Không để NLĐ bị động trước thay đổi của công nghệ

20/08/2018 05:00 PM


Tiến bộ của khoa học công nghệ không chỉ tác động đến lao động phổ thông, trình độ thấp mà lao động có trình độ cũng sẽ không ngoại lệ.

 

Để NLĐ Việt Nam không bị động trước sự thay đổi của khoa học công nghệ, không chỉ tổ chức Công đoàn mà cơ quan quản lý Nhà nước, chủ DN cần phải chủ động đào tạo nghề, nâng cao trình độ, tạo cơ hội để NLĐ tiếp cận với khoa học công nghệ - là chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Trần Thanh Hải với Báo Lao Động.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải.

- Phóng viên: Khi DN ứng dụng khoa học công nghệ, tự động hóa vào sản xuất, sẽ có một lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị mất việc. Vậy trách nhiệm của tổ chức Công đoàn (CĐ) đối với lực lượng này như thế nào, thưa Phó Chủ tịch Thường trực?

+ Ông Trần Thanh Hải: Nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi khoa học công nghệ, NLĐ mất việc đó là thách thức mà NLĐ và tổ chức CĐ phải đối mặt, tuy nhiên, tôi cho rằng phải nhìn nhận đó là xu hướng tất yếu, đòi hỏi từ thực tiễn của cuộc sống và NLĐ, tổ chức CĐ phải thích ứng với sự thay đổi đó. Trách nhiệm của tổ chức CĐ là làm sao để NLĐ chủ động trước sự thay đổi của khoa học công nghệ. Ở quy mô DN, CĐ phải khuyến khích NLĐ tham gia vào những khâu máy móc không thay thế được. Với những lao động lớn tuổi, CĐ ở cơ sở phải nghiên cứu kỹ, những công đoạn nào không yêu cầu nhanh mắt, nhanh tay nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, hoặc đơn giản… đề nghị DN sử dụng đối tượng này. Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã thành lập Quỹ Học bổng CĐ, hỗ trợ tài chính để NLĐ học tập, nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, chính NLĐ cũng phải thay đổi thái độ học tập, làm việc để thích ứng với yêu cầu mới.

- Phóng viên: Ngoài tổ chức CĐ, việc đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho NLĐ, theo ông, chính sách Nhà nước cần có sự thay đổi hoặc hỗ trợ như thế nào?

+ Ông Trần Thanh Hải: Nhà nước hỗ trợ là rất cần thiết. Để việc hỗ trợ đạt hiệu quả, cần phân biệt rõ ràng giữa hai nhóm lao động: Lao động có trình độ và lao động phổ thông. Cụ thể, đối với lao động trẻ có trình độ, rất muốn dấn thân vào những ngành nghề mới, những ngành nghề ứng dụng khoa học công nghệ, tuy nhiên họ có nhiều rủi ro. Rất cần thiết, có một quỹ hỗ trợ cho đội ngũ này, để khuyến khích nhóm lao động này làm chủ công nghệ, tạo ra những sản phẩm công nghệ để không phải đi mua lại máy móc, công nghệ nước ngoài với chi phí rất cao. Ví dụ như ở Công ty CP Quốc tế Phong Phú, đội ngũ kỹ sư của họ đang nghiên cứu thực hiện một robot phục vụ sản xuất, kết quả khá khả quan, nếu thành công thì chi phí chỉ bằng một nửa chi phí mua từ nước ngoài. Quỹ hỗ trợ đối tượng này có thể do Nhà nước hỗ trợ 25%, DN hỗ trợ 25%, NLĐ đóng góp 25% và quỹ BH thất nghiệp hỗ trợ 25%.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải (trái ảnh) trong buổi làm việc với Công ty CP Quốc tế Phong Phú (Tp.HCM) sáng 17/8.

Nhóm thứ hai là lao động phổ thông. Hiện nay, quỹ BH thất nghiệp đang hỗ trợ lực lượng bị mất việc học nghề, giúp họ quay trở lại thị trường lao động, nhưng như vậy hơi bị động. Luật Việc làm cần phải sửa đổi, để nguồn quỹ này phải hỗ trợ cho NLĐ nâng cao tay nghề, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và những ngành nghề hỗ trợ cũng phải thay đổi, nghề đó phải đáp ứng được yêu cầu, xu thế mới.

- Phóng viên: Thưa ông, các DN dệt may than phiền là thiếu lao động, trong khi đó, có nhiều dự báo là lao động ngành dệt may và một số ngành thâm dụng lao động khác sẽ dư thừa, bị máy móc thay thế. Việc này có mâu thuẫn không và có khó khăn cho công tác đào tạo NLĐ không?

+ Ông Trần Thanh Hải: Ở một số ngành nghề nhất định, xu hướng là máy móc sẽ thay thế sức lao động con người, dệt may cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, thay thế ở mức độ nào, bao giờ thì thay thế, thay thế ở công đoạn nào và DN mở rộng sản xuất cần bao nhiêu lao động… thì rất cần các cơ quan nghiên cứu đánh giá thấu đáo, để đưa ra những dự báo chính xác về thị trường lao động./.

 

Theo Báo Lao động