Nâng cao chất lượng BHXH, BHYT trong quân đội

24/05/2018 05:00 PM


Đó là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham gia Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT trong quân đội” do BHXH Bộ Quốc phòng phối hợp với Báo Quân đội nhân dân vừa mới tổ chức, tại Hà Nội.

 

Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH

Tại Tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Phó chính ủy Quân khu 2 cho biết, những năm qua, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong LLVT Quân khu 2 được thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, dành toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Phạm Đức Duyên.

Quân khu 2 có địa bàn quản lý rộng, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn; có nhiều đầu mối cơ quan, đơn vị đã giải thể, sau đó sáp nhập và được tái lập, thành lập mới, nên tác động ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp nhận, quản lý hồ sơ giải quyết chính sách BHXH; đồng thời, do ảnh hưởng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nên việc quản lý hồ sơ lưu trữ và cập nhật hồ sơ còn chưa thật đầy đủ, vẫn còn trường hợp bị thất lạc, thiếu đồng bộ gây không ít khó khăn cho công tác thẩm định và giải quyết chế độ BHXH cho đối tượng được thụ hưởng.

Chính sách BHXH, BHYT đối với LLVT là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là một chính sách hậu phương quân đội, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong LLVT quân khu đặc biệt quan tâm lựa chọn sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên ưu tú nhất về chính trị tư tưởng cũng như trình độ chuyên môn để làm công tác chính sách BHXH, BHYT.  Đội ngũ này đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, định hướng, những văn bản mới, thay đổi trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho bộ đội và người lao động, tạo sự đồng thuận cao. Tổ chức ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, lưu trữ hồ sơ giải quyết chế độ BHXH, BHYT theo hướng tinh gọn, hiệu lực, thiết thực.

Theo Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, để giải quyết tốt chính sách BHXH, BHYT, trước hết cấp ủy, chỉ huy phải quan tâm lựa chọn, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH, BHYT nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đặt ra. Cán bộ, nhân viên làm công tác BHXH, BHYT phải cẩn thận, khoa học trong công việc; luôn bám sát luật, bám sát thực tiễn để xử lý những vấn đề mới đặt ra; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững chính sách và các đối tượng chính sách, làm cơ sở thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đó sẽ là những hạt nhân nòng cốt trong bảo đảm giải quyết chế độ cho bộ đội và người lao động.

Tham mưu đúng, trúng các vấn đề liên quan đến BHXH

Đại tá Trần Quang Thanh, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị nhấn mạnh: Thực tiễn cho thấy, để các quan điểm của Đảng về BHXH đi vào cuộc sống, một trong những giải pháp quan trọng là các quan điểm đó phải được thể chế hóa bằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Chính vì vậy, trong những năm qua, Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) đã chủ động tham mưu, giúp việc để Thủ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về BHXH trong quân đội. Công tác tham mưu, đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành và hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo đảm phù hợp quá trình thể chế hóa các quan điểm của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước về chính sách BHXH trong từng giai đoạn và tính chất đặc thù hoạt động của LLVT.

Đại tá Trần Quang Thanh.

Nổi bật là giai đoạn 1995-2006, Cục Chính sách đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội nghiên cứu, tham mưu đề xuất Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 45/CP ngày 15-7-1995 kèm theo Điều lệ BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, binh sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Từ năm 2007 đến nay là giai đoạn có sự phát triển nổi bật trong việc luật hóa các quan điểm cải cách về chính sách BHXH của Đảng. Vì vậy, Cục Chính sách chủ động cùng với các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội trong suốt quá trình nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật BHXH năm 2006 và Luật BHXH năm 2014; nghiên cứu, đề xuất Bộ Quốc phòng trình Chính phủ, liên bộ ban hành hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện các Luật BHXH nêu trên; nhất là hệ thống các nghị định của Chính phủ, thông tư liên bộ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH bắt buộc đối với quân nhân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương...

Thời gian tới, chính sách BHXH tiếp tục có nhiều cải cách mới, Cục Chính sách sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của bộ quán triệt, nắm chắc các quan điểm, định hướng lớn về cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7. Trước mắt là tập trung phối hợp nghiên cứu, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHXH năm 2014 theo tinh thần cải cách mà Nghị quyết Trung ương 7 đã xác định; đồng thời bảo đảm chính sách ưu đãi đối với các đối tượng trong quân đội phù hợp với đặc thù lao động đặc biệt của LLVT hiện nay.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào nâng cao hiệu quả công tác BHXH, BHYT

Thượng tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Ban Tổ chức nhân lực, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết: Viettel đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin với việc triển khai xây dựng hệ thống “Phần mềm nhân sự” nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT cho người lao động theo đúng quy định của Nhà nước.

Thượng tá Nguyễn Chí Thanh.

Trong đó, nổi lên một số tính năng và tiện ích: Về công tác thu, nộp BHXH, BHYT: Toàn bộ dữ liệu về hệ số bảo hiểm, mốc nâng lương, cách tính BHXH,… được chuẩn hóa, đồng bộ lên phần mềm. Với tổng thu nộp BHXH của tập đoàn gần 48 tỷ đồng/tháng, trước đây phải mất 15 ngày để tổng hợp, báo cáo thì nay chưa đến 5 ngày.

Về giải quyết chế độ, chính sách (ốm đau, thai sản…): Việc ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện theo hướng tự phục vụ. Theo đó, Viettel đã chủ động xây dựng công cụ “Thông tin nhân sự”. Từ đây, cán bộ, nhân viên chủ động theo dõi, tự động cập nhật thông tin, đăng ký giải quyết các chế độ BHXH, BHYT theo từng bước (với các mẫu, các nội dung và yêu cầu có sẵn). Bởi vậy, việc cập nhật thông tin, hồ sơ giải quyết chế độ BHXH, BHYT được nhanh chóng, chính xác, hạn chế tối đa sai sót. Thông tin về chế độ chính sách được minh bạch, giúp làm giảm những băn khoăn thắc mắc, khiếu nại của người lao động. Từ năm 2014 đến nay, tập đoàn không còn phát sinh các khiếu nại liên quan đến chế độ BHXH, BHYT của người lao động.

Việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong thực hiện nghiệp vụ đã tối ưu nhân sự trực tiếp triển khai công tác BHXH, BHYT tại cơ quan, đơn vị và tập đoàn. Từ chỗ lực lượng chuyên môn nói trên có khoảng 95 nhân sự (năm 2014) thì nay tập đoàn chỉ còn 4 nhân sự chuyên trách và 30 nhân sự kiêm nhiệm thực hiện công tác BHXH, BHYT.

Trong thời gian tới, để hạn chế những sai sót phát sinh trong quá trình thực hiện các hoạt động BHYT, BHXH, Viettel định hướng sẽ xây dựng các công cụ để giám sát, tự động cảnh báo như: Tự động thông tin, cảnh báo đến cấp quản lý khi quá hạn (về thời gian theo phân cấp) giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, nhân viên. Cơ quan tập đoàn (hoặc một số đầu mối trực thuộc được phân cấp) có thể theo dõi, nhìn thấy được (qua hệ thống) đến từng đơn vị, từng nội dung hoạt động để giám sát kịp thời, đầy đủ, chặt chẽ.

 

Theo BHXH VN