây nhiều ảnh hưởng. Hiện tại, vẫn chưa có đơn vị may mặc nào đầu tư hoàn chỉnh nhà máy tự động hoàn toàn mà vẫn sử dụng sức người là chủ yếu. Việc tự động hóa ở một số công đoạn trong giai đoạn hiện tại mới chỉ bù đắp phần thiếu hụt lao động trong ngành. Dù vậy, các DN cần phân tích, đánh giá đúng sự tác động của công nghệ tiên tiến trên lĩnh vực của mình để có chiến lược phát triển phù hợp và bền vững.

*** Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam: Giúp người lao động chủ động hội nhập

Tự động hóa đang diễn ra ở một số ngành nghề nhất định nhưng thay thế ở mức độ nào thì cần các cơ quan nghiên cứu đánh giá và đưa ra những dự báo chính xác giúp ổn định thị trường lao động. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã giao Viện Công nhân Công đoàn khảo sát, nghiên cứu sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 trên các lĩnh vực tại Việt Nam trong thời gian ngắn hạn để có những dự báo sát với thực tế giúp DN và NLĐ thích ứng với sự thay đổi. Công đoàn Việt Nam đã thành lập Quỹ Học bổng CĐ nhằm hỗ trợ tài chính để NLĐ học tập, nâng cao trình độ đáp ứng được nhu cầu công việc trong giai đoạn mới./.

 

Theo Người lao động