“Chính sách pháp luật đối với công đoàn và NLĐ: Kinh nghiệm Việt Nam và châu Âu”

20/05/2018 05:00 PM


Đây là tiêu đề cuộc Hội thảo vừa được Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg của Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức ngày 18/5, tại Hà Nội. Hội thảo là một trong những hoạt động nhằm thực hiện chương trình hợp tác hàng năm giữa hai cơ quan.

 

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo là dịp để các đại biểu trong nước và quốc tế cùng nhau chia sẻ, trao đổi những vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của Công đoàn và bảo vệ lợi ích của người lao động.

Tham dự Hội thảo có: Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Đình Quyền - Chủ trì Hội thảo; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội TS. Bùi Sĩ Lợi; Giám đốc Văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á Liliane Danso-Dahmen; các vị đại biểu Quốc hội; đại diện Bộ LĐ-TB&XH; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực lao động, công đoàn đến từ một số trường Đại học, Viện nghiên cứu.

Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của TS. Heinz Bierbaum, Trưởng Ban Quốc tế Đảng cánh tả Đức; đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, ông Chang Hee Lee cùng một số chuyên gia quốc tế khác. Đây là những chuyên gia quốc tế đầu nghành trong lĩnh vực kinh tế - xã hội học và có nhiều năm nghiên cứu về pháp luật lao động, am hiểu về tổ chức công đoàn.

Ngày 9/3/2018, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (viết tắt là CPTTP) đã được 11 nước trong đó có Việt Nam thống nhất ký thông qua tại Chile. Cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (gọi tắt là EVFTA) sẽ tác động trực tiếp, tích cực tới nền kinh tế Việt Nam thông qua việc thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư, cải cách thể thế - hành chính - quản trị, thúc đẩy tiến bộ xã hội, đẩy mạnh công bằng, dân chủ…

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Đình Quyền phát biểu khai mạc Hội thảo.

Bên cạnh những lợi ích sẽ đạt được, khi ký kết gia nhập, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức lớn, trong đó có việc điều chỉnh hành lang pháp lý, khuôn khổ thể chế và các quy định pháp luật hiện hành theo đúng các cam kết của quốc gia thành viên Hiệp định. Để thực hiện các cam kết này, Việt Nam đang khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện pháp luật cho phù hợp, tăng cường các thiết chế đảm bảo thực hiện hiệu quả việc xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức đại diện cho người lao động; có cơ chế đảm bảo hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động này, tránh tình trạng người sử dụng lao động can thiệp, tác động gây ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả đại diện, bảo vệ người lao động của các tổ chức này, bảo đảm đúng bản chất của tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện của người lao động chính là cách thức tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Năm 2016, đàm phán trong TPP, Việt Nam đã đề cập nhiều việc thành lập các tổ chức đại diện của người lao động ở các doanh nghiệp. Cùng với đó, một trong những điều kiện để Hiệp định EVFTA được thông qua là Việt Nam phải phê chuẩn các công ước ILO về quyền của người lao động như: Công ước số 87 và Công ước số 98 về Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; Công ước số 29 và Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; Công ước số 138 và Công ước số 182 về bãi bỏ lao động trẻ em, cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; Công ước số 100 và Công ước số 111 về chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp… đây là những công ước đề cập đến các quyền của người lao động.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Bên cạnh đó, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII vừa qua đã đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến người lao động như chính sách tiền lương, chính sách BHXH… điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với người lao động.

Do đó, việc tổ chức Hội thảo cũng về chủ đề người lao động của Viện Nghiên cứu lập pháp nhằm tiếp tục nghiên cứu, góp phần thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách liên quan đến người lao động, công đoàn…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Đình Quyền cho biết, vào tháng 4/2017, tại tỉnh Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức Hội thảo góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động, tại đây, các đại biểu đã trao đổi rất thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề liên quan đến công đoàn, đình công, giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu…

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Tiếp nối tinh thần Hội thảo tại Quảng Ninh, TS. Nguyễn Đình Quyền bày tỏ mong muốn tại Hội thảo lần này, các vị đại biểu tham dự sẽ thẳng thắn chia sẻ, trao đổi những vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của Công đoàn và bảo vệ lợi ích của người lao động. Qua đó nhằm đóng góp thêm ý kiến để giúp các Cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng như Viện Nghiên cứu lập pháp có nguồn thông tin bổ ích phục vụ Quốc hội trong quá trình xem xét, sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và các Luật khác có liên quan trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, sau khi nghe các tham luận, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở về một số vấn đề như: Các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO và Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn Việt Nam; những cam kết về lao động, công đoàn trong Hiệp định EVFTA và CPTTP - thách thức đối với Việt Nam; một số định hướng sửa đổi, bổ sung pháp luật lao động, việc làm và an sinh xã hội ở Việt Nam; một số kiến nghị sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012; quy định về đại diện lao động trong pháp luật Việt Nam và một số kiến nghị; quy định của một số nước châu Á về chính sách, pháp luật đối với Công đoàn và người lao động.

Đặc biệt, Hội thảo cũng đã được nghe những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của TS. Heinz Bierbaum về kinh nghiệm của châu Âu về chính sách pháp luật đối với Công đoàn và người lao động; của đại diện ILO tại Việt Nam, ông Chang Hee Lee về các quy định liên quan đến quan hệ lao động của Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn. Đồng thời trao đổi từ các chia sẻ kinh nghiệm thực tế của đại diện Liên đoàn Lao động một số tỉnh; đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam…

 

Theo Cổng TTĐT Quốc hội