Thứ bảy, ngày 25/01/2025

8 yếu tố đột phá: Phúc đáp quyền bảo đảm an sinh xã hội của người dân

16/05/2018 01:06 AM


Cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội - vấn đề thiết thân với đông đảo nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động là những nội dung quan trọng sẽ được bàn tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

 

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Đề án nêu lên 8 yếu tố đột phá nhằm phúc đáp quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân.

Đầu tiên, Đề án mở rộng diện bao phủ BHXH, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng và hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Theo ông Phạm Trường Giang, trong xã hội, thu nhập của người dân rất đa dạng, có người thu nhập thấp, trung bình, nhưng có người thu nhập rất cao. Trước đây, Việt Nam chỉ duy trì BHXH cơ bản, tức là người lao động có tiền lương, đóng BHXH trên nền tiền lương đó với mức trần nhất định. Đây là hình thức BHXH đơn tầng để đáp ứng cho tất cả. Điều này chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người lao động trong xã hội. Vì vậy, cải cách lần này, Ban soạn thảo Đề án thiết kế hệ thống BHXH đa tầng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Như vậy, BHXH đa tầng sẽ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân khi đang làm việc và ngay cả khi về hưu thay vì đơn tầng như lâu nay.

"Thông qua BHXH đa tầng, chúng ta hướng tới BHXH toàn dân", ông Giang cho biết, hiện Việt Nam đang có khoảng 5-6 triệu người từ 60 đến dưới 80 tuổi không có thu nhập hàng tháng để đảm bảo tuổi già. Thông qua BHXH toàn dân thì trong tương lai, hướng tới tất cả những người cao tuổi đều có lương hưu.

Nội dung đáng chú ý tiếp theo của Đề án là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Theo ông Phạm Trường Giang, trong bối cảnh già hóa dân số, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một xu thế tất yếu của tất cả các nước, không riêng Việt Nam.

Phương án xin ý kiến Trung ương về tuổi nghỉ hưu điều chỉnh theo lộ trình phù hợp để vừa đạt mục tiêu tăng tuổi nghỉ chung, vừa thu hẹp dần khoảng cách về giới trong tuổi nghỉ hưu. Trước những lo ngại của dư luận về tuổi nghỉ hưu đối với một số ngành, nghề đặc thù, ông Phạm Trường Giang cho biết, những ngành nghề nặng nhọc, độc hại vẫn có thể nghỉ hưu sớm hoặc có những ngành nghề lại có thể nghỉ hưu muộn hơn so với tuổi nghỉ hưu chung 5 tuổi.

"Kinh nghiệm các nước đã từng thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho thấy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn nhưng phải được thực hiện sớm và tiến hành khẩn trương theo lộ trình, không tạo sốc cho thị trường lao động", ông Giang nói.

Thứ ba, Đề án kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu trong tầng BHXH do Nhà nước tổ chức để khắc phục những bất hợp lý trong thời gian vừa qua.

Ông Phạm Trường Giang cũng cho biết, thời gian qua, thiết kế chính sách BHXH của chúng ta đã có nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ, nhưng chia sẻ mới thực hiện rõ nét với BHXH ngắn hạn. Ví dụ như nam giới vẫn đóng tỷ lệ như nữ giới để chia sẻ với nữ khi thai sản, hay giữa những người may mắn không xảy ra tai nạn lao động với những người không may bị tai nạn. Nhưng riêng chính sách lương hưu lại quá chú trọng nguyên tắc đóng - hưởng. Tức là đóng cao - hưởng cao tuyệt đối, chia sẻ chưa thể hiện rõ nét trong thiết kế chính sách về hưu trí.

Lần này, Đề án thiết kế theo hướng kết hợp hài hoà giữa nguyên tắc đóng - hưởng và nguyên tắc chia sẻ trong chính sách hưu trí để thu hẹp khoảng cách lương hưu. "Vì thời gian qua chú trọng nguyên tắc đóng - hưởng nên 64% những người hưởng lương hưu có mức lương hưu thấp hơn mức bình quân (khoảng 4,5 triệu/tháng). Khoảng cách giữa những người hưởng mức lương hưu cao và thấp ngày càng lớn", ông nói.

Vì vậy, thời gian tới, công thức tính sẽ chú trọng sự chia sẻ, lúc đó sẽ diễn ra sự chia sẻ ở 3 khía cạnh. Đầu tiên là chia sẻ giữa nam và nữ (hiện nam cao hơn nữ), chia sẻ giữa người có thời gian tham gia dài và người tham gia thời gian ngắn, giữa người có mức đóng cao do được đào tạo tốt hơn thì chia sẻ với người có mức lương hưu thấp. Đây không phải chia sẻ một cách sòng phẳng mà chia sẻ mang tính tương đối. Người lao động đóng cao vẫn hưởng mức cao một cách tương đối, chứ không phải đóng cao hưởng cao tuyệt đối như hiện nay.

Như vậy, lúc đó sẽ thu hẹp được khoảng cách về lương hưu, không còn tình trạng có người hưởng lương hưu ở mức rất cao và có người hưởng mức rất thấp.

Ngoài 3 đề xuất nêu trên, Đề án còn có 5 nội dung khác được cho là sẽ tạo những đột phá. Cụ thể là, tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách BHXH; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để giảm số lượng hưởng BHXH một lần; thiết kế lại các tham số BHXH để đảm bảo đạt mục tiêu bền vững tài chính của các Quỹ BHXH thành phần; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu.

Việc rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH (hiện tối thiểu là 20 năm) để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho người có thời gian ngắn bảo lưu, người ở độ tuổi trung niên (45 - 50 tuổi) mới tham gia BHXH có thể hưởng chế độ hưu trí, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Với lộ trình dự kiến bắt đầu cải cách BHXH vào năm 2021, Ban soạn thảo Đề án cho rằng không thể chậm trễ hơn để bắt tay vào thực hiện các đề xuất trên, vì quỹ thời gian cần thiết để kịp thời thể chế hóa và chuẩn bị các điều kiện thiết yếu không còn nhiều.

 

Theo BHXH VN