Yên tâm nhờ có thẻ BHYT
03/10/2017 07:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bài 1: “Phao cứu sinh” cho người bệnh
Với những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nặng hoặc bệnh hiểm nghèo thì tấm thẻ BHYT thực sự là “phao cứu sinh”, giúp hiện thực hóa ước mơ được trở lại cuộc sống bình thường…
Chắp cánh ước mơ!
V.V.C, một thanh niên trẻ 23 tuổi quê tỉnh Thái Bình, không may mắc chứng rối loạn đông máu do di truyền (Hemophilia). Đây là bệnh lý bẩm sinh gây biến chứng rất sớm, từ chỗ khiến người bệnh khó đi lại, đến việc có thể phải ngồi xe lăn suốt đời bởi các thương tổn khớp gối, khớp háng… Hồi tháng 7/2017, C. thoát được tình trạng ngồi xe lăn nhờ tấm lòng và bàn tay khéo léo của các chuyên gia thuộc Khoa Ngoại chấn thương- chỉnh hình (BV quận Thủ Đức, TP.HCM) khi nỗ lực phẫu thuật điều trị khớp gối.
Nhờ có BHYT, những người mắc bệnh nặng sẽ bớt được gánh lo
Với bệnh nhân Hemophilia, quá trình phẫu thuật vừa vô cùng nguy hiểm do có thể xảy ra nhiều tai biến do chứng máu khó đông, đồng thời cũng rất tốn kém chi phí bởi buộc phải tăng cường khả năng đông máu bằng yếu tố VIII gần 10 ngày trước phẫu. Mỗi lọ thuốc tăng khả năng đông máu chứa yếu tố VIII gần 3 triệu đồng, nên tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân C. lên tới khoảng 60 triệu đồng. Đây là bài toán không đơn giản với C. và gia đình. Rất may là C. có thẻ BHYT và được quỹ BHYT chi trả phần lớn khoản phí này. Sau cuộc phẫu thuật, C. đã có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường sau một thời gian dài gắn cuộc đời với chiếc xe lăn.
Cũng bị bệnh Hemophilia, bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm (quê Vũng Liêm, Vĩnh Long) từng trải qua nhiều đợt phẫu thuật để tiếp tục tồn tại. Là chàng trai ham học, nhưng học đến năm lớp 6 thì Nghiêm buộc phải nghỉ học do căn bệnh di truyền phát sinh các biến chứng, hành hạ thể xác anh. Gia đình Nghiêm có tiền sử bệnh máu khó đông, một số người thân do không có điều kiện chữa trị nên không qua khỏi, riêng Nghiêm may nhờ có BHYT nên đã vượt qua hiểm nghèo. Từ năm 2012, Nghiêm tìm đến BV Chợ Rẫy (TP.HCM) những mong có được phép nhiệm màu... Và ước mong của anh đã dần trở thành hiện thực khi được điều trị tích cực và sức khoẻ dần hồi phục. Theo thống kê, chi phí điều trị của Nghiêm từ năm 2012 đến năm 2016 được quỹ BHYT chi trả lên đến hơn 5,5 tỉ đồng.
TS-BS.Trần Thanh Tùng- Trưởng Khoa Huyết học (BV Chợ Rẫy) cho biết, chính sách BHYT đã đem lại thay đổi lớn cho cuộc sống của những người bệnh Hemophilia. Trong những năm qua, hàng ngàn bệnh nhân đã được điều trị đầy đủ hơn, tránh được thương tật và nhiều hậu quả đáng tiếc khác. Đồng thời, gánh nặng kinh tế của những gia đình có người mắc bệnh Hemophilia giảm rất nhiều, giúp người bệnh có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.
“Tôi từng chứng kiến rất nhiều trường hợp bị bệnh liên quan đến huyết học, trong đó đa phần có chi phí hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí lên đến hàng tỉ đồng. Nếu không được sự hỗ trợ của BHYT, thì cuộc sống của họ có lẽ đã không giữ được và đành phải buông xuôi…”- BS.Tùng chia sẻ.
Thấm thía giá trị tấm thẻ BHYT
BS.Lê Quốc Khánh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong những năm qua, BHXH tỉnh Gia Lai đã chi trả cho nhiều trường hợp bệnh nhân có chi phí lớn. Khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người nói với tôi họ sẽ không biết làm thế nào nếu như không có tấm thẻ BHYT, bởi chi phí điều trị quá lớn, quá trình điều trị lâu dài, trong khi kinh tế gia đình có hạn…”.
Minh chứng cho điều này chính là trong năm học vừa qua, tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai có trường hợp một HS không may bị tai nạn với chi phí điều trị rất lớn, nhưng đã được quỹ BHYT chi trả kịp thời. Đó là trường hợp em Phan Bùi Hữu Ân (sinh năm 2003). Em Ân bị tai nạn bỏng, loét và phải điều trị tại BVĐK khu vực An Khê đến 4,5 tháng. Do tham gia BHYT HSSV nên quỹ BHYT đã chi trả các chi phí phẫu thuật, điều trị cho Ân với tổng số tiền hơn 840 triệu đồng, qua đó đã giúp gia đình em vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cũng theo BS.Khánh, một số trường hợp do chủ quan không tham gia BHYT, nên khi gặp rủi ro trong cuộc sống đã trở thành gánh nặng cho gia đình. Chẳng hạn, trường hợp gia đình bà Trần Thị Thanh (TP.Pleiku, Gia Lai) nhờ buôn bán, có đồng ra đồng vào, nên chủ quan không tham gia BHYT. Gần đây, chồng bà Thanh bị ung thư đại trực tràng phải phẫu thuật xạ trị rất tốn kém, mới ân hận vì sự chủ quan của mình. Riêng đợt điều trị đầu tiên, gia đình bà Thanh phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng. “Bị bệnh rồi mới biết, nếu trước đây có thẻ BHYT, thì giờ chúng tôi đã nhẹ gánh phần nào…”- người nhà bà Thanh cho hay.
Chia sẻ cùng cộng đồng
Theo GS-TSKH.Phạm Mạnh Hùng- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, quy luật tự nhiên là con người tồn tại dưới dạng từng cá thể, nhưng con người cá thể muốn tồn tại và phát triển thì phải sống trong một cộng đồng và không thể tách ra khỏi cộng đồng đó. Vì vậy, mối quan hệ 2 chiều giữa con người cá thể với cộng đồng và ngược lại giữa cộng đồng với con người cá thể luôn luôn được đặt ra ở mọi lúc và mọi nơi. Giải quyết tốt và hài hòa mối quan hệ 2 chiều này sẽ làm cho cộng đồng con người tồn tại vững bền và phát triển; đồng thời con người cá thể cũng phát triển theo.
Ông cha ta cũng có câu: “nước lên thì thuyền lên”. Vì vậy, con người cá thể và cộng đồng cần phải biết chia sẻ, cưu mang nhau để khắc phục rủi ro trong cuộc sống và cộng đồng phải tổ chức để con người cá thể thực hiện sự chia sẻ, cưu mang đó. Chia sẻ và cưu mang ở đây không chỉ là chia sẻ và cưu mang trong việc hưởng lợi ích, mà còn bao hàm cả trong việc chia sẻ khả năng đóng góp cho xã hội (người bị rủi ro ít sẽ đóng góp, chia sẻ với người bị rủi ro nhiều…). Hình thức BHYT là một trong những sự chia sẻ thiết thân và hiệu quả nhất.
Theo Báo BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...